Cưới hỏi mùa giá vàng lập “đỉnh”: Vàng "bão giá", cô dâu chú rể "bão lòng"

22/04/2025 - 06:00

PNO - Theo quan niệm truyền thống, vàng là một phần không thể thiếu trong sính lễ cưới. Thế nhưng, khi giá vàng “nhảy múa” trên những đỉnh cao kỷ lục, thứ kim loại quý này bỗng chốc hóa thành gánh nặng khiến nhiều cặp đôi phải chật vật tính toán, xoay xở nhiều cách, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm vui của ngày trọng đại.

Vì giá vàng liên tục tăng cao, một số người tìm đến dịch vụ cho thuê trang sức cưới - ẢNH: NHÃ CHÂN
Vì giá vàng liên tục tăng cao, một số người tìm đến dịch vụ cho thuê trang sức cưới - Ảnh: Nhã Chân

Dạo quanh các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức đám cưới trên Facebook, thời gian này, những câu hỏi về vàng cưới rất phổ biến với lượng tương tác rất cao. Trước “cơn bão” giá vàng, dịch vụ cho thuê trang sức cưới đang được nhiều người quan tâm.

"Đau tim" vì giá vàng

Cưới vợ đã 2 tháng nhưng anh Chí Nguyện (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vẫn không thể quên những ngày mệt mỏi trước ngưỡng cửa hôn nhân. Khoảng 1 năm trước, gia đình anh đã tìm được ngày lành tháng tốt để tổ chức cưới vào tháng Giêng năm nay.

Lúc đó, nhà trai đã hứa cho con dâu 2 cây vàng. Gia đình anh chuẩn bị sẵn số tiền tương ứng (thời điểm ấy giá vàng chưa đến 65 triệu đồng/lượng). Do cần vốn hùn hạp làm ăn, anh trai anh Nguyện mượn đỡ số tiền này. Đầu năm 2025, khi nhận lại số tiền cho mượn thì giá vàng đã nhảy vọt lên gần 90 triệu đồng/lượng. Từ chỉ tiêu 2 lượng, anh Nguyện chỉ còn mua được 1 lượng vàng. “Tôi rối như tơ vò vì đã hứa với nhà vợ, giờ biết ăn nói sao...” - anh Nguyện nhớ lại.

Không xoay được thêm tiền, anh bàn với vợ tìm cách xin dời ngày cưới. Vợ anh không đồng ý. Chị cũng hồ nghi không biết anh có thay lòng đổi dạ không mà đòi hoãn cưới. Chị điều tra mãi, anh mới thú thật sự tình. Chị đành gom hết tiền tiết kiệm riêng, bí mật đưa anh để sắm đủ sính lễ.

Theo kế hoạch, còn 2 tháng nữa chị Thu Hằng (quận Bình Tân, TPHCM) sẽ tổ chức cưới. Ngoài những mối lo thông thường của các cặp đôi trước khi cưới như: đặt tiệc, may đồ, chụp hình, cưới giai đoạn này, vợ chồng chị lo nhất khoản vàng làm sính lễ.

“Ngay từ lúc dự định cưới, tôi với chồng cày ngày cày đêm, không dám ăn xài. Ngày ngày theo dõi tin tức giá vàng mà chúng tôi muốn đau tim. Cũng may tôi mua kiểu cuốn chiếu, dành dụm được bao nhiêu mua bấy nhiêu, chứ chờ tới bây giờ chắc ngày cưới lại càng “trôi xa” - chị Thu Hằng kể.

Dạo quanh các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức đám cưới trên Facebook, thời gian này, những câu hỏi về vàng cưới rất phổ biến với lượng tương tác rất cao. Có tài khoản bày tỏ: “Vàng cưới 24K có bắt buộc không? Giá vàng tăng làm em stress quá vì còn 4 tháng nữa cưới mà vàng cứ tăng đều”. Dưới bài đăng, nhiều người bày tỏ cùng chung cảnh ngộ. Có người còn dự định dùng vàng 18K, 14K, thậm chí vàng 10K (những loại vàng có tỉ lệ vàng nguyên chất thấp hơn vàng 24K, còn pha thêm các kim loại khác) vì không đủ tiền mua vàng 24K.

Tại các hội nhóm trên mạng, những câu hỏi về vàng cưới rất phổ biến với lượng tương tác cao - Ảnh chụp màn hình
Tại các hội nhóm trên mạng, những câu hỏi về vàng cưới rất phổ biến với lượng tương tác cao - Ảnh chụp màn hình

Rộn ràng dịch vụ cho thuê trang sức cưới

Trước “cơn bão” giá vàng, dịch vụ cho thuê trang sức cưới đang được nhiều người quan tâm. Đến một cửa hàng vàng bạc đá quý trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM, chúng tôi khá bất ngờ khi biết dịch vụ cho thuê vàng cưới đã được cửa hàng triển khai cách đây hơn 13 năm.

Gần đây, dịch vụ này “hot” trở lại khi giá vàng liên tục lập đỉnh. Đa phần các bộ trang sức cưới cho thuê được bọc lớp vàng 24K bên ngoài, bên trong là bạc chế tác rất công phu, mắt thường khó có thể phân biệt. Giá thuê dao động từ 800.000 đến 2,5 triệu đồng/ngày. Nếu khách thuê về tỉnh sẽ được cửa hàng “tặng” thêm 1 ngày.

“Về thủ tục, quý khách chỉ cần mang theo căn cước công dân hoặc hộ khẩu, gửi tiền cọc thì sẽ nhận được trang sức. Giá cọc dao động trong khoảng 5-10 triệu đồng tùy bộ trang sức mình chọn” - nhân viên cửa hàng tư vấn.

Chúng tôi tìm đến một cửa hàng nhẫn, trang sức cưới ở quận Gò Vấp, TPHCM. Hầu như các thủ tục thuê trang sức đều giống với cửa hàng trước, “tặng” thêm 1 ngày cho khách tỉnh. Song, mức giá có phần chênh lệch. Nơi đây niêm yết giá cho thuê từ 1,5-2,2 triệu đồng/ngày và tiền cọc là 8-10 triệu đồng.

Từng tìm hiểu về dịch vụ cho thuê trang sức cưới giúp người bà con, chị Vũ Trúc (ngụ quận 3, TPHCM) cảm thấy không an tâm. “Tôi thấy giá cọc khá cao. Người ta muốn thuê trang sức là vì tài chính eo hẹp, đằng này giá cọc lên đến cả chục triệu đồng, cộng thêm phí thuê nữa. Dù khi trả trang sức sẽ nhận lại tiền cọc nhưng như vậy cũng rất bất tiện” - chị Trúc bày tỏ. Bên cạnh đó, thủ tục thuê quá dễ cũng khiến chị không an tâm. Khi thuê, nhân viên cửa tiệm chỉ làm biên nhận, không đưa ra kiểm định chất lượng trang sức cho khách nên rất dễ phát sinh những rủi ro, tranh cãi không đáng có.

Nói đến dịch vụ cho thuê vàng cưới, bà Hồng Hạnh - 56 tuổi, ngụ TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre - bày tỏ sự phản đối. Bà cho biết, vàng cưới không chỉ để đeo trong ngày trọng đại mà còn là kỷ vật, là tài sản chung ban đầu để vợ chồng tạo lập cuộc sống mới nên không thể thuê đeo trong vài tiếng đồng hồ rồi đem trả. “Lúc cưới tôi, gia đình chồng tôi rất nghèo, chỉ cho duy nhất đôi bông tai vàng. Tôi giữ đến tận bây giờ để nhớ về ngày trọng đại đó. Không có điều kiện thì cho ít, có điều kiện thì cho nhiều, đâu cần câu nệ” - bà Hạnh nêu quan điểm.

Chị Quỳnh Nghi (ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho hay, không riêng ở TPHCM mà quê chị cũng có người thuê, mượn vàng làm đám cưới khi ngày cưới đã ấn định mà lại “kẹt” tài chính. Để đảm bảo an toàn, các cặp đôi chỉ mượn hoặc thuê vàng của bà con ruột thịt, sau ngày cưới sẽ đem trả. Cũng có trường hợp gia chủ mượn luôn số vàng để cho cô dâu, chú rể là con cháu mình, sau đó gom tiền, vàng trả dần số nợ.

Nhiều rủi ro khi mượn, thuê vàng cưới
Nói về việc cho thuê trang sức cưới, thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín - giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng - nhận xét ưu điểm lớn nhất của dịch vụ này là giảm áp lực tài chính, giúp gia chủ tập trung vào những công việc quan trọng khác như: tổ chức tiệc, trang trí, chụp ảnh… tạo không khí hạnh phúc và đầy đủ trong ngày trọng đại. Tuy vậy, việc thuê hoặc mượn vàng cưới cũng mang lại rủi ro về uy tín và lòng tin. Nếu có sự cố trong quá trình trả vàng, vàng bị mất mát, sứt mẻ trong quá trình sử dụng có thể gây rạn nứt mối quan hệ gia đình. Hơn nữa, cảm giác không thoải mái khi phải trả lại vàng cưới cũng làm giảm sự vui vẻ trong ngày cưới.
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định: khả năng xảy ra tranh chấp với chủ cho thuê trang sức cưới vẫn có thể xảy ra nếu người thuê không biết xác định độ tuổi vàng, không phân biệt được vàng thật giả, chưa kể những hư hao trong quá trình sử dụng cũng dễ dẫn đến mâu thuẫn nếu 2 bên không thỏa thuận từ trước.
Để hạn chế rủi ro về pháp lý, khi có nhu cầu thuê trang sức cưới, các cặp đôi không nên vì sĩ diện mà thuê quá nhiều. Khi làm hợp đồng thuê phải rõ ràng, chi tiết các dấu hiệu đặc điểm của vàng thuê (có thể ghi hình hoặc chụp ảnh bộ trang sức thuê để lưu lại). Ngoài ra, các cặp đôi còn phải hết sức cẩn thận bảo quản vàng thuê trước, trong và sau khi tổ chức lễ cưới để hạn chế sự cố không đáng có.

Đám cưới châu Á lao đao vì giá vàng

Việc giá vàng lao nhanh như tên lửa khiến thị trường trang sức tại châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc - 2 quốc gia chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ vàng thế giới - chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tại Ấn Độ, nơi vàng không chỉ là trang sức mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong lễ cưới, việc giá vàng tăng cao đã khiến người tiêu dùng chùn tay. Doanh số bán trang sức vàng trong mùa cưới giảm mạnh tới 70 - 80%. Anh B. Muthuvenkatram - một thợ kim hoàn tại Coimbatore - chia sẻ rằng khách hàng rất muốn mua vàng nhưng liên tục trì hoãn vì chờ giá giảm. Để ứng phó, các đại lý vàng Ấn Độ đã giảm giá từ 30-38 USD/ounce so với giá nội địa chính thức trong 4 tháng qua (tính tới tháng Hai), bao gồm thuế nhập khẩu và thuế bán hàng. Dù vậy, mức giảm trên chưa đủ để kích thích người mua.

Thay vì mua mới, nhiều người chọn bán vàng cũ để đổi lấy trang sức mới. Theo Reuters, nhiều gia đình chọn bán vàng cũ thay vì mua mới để giảm bớt gánh nặng tài chính. Cô dâu tương lai Vaishnavi M. tại bang Kerala chia sẻ: “Giá vàng hiện quá cao, vượt xa ngân sách gia đình tôi dự tính cho đám cưới. Tôi quyết định đổi trang sức cũ của mẹ để lấy những món đồ mới thay vì mua thêm”.

Tình hình tại Trung Quốc cũng không khả quan hơn. Các đại lý vàng giảm giá từ 7-10 USD/ounce so với giá giao ngay để thu hút người mua nhưng nhu cầu vẫn èo uột. Một thương nhân tại đây cho biết trước tết Nguyên đán, nhu cầu thường tăng do yếu tố lễ hội nhưng nay giá vàng cao khiến người tiêu dùng dè dặt. Sau kỳ nghỉ tết, giá vàng tại Trung Quốc chuyển từ mức cộng thêm 20 USD so với giá quốc tế sang chiết khấu 18 USD, cho thấy sự suy giảm rõ rệt trong việc mua vàng vật chất.

Tại Singapore, xu hướng trên cũng xuất hiện. Brian Lan - Giám đốc điều hành GoldSilver Central - cho biết: “Khách hàng thường mang trang sức cũ hoặc hỏng đến để bán lấy tiền mặt hoặc đổi lấy món mới”.

Một số người tiêu dùng chọn trang sức mạ vàng hoặc các kim loại quý khác có giá thấp hơn để thay thế. Trong khi đó, nhiều cặp đôi quyết định thu hẹp quy mô đám cưới để tiết kiệm ngân sách, tập trung vào các yếu tố thiết yếu thay vì đầu tư quá nhiều vào vàng.

Trong tương lai, nếu giá vàng không hạ nhiệt, thị trường cưới và trang sức tại châu Á có thể đối mặt với những thay đổi lâu dài về văn hóa và kinh tế.

Nhật Thành (tổng hợp)

Ý kiến:

Thạc sĩ Nguyễn Tín Hiếu - giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng:

Bản chất lễ cưới nằm ở tình yêu, sự gắn kết giữa 2 gia đình

Ngược về nguồn cội, trong lễ cưới, ông bà ta chỉ trao nhau những vật tượng trưng như trầu cau, sản vật địa phương. Xa hơn nữa, thời đại Hùng Vương, phong tục cưới chỉ là trao nhau nắm đất và gói muối thể hiện “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”... Dù lễ vật đơn sơ, mộc mạc nhưng họ vẫn thủy chung, mặn nồng, hạnh phúc đúng nghĩa theo bản chất của hôn nhân.

Chưa thấy tài liệu cụ thể nói phong tục trao vàng cưới của người Việt có từ khi nào, chỉ biết trong dân gian có câu ca: “Làng anh có thợ kim hoàn/ Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay”. Chiếc nhẫn vàng trao gửi là sự ràng buộc nhẹ nhàng, thầm kín. Có lẽ vàng với những phẩm chất như quý hiếm nhất trong các kim loại, bền bỉ, đẹp đẽ, dễ tạo tác và luôn có giá trị cao biểu tượng cho sự ấm áp và tình cảm trong hôn nhân. Theo thời gian, việc trao vàng cưới ngày càng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là khi kinh tế - xã hội phát triển và giao thoa văn hóa phương Tây (đeo nhẫn cưới). Từ đó, nghi thức trao vàng cưới mang khá nhiều ý nghĩa sâu sắc: ý nghĩa biểu tượng (tinh thần) và ý nghĩa thực tế (vật chất).

Vàng cưới cũng là một hình thức tài sản, thể hiện sự ổn định về mặt vật chất cho đời sống hôn nhân. Do vậy, thay vì so sánh, bàn tán, cần thể hiện sự tôn trọng, chia sẻ cũng như thay đổi nhận thức và xem trọng giá trị tinh thần, tình cảm của nghi thức cưới hơn là giá trị vật chất.

Xã hội ngày càng phát triển, vì vậy lễ cưới cũng có khuynh hướng đơn giản hóa các nghi lễ để thích ứng với thời đại. Tùy hoàn cảnh, điều kiện từng gia đình mà nghi thức trao vàng có thể ít hay nhiều hoặc thay thế bởi hình thức khác như: trao tặng những vật phẩm hữu dụng trong cuộc sống chung (trang trí nội thất, hỗ trợ tiền thuê nhà, đồ gia dụng...). Điều này giúp giảm bớt áp lực vật chất, đồng thời vẫn duy trì được ý nghĩa của lễ cưới.

Suy cho cùng, bản chất sâu xa của hôn lễ nằm ở tình yêu, sự đồng hành, sẻ chia và gắn kết giữa 2 gia đình chứ không ở giá trị vật chất của sính lễ. Mục đích thiêng liêng của lễ cưới là chúc phúc cho đôi uyên ương, đặt nền móng cho cuộc sống hòa thuận chứ không phải cuộc đua phô trương tài sản.
Vậy nên, đừng để gánh nặng của nghi thức vàng cưới làm lu mờ niềm vui và hạnh phúc. Hãy biến lễ cưới thành kỷ niệm đẹp đẽ của tình yêu, nơi sự chân thành, yêu thương và tôn trọng được đặt lên hàng đầu thay vì quá chú trọng vào những giá trị vật chất phù phiếm.

Anh Dương Gia Bảo - cán bộ Phòng Đào tạo, Học viện Hàng không Việt Nam: Sự sẻ chia của 2 bên gia đình cũng là món sính lễ quý giá

Khi giá vàng liên tục tăng cao và vượt ngoài khả năng tài chính của nhiều người, câu chuyện sính lễ không còn đơn thuần là phong tục mà đã trở thành “hòn đá tảng” cản trở hạnh phúc của nhiều đôi trẻ.

Tiếp xúc nhiều với người trẻ, tôi nhận thấy nỗi lo về vàng cưới đã vượt khỏi phạm trù tài chính cá nhân, đồng thời phản ánh thực trạng rất đáng báo động về áp lực cưới hỏi trong giai đoạn hiện nay. Không ít cặp đôi yêu thương nhau chân thành nhưng lại tủi thân khi nghe đâu đó những lời so sánh, bàn tán về chuyện vàng cưới ít nhiều.

Lễ nghĩa trong cưới hỏi là điều nên có, nhưng giá trị lớn nhất vẫn nằm ở sự chân thành. Vàng cưới, sính lễ chỉ nên dừng ở mức độ tượng trưng, thể hiện tấm lòng là chính, không nên trở thành gánh nặng hay điều kiện để cân đo đong đếm sự yêu thương. Thay vì những “khuôn vàng thước ngọc” cứng nhắc, chúng ta hoàn toàn có thể hướng đến những hình thức trao gửi ý nghĩa và thiết thực hơn hoặc đơn giản là sự đồng thuận, thấu hiểu giữa 2 bên gia đình, cùng tạo điều kiện để đôi trẻ có thêm nguồn lực xây dựng tổ ấm.

Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Hà - Đoàn Luật sư TPHCM : Đừng để vàng cưới nặng hơn tình nghĩa vợ chồng

Vàng cưới mang ý nghĩa như kỷ vật thiêng liêng đánh dấu ngày chung đôi, đồng thời cũng là hành trang đầu tiên, tạo dựng nền tảng kinh tế cho cuộc sống hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ.

Xét về mặt pháp lý, vàng được trao tặng trong ngày cưới được xem là tài sản chung của vợ chồng. Theo đó, cả hai có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi mâu thuẫn phát sinh dẫn đến ly hôn, vàng cưới thường trở thành một phần trong tranh chấp tài sản. Ngay cả khi cha mẹ chồng tuyên bố tặng vàng riêng cho con dâu, tòa án vẫn có xu hướng xem xét ý chí tặng chung cho cả 2 vợ chồng. Do đó, vàng cưới thường được đưa vào khối tài sản chung để phân chia theo quy định tại điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Trong bối cảnh giá vàng tăng cao như hiện nay, việc quản lý và sử dụng tài sản chung, trong đó có vàng cưới, trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra mâu thuẫn vợ chồng. Sự minh bạch trong việc quản lý và sử dụng vàng cưới vô cùng quan trọng. Người đang giữ vàng nên chủ động thông báo cho người kia về số lượng vàng hiện có và mọi quyết định sử dụng cần có sự đồng thuận của cả hai, góp phần xây dựng sự tin tưởng và hòa thuận trong hôn nhân, đừng để vàng cưới nặng hơn tình nghĩa vợ chồng.


Cát Quân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI