Cười khoái chí khi cháu hét ''đánh ông đi''

10/03/2016 - 14:08

PNO - Do tính tò mò và bắt chước, thế nên, trẻ từ khi biết bi bô thường học nói theo người lớn kể cả tính tốt và xấu như văng tục, chửi bậy.

Ngượng chín mặt vì con chửi bậy

Do tính tò mò và khả năng bắt chước nhạy bén, thế nên, trẻ rất dễ học những thói hư tật xấu, kể cả việc văng tục, chửi bậy. Nhiều khi bé nói do học theo người lớn, không hiểu câu nói đó là gì nhưng trẻ lại đẩy các bậc phụ huynh vào cảnh trớ trêu, muối mặt với khách. 

Chị N.N (Hoàng Mai, Hà Nội) thở than: "Cả nhà đang ngồi ăn với khách, tôi gắp thức ăn cho cu Ken (4 tuổi) và bảo bé ăn, thế mà làm sao con hồn nhiên buột miệng câu "Đ.M mày". Lúc đó tôi chết điếng người, bàng hoàng".

Cuoi khoai chi khi chau het ''danh ong di''
Ngượng chín mặt khi con văng tục, chửi thề với bạn bè, đồng nghiệp. (Ảnh minh họa)

Chung hoàn cảnh, chị Thục Q. (Long Biên, Hà Nội) kể rằng: "Một hôm bạn mình tới nhà chơi, mình có sai cu Bin lấy hộ mình cái cốc ở bàn, thế mà bé văng tục "Đ. phải làm". Lúc đó, mình vừa xấu hổ với bạn vừa tức điên lên. Mình cũng bất lực không biết nên làm gì, bởi mỗi lần mình dạy bé lấy cái này giúp bố, giúp mẹ là ông nội lại dạy luôn câu đó. Nhiều lần góp ý với ông, thế nhưng, ông tự ái, chẳng thèm nói chuyện với vợ chồng mình đến cả tháng trời".

Đỏ mặt hơn, nhà anh K. (Đống Đa, Hà Nội) méo mặt khi con văng tục trước mặt sếp.

"Vợ chồng tôi khá thân với gia đình sếp. Hôm Chủ nhật, 2 vợ chồng dẫn bé Bi đến nhà sếp chơi. Người lớn nói chuyện trong nhà, còn bé Bi chơi với đứa con út của sếp gần tuổi nhau ở ngoài sân, bỗng bé Bi hét lớn "Kệ bố mày". Tất cả mọi người trong nhà đều nghe thấy. Lúc đó, vợ chồng tôi không biết giấu mặt đi đâu, ngượng chín mặt", anh K. kể lại.

Ông bà, bố vỗ tay khi con nói tục

Khi trẻ thấy người lớn vui vẻ, tỏ thái độ đồng ý với câu nói của bé, thì trẻ lại càng cảm thấy thích thú và lặp lại câu nói đó nhiều hơn. Thế nên, khi gặp cảnh ông bà hay bố phấn khích dạy cháu/con nói bậy, chửi thề mà các mẹ không biết phải giải quyết ra sao.

Cuoi khoai chi khi chau het ''danh ong di''
Bất lực với việc ông bà, bố phấn khích dạy bé nói tục. (Ảnh minh họa)

Chị L. chia sẻ: "Cứ lần nào về quê là bé Bi (5 tuổi) nhà mình lại quen thói văng tục chửi bậy. Ông nội chỉ có cu cậu là cháu đích tôn, thế nên ông bà nuông chiều cháu lắm. Ông cứ bảo cháu nói ông là con chó. Mà bé có biết gì đâu, cứ lặp lại lời của ông. Thấy ông hả hê cười, bé lại càng nói nhiều hơn. Nhìn cảnh ông bà dạy cháu văng tục như thế, tôi bực không chịu được. Chồng tôi lại được thể, mấy khi cháu về thăm ông nội, cứ để cho ông nội vui. Khi nào trở về Hà Nội thì chúng ta dạy dỗ lại sau".

Gia đình nhà chị N. (Cầu giấy, Hà Nội) cũng gặp trường hợp tương tự: "Bà nội lên chơi với cháu mấy ngày mà bé cứ thấy bố hay mẹ là lại nói "Tiên sư bố mày". Khi tôi bảo bà, bà lại dỗi "Gớm, tôi còn sinh ra chồng cô đấy, lại phải để cô dạy à?".

"Nhiều khi mình tức phát khóc khi bà ngoại bé Tôm hay nói từ đệm. Bà cứ hay đùa cháu là "Đánh bỏ mẹ ông đi", thế là cu cậu cũng ngây ngô học theo. Thấy cháu nói vậy, ông bà cùng đồng thanh cười khoái chí", chị Ngọc L. (Ba Đình, Hà Nội) bất lực kể lại.

Chị T.H tỏ ra lo lắng: "Bé nhà mình mặc dù là bé gái, thế nhưng thỉnh thoảng bố của bé nói đệm, bé cũng học theo bảo "Vãi bố". Bé mới hơn 2 tuổi, thành ra cứ thấy bé nói được câu nào là bố đều vỗ tay hoan hô và khen con giỏi. Mình tức điên bảo chồng không được nói những từ đấy trước mặt con nữa, nhưng chồng lại xuề xòa nói trẻ con ấy mà".

Bảo An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI