Cuối cùng rồi cũng tới Rome

07/03/2018 - 08:00

PNO - Tôi luôn mong ước tới Rome, ước mong đó lớn tới nỗi tôi thường dè dặt khi nghĩ tới.

Tôi luôn mong ước tới Rome, ước mong đó lớn tới nỗi tôi thường dè dặt khi nghĩ tới. Thế rồi bước qua tuổi bốn mươi, khi có thể đi khắp châu Âu mà không gặp khó khăn gì ngoài nỗi lo tài chính, thì trước quyết định đi Rome, tôi vẫn ngỡ ngàng, rằng có thực mình sẽ tới được Rome?

Cuoi cung  roi cung toi Rome
 

“Cứ đi rồi sẽ đến” - Em gái tôi bảo. Em đã định cư tại châu Âu gần mười năm, nhưng cũng chưa tới Rome bao giờ. Vậy thì chúng ta đi. Chưa đầy hai giờ bay, chúng tôi đã từ Brussels tới Rome. Thật may mắn khi chị em tôi thuê được phòng ở trong căn hộ rộng rãi và rất đẹp của cặp vợ chồng Ý - Việt gần khu trung tâm Rome.

Tôi hỏi cô vợ là người Việt Nam, rằng nhiều người mơ ước được tới Rome và cưới một người La Mã. Theo em ưu điểm của người La Mã là gì? Cô ấy cười đáp, không phải trai Ý nào cũng đẹp như tượng David, chồng em không đẹp trai, nhưng hiền lành và giỏi kiến trúc, xây dựng. Vả lại, người Ý còn sở hữu di sản vô giá do chính tổ tiên La Mã tạo dựng, để con cháu không chỉ tự hào vì được làm chủ kho tàng trí tuệ và nghệ thuật, mà còn khai thác được lợi ích kinh tế từ di sản kỳ vĩ này. 

Cuoi cung  roi cung toi Rome
Vatican - quốc gia đặc biệt trong lòng Rome

Thật vậy, đứng trước Tòa thánh Vatican, đền Pantheon, đấu trường Colosseum, Hội trường La Mã The Forum, đài tưởng niệm chiến thắng trên đồi Capitol, nhà thờ Santa Maria, đài phun nước Trevi, Bậc thang Tây Ban Nha, quảng trường Popolo, đồi Pincio, Miệng Sự thật... chúng tôi thực sự choáng ngợp trước những gì mà óc tưởng tượng và bàn tay con người tạo nên. Những cột đá khổng lồ đứng sừng sững, làm trụ đỡ cho những lâu đài, cung điện nguy nga, trường tồn hàng ngàn năm được người La Mã cổ xưa bảo tồn và không ngừng tôn tạo thêm đẹp, thêm giá trị. Trong kiến trúc, người La Mã thực sự là những người khổng lồ. Và trong nghệ thuật, thì người La Mã là những thuật sĩ có phép lạ.

Đơn cử như đền Pantheon, một biểu tượng của kiến trúc thế giới, mà bất cứ kiến trúc sư nào cũng tôn thờ, thì ngay khi bước chân vào đền, ngước đầu lên, bạn sẽ nhìn thấy nguồn ánh sáng rực rỡ tràn vào chiếu sáng toàn bộ ngôi đền từ con mắt của mái vòm. Cũng ngay lúc đó, bạn sẽ mê đi trước sự cao vợi, lớn lao và vẻ đẹp của nghệ thuật hội họa trang trí. Ngay cả khi trời mưa, thì nền đền thờ cũng không bị ướt nhờ 22 lỗ thoát nước được bố trí hợp lý trên sàn. Đền Pantheon được hoàng đế Hadrian xây dựng  từ năm 118 đến 125 sau Công nguyên, dựa trên sự hiện diện của một ngôi đền khác xây từ năm 27 trước Công nguyên, làm nơi cầu nguyện của các vị thần. 

Cuoi cung  roi cung toi Rome
Điêu khắc bên trong bảo tàng trên đồi Capitol

Ngày nay, đền còn là hầm mộ của nhà vua Ý Vittorio Emanuele II, vua Umberto I, hoàng hậu Margherita và họa sĩ tài danh Raffaello. Thời đó, nhà nước đầu tư và tướng Marcus Agrippa là người chịu trách nhiệm chính việc xây dựng ngôi đền. Hẳn ông đã từng ước rằng, sau hàng ngàn năm, ngôi đền vẫn được con người trên khắp thế giới tìm đến thán phục và ngưỡng mộ.

Cuoi cung  roi cung toi Rome
Thác nước Trevi
Cuoi cung  roi cung toi Rome
 
Cuoi cung  roi cung toi Rome
 
Cuoi cung  roi cung toi Rome
 
Cuoi cung  roi cung toi Rome
 

Sau ba ngày hai đêm ở Rome, chúng tôi ra về mà lòng vẫn tiếc nhớ. Còn biết bao danh thắng, công trình kiến trúc, bảo tàng với những kho báu nghệ thuật hiển lộ mà chúng tôi chưa có thời gian đặt chân tới. Chỉ cần đi lướt và ngắm vội, bạn cũng phải ở lại Rome ít nhất ba tháng. Còn muốn khám phá cho tường tận, có khi bạn phải dùng cả đời mình. Đó cũng là lý do mà chị em chúng tôi ưu tiên đặt chân tới thác nước Trevi để cháu gái tôi tung đồng xu xuống đài phun nước. Truyền thuyết kể rằng, nếu bạn tung một đồng xu xuống thác nước, bạn có cơ may được trở lại Rome, tung đồng xu thứ hai, thứ ba, bạn có thể cưới được một người La Mã... 

Mai Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI