Chị Hạnh Dung kính mến,
Em lập gia đình được ba tháng. Năm nay em 36 tuổi, anh hơn em hai tuổi. Vì tuổi cũng khá lớn nên quen nhau được sáu tháng, em quyết định cưới. Anh có công ăn việc làm, tính tình hiền hậu, chu đáo, biết lo toan.
Bạn bè em gặp anh, ai cũng khen anh “cái gì cũng được”. Thế nhưng về sống được ba tháng, em bắt đầu thấy có nhiều điều bất ổn.
Anh là người chi tiêu kỹ lưỡng, tiết kiệm. Thật ra tiết kiệm cũng không có gì sai. Tuy nhiên, em là người làm ra tiền, xưa giờ chưa từng phải tính toán khi mua quần áo, son phấn, túi xách, giày dép.
Khi nhìn thấy tủ đồ của em, anh đã bất ngờ. Và gần đây, mỗi lần thấy em đặt mua quần áo trên mạng, anh có vẻ không tán thành.
|
Có nên chịu đựng những khác biệt hay không?- Ảnh minh họa |
Em cũng biết rằng mình mua sắm hơi nhiều, nhưng đó là ý thích của em, niềm vui của em, bây giờ tự dưng em thấy ngại ngùng. Mua đồ về phải giấu giếm, để anh không biết đó là đồ mới, sống như vậy không hề thoải mái.
Ngày trước, em rất mừng khi thấy anh biết nấu ăn và thích nấu ăn cho gia đình. Nhưng bây giờ khi anh vào bếp, chăm chút quá cho bữa ăn, em tự dưng có cảm giác khó chịu. Nhìn anh nấu ăn, em có cảm giác anh như đàn bà vậy.
Em chơi cùng những người bạn giàu có và anh không muốn tiếp xúc với họ. Anh bảo anh không tự ti hay mặc cảm, nhưng không thích gặp họ. Bạn bè em lâu nay thường xuyên gặp nhau, còn bây giờ mọi chuyện thành ra khó xử. Họ mời em và anh nhưng anh không đi. Em đi một mình sẽ phải giải thích.
Có thể chị Hạnh Dung thấy những chuyện ấy vụn vặt, không quan trọng, nhưng em lại suy nghĩ: liệu tụi em có thật sự phù hợp với nhau không? Có nên chịu đựng những khác biệt hay không? Rồi lâu dài có nảy sinh vấn đề hay không? Liệu có phải tuổi lớn như em thì khi lấy chồng khó dung hòa hay không?
Xin chị tư vấn để em có thể ổn định tâm lý, chứ không phải để chia tay.
Mỹ Lan (Q.11, TP.HCM)
|
Em làm ra tiền thì em có quyền chi tiêu cho mình chứ? - Ảnh minh họa |
Mỹ Lan thân mến,
Có cặp vợ chồng nào cưới nhau về mà thấy hoàn toàn vui vẻ, hài lòng, phù hợp 100% đâu em. Hai con người khác nhau (về giới tính là ít nhất), khác nhau về tính cách, khác nhau về nền giáo dục… về ở chung một nhà, ăn chung, ngủ chung, làm mọi thứ chung… chắc chắn sẽ bắt đầu lộ ra những khác biệt. Chỉ có ba khác biệt và cả ba đều không ghê gớm lắm như chính em nhận xét, có lẽ đã là quá may mắn.
Chúng ta thử phân tích nhé:
Về chuyện mua sắm, xưa nay em làm ra tiền và chỉ sống một mình. Thế nhưng giờ em đã có gia đình, rồi sẽ có con cái, sẽ nhiều mối lo cần đến tiền. Nếu em tự hạn chế lại cũng tốt mà. Có một người "thắng" những ham muốn của em cũng đâu phải điều không tốt? Em nên thấy mừng về điều này thì hơn.
Điều thứ hai, người đàn ông thích nấu ăn là người đàn ông của gia đình đấy em. Có những người phụ nữ còn nói rằng họ thấy đàn ông rất sexy khi mặc tạp dề và nấu ăn trong bếp. Sao em lại khó chịu vì điều ấy?
Anh ấy có đàn ông hay không, hãy nhìn vào những điều khác. Còn nếu em thật sự không muốn anh ấy “đàn bà”, thì cứ xung phong nấu nướng, đừng cho anh ấy vào bếp. Hãy tuyên bố: đây là giang sơn của em!
Điều thứ ba, hãy xác định vợ chồng đều có thể có bạn riêng. Không nhất thiết lúc nào cũng phải đi với nhau. Ví dụ một hai lần giới thiệu làm quen, rồi sau đó ai giữ bạn người nấy. Bạn em cũng thoải mái hơn khi không có chồng em kè kè.
Nói tóm lại, ba điều ấy em có thể tự điều chỉnh được. Còn nếu vẫn khó chịu, hãy nói chuyện thẳng thắn với chồng, xem anh ấy có ý kiến thế nào.
Nhớ chia sẻ với thái độ nhẹ nhàng, trong những lúc vui vẻ, bình an, để chồng hiểu được rằng em chỉ muốn cùng anh ấy điều chỉnh sao cho cả hai dễ chịu. Việc chia sẻ mọi vấn đề và cùng tìm giải pháp cũng là một thói quen tốt của vợ chồng, phải không em?
Thân mến.
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.