Trước lúc chết, tôi muốn nghe tiếng bác sĩ từng cứu mình
Đó là câu nói đầy chân thành của những bệnh nhân mắc bệnh suy thận, những người luôn có ý định tự sát và bác sĩ không ít lần… mang họ về từ cửa tử.
Trong lúc nghĩ mình đang chìm xuống đáy cuộc đời thì các bác sĩ, y tá, lao công… như một chiếc phao để người bệnh bám víu nốt phần đường èo uột.
|
Ông Hùng trở thành "người nhà" của Bệnh viện Chợ Rẫy khi chạy thận suốt 20 năm nay. |
Có "thâm niên" chạy thận hơn 20 năm, kể từ khi Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập khoa Thận Nhân tạo, ông Nguyễn Văn Hùng (63 tuổi, nhà ở Củ Chi, TP.HCM) là một trong số ít bệnh nhân may mắn được vợ con luôn bên cạnh, nhưng ông Hùng cũng không khỏi tủi thân về bệnh của mình.
“Lúc nghe bị bệnh thận, tôi không hình dung được căn bệnh nó mệt mỏi và dai dẳng vậy đâu. Chạy thận hoài cũng nản lắm.
May có bác sĩ Tuấn trưởng khoa, người đặc mũi tiêm chạy thận đầu tiên cho tôi, cũng là ông bạn già vui tính, luôn đồng hành với tôi đủ cung bậc cảm xúc vui, buồn, mệt mỏi… Ở đây từ bác sĩ đến điều dưỡng, ai cũng tâm lý và tốt bụng”, ông Hùng nói.
|
Chiếc gậy gỗ mà y tá Trâm phải tìm suốt từ trưa đến 6h chiều cho chị Dung. Tuy chị Dung không thấy được mặt y tá, bác sĩ nhưng chưa bao giờ nhầm lẫn những giọng nói "người thân" mình. |
Hay như chị Nguyễn Thị Thùy Dung (35 tuổi, nhà ở tỉnh Bình Dương), từ một người lúc nào cũng muốn tự sát vì nhận hung tin mắc bệnh thận, vậy mà nhờ những câu nói chân tình của các bác sĩ, điều dưỡng, chị đã tiếp tục chiến đấu để sống cùng với gia đình.
Chị Dung bị mù từ nhỏ, ba mất, mẹ lại bệnh triền miên. 15 tuổi, chị buộc trở thành trụ cột gia đình để nuôi mẹ và em trai. 18 tuổi, gia đình chị như nghiêng đổ, khi bác sĩ kết luận chị bị suy thận mãn tính.
“Đang làm một tháng được mấy triệu nuôi mẹ, nuôi em, mất đi sức khỏe không ai thuê nữa. Ở xóm thì xem bệnh này như cùi hủi, không ai thuê làm việc. Nhiều đêm ngồi bó gối ngẫm nghĩ, thấy mình trở thành gánh nặng cho mẹ và em, tôi muốn chết đi cho rồi”, chị Dung nhớ lại.
|
Bác sĩ Trần Thị Thùy Dương, người bác sĩ nổi tiếng dịu dàng, tâm lý và ân cần với bệnh nhân. |
Ở khoa thận này, điều chị Dung quý nhất là bác sĩ mới hiểu mình, chứ không phải bạn bè thân thiết. "Có một lần tôi bị sốt, tôi ra tiệm thuốc đưa toa, trả tiền thì mới biết bác sĩ Dương kẹp sẵn tiền thuốc vào đó rồi. Và kể từ đó, tôi không còn ngại, kể tất cả mọi chuyện cho bác sĩ Dương nghe, dù đó là chuyện tình cảm cá nhân.
Bệnh này sống nay chết mai, nên tôi thường nghĩ sống được thêm ngày nào cứ sống trọn ngày đó. Nhưng mà, trước khi chết, tôi muốn được nghe tiếng bác sĩ điều trị của mình, tiếng các chị y tá, chị lao công,… biết họ khỏe mạnh thì tôi mới yên lòng”, chị Dung khắc khoải kể.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết từ khi khoa này được thành lập, tiếng máy lọc thận vẫn kiên trì vang lên đều đặn hơn 20 năm nay.
Hơn 20 năm, với hàng ngàn số phận, người ra đi, người ở lại, thế nhưng những chiếc máy không có một ngày nghỉ dù là cuối tuần, ngày lễ, Tết.
|
Hơn 2h trưa, chưa kịp ăn cơm, y tá, bác sĩ của khoa thận lại chạy đi cấp cứu. |
Tập thể y tá, bác sĩ tại đây cũng vậy, họ ăn cùng bệnh nhân, ngủ cùng bệnh nhân, và không ít lần họ khóc cùng bệnh nhân. Cũng là một kiếp người, nhưng bệnh nhân của họ không như bệnh nhân ở các khoa khác.
Bởi bệnh suy thận mạn tính không thể chữa khỏi mà người bệnh phải “ôm” máy lọc suốt đời. Họ cứ bám víu, cứ mệt mỏi, lay lất chờ ngày ra đi…
Mỗi êkip trực của tập thể y – bác sĩ của khoa Thận nhân tạo chỉ có 2 bác sĩ và 7 điều dưỡng nhưng phải phục vụ cho ít nhất 39 ca chạy thận định kỳ, đỉnh điểm con số vọt lên 60 ca.
|
Theo bác sĩ Tuấn, bệnh nhân suy thận mạn tính thường bị nhiều biến chứng trong lúc chạy thận, vì vậy chỉ cần một báo hiệu nhỏ nhân viên cũng phải kiểm tra ngay. |
Không ít ca bệnh khiến bác sĩ phải luyện cho mình một tinh thần thép, một sức chịu đựng bền bỉ, bên cạnh đó là sự cảm thông, bao dung, thấu hiểu. Trên hết, tình cảm giữa người và người luôn giúp họ vững vàng để tiếp tục.
Tùy từng trường hợp, tình trạng bệnh mà mỗi bác sĩ trung bình phải theo điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân từ lúc họ phát bệnh cho đến lúc chết. Hãy thử tưởng tượng 30 số phận bị bệnh tật hành hạ, trong đó có khoảng 25 người bị gia đình bỏ rơi. Cuộc đời tưởng không còn gì, họ trở nên cục tính, dễ tức giận, có người lại ủy mị, đau khổ suốt ngày đòi chết…
|
Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM có 420 bệnh nhân lọc máu định kỳ. Hầu hết họ đều là người nghèo, bán hết nhà đất vì "làm bạn" với máy lọc 5 - 10 năm nay. |
Bác sĩ Tuấn cho biết bệnh suy thận mãn tính không phải lọc máu là xong! Người mắc bệnh có nhiều nguy cơ. Vừa thấy vui đó, cười đó nhưng chỉ cần nhân viên sơ ý, hoặc biến chứng tụt huyết áp, phản ứng màn lọc, rối loạn nhịp, chèn ép tim, huyết tán, thuyên tắc khí,…. thì nguy cơ tử vong rất cao.
"Ai cũng vậy thôi, khi một người dần đi vào ngõ cụt, không biết nằm xuống ngủ rồi có thể thức dậy được không, thì cũng sẽ cảm thấy sợ hãi. Chạy thận khoảng 4 đến 5 năm, người khá giả cũng bị đẩy vào con đường bế tắc cả vật chất lẫn tinh thần.
Chính vì vậy họ trở nên thất thường, bất cần đời cũng điều dễ hiểu. Họ đáng được cảm thông hơn là bị xa lánh, hất hủi”, bác sĩ Tuấn chiêm nghiệm về số phận bệnh nhân chạy thận.
Những hình ảnh về quãng đời cuối cùng của bệnh nhân chạy thận:
|
Ai cũng vậy, khi ngày ngày họ bước chân vào cửa tử, thường trở nên cáu gắt thất thường. Do đó, ngoài sự thấu hiểu, các nhân viên y tế phải tâm lý để họ bớt tủi hận số phận. |
|
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn thường dành thời gian rảnh rỗi để trò chuyện, giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân tại khoa. |
|
Hết ca trực đêm nhưng y tá Vân cũng không nỡ vội về, chị luôn được bệnh "kéo" lại tâm sự. |
|
Khi một ngọn đèn tắt lịm, những ngọn nến đang đong đưa trước gió cũng trở nên hiu hắt, nhưng người bệnh suy thận đôi khi vẫn mừng vì người bạn cạnh giường đã hết khổ. |
Phạm An