Ngại yêu - chỉ kết bạn; ngại cưới - yêu chỉ để yêu; chỉ 'cưới' bằng tấm giấy đăng ký kết hôn chứ không tổ chức lễ cưới... là vài 'cấp độ' từ khước hôn nhân truyền thống khá phổ biến của người trẻ đương đại. Phải chăng, hôn nhân đã... lỗi thời? Hay những người trẻ đã trở nên sợ trách nhiệm, sợ 'chuyện nghiêm túc, lâu dài'?
Phóng viên: Ở tuổi các bạn, hôn nhân có trở thành vấn đề buộc phải tính đến?
Nguyễn Thị Huyền (25 tuổi, Ngân hàng TMCP Bảo Việt Đà Nẵng):
Chuyện này hình như lúc nào cũng là vấn đề cả. Gần như ngay từ sau khi tốt nghiệp đại học là đề tài cửa miệng với các bạn gái đã chuyển từ học hành sang chồng con. Từ họ hàng đến hàng xóm, ai gặp tôi là đều hỏi chuyện chồng con. Phải đến khi tôi kết hôn vào năm 25 tuổi, câu chuyện mới chuyển sang hướng khác. (Cười)
Lê Thị Thanh Thùy (26 tuổi, Công ty TNHH may và giặt T&T):
Tôi thấy người quen, bạn bè mình ở tuổi này gặp nhau là nói toàn chuyện hôn nhân. Bạn nào chưa kết hôn thì than thở “thảm thiết” về áp lực từ gia đình. Còn những người quá... “tỉnh” trước “réo gọi” đó thì dễ bị nghi ngờ về… giới tính.
Nguyễn Đức Tùng (27 tuổi, Công ty TNHH trang trí nội thất Centimet):
Cứ cuối năm là tôi lại thấy các bạn trẻ chia sẻ rầm rộ những mẫu áo có in dòng chữ: 'Chưa cưới, chừng nào cưới sẽ báo!' như một cách 'trả lời sỉ' những thắc mắc về 'tình hình' của mình với mọi người. Nói nghe có vẻ hài hước, nhưng nó đã cho thấy, người lớn càng sốt ruột thì người trẻ càng áp lực và mệt mỏi.
Đâu phải vô cớ mà người lớn sốt ruột với chuyện hôn nhân của người trẻ. Dường như các bạn trẻ đang ngày càng thờ ơ với chuyện cưới xin hoặc chỉ muốn tìm 'đối tượng để yêu, không phải để cưới'...
Nguyễn Ngọc Thảo Như (26 tuổi, làm truyền thông tự do):
Khác với thế hệ trước, nhiều bạn trẻ ngày nay bắt đầu nhận thấy hôn nhân không phải là chuyện bắt buộc. Bản thân tôi cũng chỉ xem việc lập gia đình thuộc về quy luật tự nhiên, điều gì tới sẽ tới. Nếu vì lý do nào đó mà bạn không thể kết hôn thì cũng không phải là chuyện gì quá khủng khiếp.
Nếu các bạn trẻ chủ động trì hoãn hôn nhân, tôi nghĩ có lẽ do đang có những mục tiêu quan trọng khác như học hành, sự nghiệp, đam mê, trách nhiệm với cha mẹ… Một số bạn thì thích cuộc sống độc thân vì không muốn bị gò bó, gánh thêm trách nhiệm, hoặc đơn giản chỉ là chưa tìm được đối tượng.
Nguyễn Đức Tùng: Thế hệ trẻ bây giờ không còn... sống chết phải lấy chồng, lấy vợ nữa. Đây là một vấn đề đáng suy ngẫm. Nhiều người lớn đã nghĩ như thế là “bọn trẻ vô trách nhiệm với tương lai, với... tông đường quá”, nhưng tôi lại thấy các bạn đã tỉnh táo hơn, không còn bị áp lực phải kết hôn khi đến tuổi chi phối một cách mù quáng nữa.
Mỗi người có hoàn cảnh và điều kiện riêng, nên khi họ thoát được những quy ước chung để biết cách sống bằng chính những điều kiện mình đang có, thì tôi cho đó là một tín hiệu tốt lành.
Nhưng dường như vấn đề không như các bạn nghĩ, mà là một bộ phận người trẻ thậm chí đã khước từ hôn nhân, không muốn sống vợ/chồng theo kiểu truyền thống dù vẫn yêu và chung sống với nhau. Phải chăng giá trị của hôn nhân đã dần không còn... hợp thời nữa?
Nguyễn Thị Huyền: Khi còn độc thân tôi cũng không thuộc nhóm “người trẻ hiện đại” vì rất hồn nhiên, không lo lắng gì chuyện hôn nhân cả, cứ yêu thật lòng và thấy đủ điều kiện thì cưới thôi. Nhưng, khi đã bước vào hôn nhân, tôi mới bắt đầu hoài nghi về những điều tưởng chừng là đương nhiên.
Cuộc sống hôn nhân phát sinh rất nhiều vấn đề không thuộc về tình yêu, nhiều áp lực vượt khỏi phạm vi hai người, khiến đôi lúc chúng ta thật mệt mỏi, mất động lực vun vén. Từ một người rất háo hức bước vào hôn nhân, khi lập gia đình rồi tôi lại nửa đùa nửa thật với bạn bè: 'Thôi đừng lấy chồng nữa!'.
Nguyễn Ngọc Thảo Như: Đúng là thực trạng hôn nhân của nhiều bạn trẻ hiện nay khiến chúng ta phải băn khoăn. Tuy nhiên, với riêng tôi, hôn nhân vẫn nguyên vẹn giá trị dù việc dung hòa hai cá tính khác nhau trong hôn nhân là chuyện không dễ. Quan trọng là cách nhìn nhận và đối diện với vấn đề của mỗi người. Tôi tin sự chân thành và ý thức trách nhiệm là những phép thử cần thiết đối với cuộc sống lứa đôi.
Lê Thị Thanh Thùy: Tôi không đồng ý với cách nghĩ chỉ cần chung sống và yêu nhau là đủ, không cần cưới xin. Trừ những trường hợp bị ép cưới thì cưới xin là việc thiêng liêng của đời người. Chỉ khi trải qua và cảm nhận được ý nghĩa đó, người ta mới quý trọng và có động lực để vun đắp và bảo vệ hôn nhân.
Nguyễn Đức Tùng: Biết là vậy, nhưng trước sự phản biện của các bạn trẻ, những khái niệm 'thiêng liêng', 'lâu dài' đã trở nên mơ hồ. Mới cuối năm rồi, trong một bữa ăn của đại gia đình, khi người lớn giục cô em họ của tôi lấy chồng, tôi đã có cơ hội được nghe quan điểm mới mẻ của người trẻ. Cô em tôi có một mối tình đã bảy năm nhưng không chịu cưới.
Vài năm gần đây, cứ gặp gỡ gia đình là em bị đem chuyện cưới xin ra truy hỏi. Lần này, em tuyên bố: 'Khi cần sẽ đăng ký kết hôn để được chung sống hợp pháp, chuyện đám cưới thì... không chắc', làm cả nhà bất bình. Em một mực cho rằng, đăng ký kết hôn và gặp gỡ gia đình hai bên là đã đủ cho một quan hệ lâu dài, cưới xin chỉ thêm phức tạp, thêm những ràng buộc không cần thiết và đề nghị mọi người gọi mình là 'cặp đôi không cần cưới' thay vì 'không chịu cưới'.
Rồi em hỏi mọi người: 'Rốt cục thì cưới để làm gì' khi mà em không cần một người chồng đã hết yêu mình, không cần giữ một người đàn ông chỉ bằng những ràng buộc từ cưới xin? Thật tình là tôi không biết trả lời câu hỏi đó thế nào!
Vậy theo các bạn, cưới để làm gì?
Nguyễn Thị Huyền: Cưới để sống có trách nhiệm hơn. Dù hôn nhân chất chứa nhiều áp lực bên ngoài quan hệ vợ chồng, nhưng tôi thấy chính những ràng buộc bên ngoài đó đôi lúc đã giữ được mình lại, buộc mình phải suy nghĩ chín chắn hơn. Nếu không có đám cưới với sự chứng kiến của họ hàng hai bên, có lẽ tôi đã bồng bột hơn nhiều.
Lúc mới cưới, một lần vợ chồng cãi nhau, tôi đã đòi ly hôn, thậm chí đã viết đơn nghiêm túc. Nhưng khi chuyện đó đến tai người lớn, mẹ tôi đã làm cho tôi tỉnh ra, không dám đòi ly hôn bừa bãi nữa. Mẹ chồng thì khuyên bảo chồng tôi, sau đó mọi việc cũng ổn. Tôi nghĩ, tình yêu sẽ không trọn vẹn nếu không đi đến hôn nhân. Quan hệ giữa hai người sẽ đằm hơn, chín chắn hơn sau khi cưới, tôi tin là vậy.
Lê Thị Thanh Thùy: Tôi nghĩ, các bạn cho là đám cưới không có ý nghĩa vì có thể nó khiến bạn không còn được tự do lựa chọn bằng con tim, mà bị chi phối bởi những ràng buộc khác. Đó không phải là một suy nghĩ chín chắn mà là nông nổi. Tự do có nhiều cách, sao lại phải chọn cái cách mà chắc chắn khiến người trong cuộc sẽ thiệt thòi? Theo tôi, người ta chỉ thật sự tự do khi không gắn bó với ai cả, bản thân tình yêu đã là một ràng buộc rồi.
Nguyễn Đức Tùng: Tôi cho rằng, đó không phải là một câu hỏi vô trách nhiệm. Khi người trẻ đặt vấn đề bằng tất cả những trăn trở của họ, thì chính họ cũng đã bắt đầu hành trình tìm câu trả lời. Câu trả lời ấy cuối cùng có thể là một giá trị lớn lao nào đó đối với họ, cũng có thể là một điều vô nghĩa mà họ sẽ khước từ mãi mãi. Dù kết quả thế nào thì đó vẫn là một thái độ đáng trân trọng.
Đối nghịch với quan điểm 'không cần cưới', có một số bạn trẻ hoặc chính nhà trai đòi hỏi con dâu phải có thai rồi mới chịu cưới. Bạn nghĩ sao về chuyện này?
Nguyễn Thị Huyền: Chuyện này tôi đã gặp nhiều. Nhà trai làm vậy là vì sợ cưới phải một cô con dâu không có khả năng hoặc không chịu sinh con. Nhiều gia đình xem việc sinh con nối dõi còn quan trọng hơn cả lựa chọn bạn đời cho con trai. Họ sẵn sàng từ chối một cô con dâu nếu biết cô ấy khó có con.
Ngay gần nhà tôi, có một cô đã bị nhà người yêu yêu cầu 'có bầu rồi mới cưới', khi có bầu lại yêu cầu 'sinh rồi mới cưới', khi đứa bé ra thì tiếp tục đòi “xét nghiệm ADN nếu đúng là cháu mình thì nhận cháu nhưng không nhận dâu”. Vậy đó, dù được cưới hay không cưới, người phụ nữ cũng thiệt thòi!
Lê Thị Thanh Thùy: Với những trường hợp đó, tôi không biết các bạn nam đã nghĩ gì về người con gái mà mình yêu thương.
Nguyễn Đức Tùng: Quan trọng là nhiều bạn gái đã chấp nhận chuyện đó như một lẽ đương nhiên. Tôi từng biết một bạn gái trầy trật kiếm con theo yêu cầu của gia đình bạn trai, để được tổ chức cưới. Không may, người bạn trai có vấn đề về sức khỏe nên mãi vẫn không có con. Vậy là họ dắt nhau đi làm thụ tinh nhân tạo bằng tài trợ của nhà trai.
Cô gái rất mệt mỏi nhưng vẫn thấy chuyện đó là bình thường, vì 'nhà trai rất yêu thương và tôn trọng mình'. Tôi nghĩ đó là biểu hiện rõ ràng nhất của kiểu quan niệm hôn nhân mà người trẻ đang phản đối. Khi cho rằng 'sinh con để duy trì nòi giống, nối dõi tông đường'; 'có trách nhiệm với nhau trọn đời' là mục đích kết hôn thì giá trị của hôn nhân sẽ trở nên thiếu thuyết phục với những người trẻ có tư duy độc lập.
Xin cảm ơn các bạn.
Nam Yên
(thực hiện)