Cuộc trùng phùng sau gần 60 năm

17/06/2019 - 09:54

PNO - Cả đời ông Thọ đau đáu lời dặn của má mình và bà ngoại: “Sống chết răng cũng ráng tìm cậu nghe con”. Bởi thế, bao năm qua, trải qua bao cuộc tìm kiếm nhưng ông không thôi hy vọng.

Một ngày trung tuần tháng Sáu, bước lên chuyến xe khách đường dài Quảng Nam - Sài Gòn, ông Trần Ngọc Thọ lòng dạ bồn chồn. Trước chuyến hành trình xuôi Nam lần này, một lần nữa ông lại thắp nén nhang xin tổ tiên cho tìm được cậu Út. 

Mấy mươi năm kiếm tìm

Cả đời ông Thọ đau đáu lời dặn của má mình và bà ngoại: “Sống chết răng cũng ráng tìm cậu nghe con”. Bởi thế, bao năm qua, trải qua bao cuộc tìm kiếm nhưng ông không thôi hy vọng. Lần này, chuyến xe kéo dài gần 20 tiếng, nhưng ông vẫn thao thức trong đêm dài, lòng bồn chồn chờ nhà xe thông báo “tới Sài Gòn rồi bà con ơi”. 

Thành phố tuy lạ mà quen. Nơi đây những năm 1986, 1987 ông Thọ từng nhảy xe buôn thuốc rê, cau, củ quả về Đà Nẵng bán sỉ. Hai cô con gái của ông cùng đậu Trường đại học Kinh tế TP.HCM và chính ông dắt con vào nhập học. Vậy mà, “có biết cậu ở quận 9 mô. Người ta nói thấy cậu trên Đắk Lắk. Lần khác họ chỉ Vĩnh Long. Đâu có ngờ. Lần ni, tui biết tin cậu tối thứ Sáu (7/6). Cuối tuần tui sắp xếp giấy tờ, hình ảnh. Sang thứ Hai, chạy lên cơ quan xin nghỉ phép một tuần, rứa là đi. Ngồi xe thấp thỏm từng giây”, ông Thọ chia sẻ.  
 

Cuoc trung phung sau gan 60 nam
Ông Thọ (bìa trái) mừng rỡ khi gặp được cậu ruột Bùi Thanh (giữa) mà mình chưa biết mặt

Quê gốc ở thôn Khương Mỹ, xã Kỳ Khương, quận Lý Tín, tỉnh Quảng Tín (cũ), đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi ông Thọ chào đời thì cậu út Bùi Thanh, sinh năm 1940 đã bị bắt đi quân dịch. Ông Thọ không biết mặt cậu. Ông ngoại mất sớm, bà ngoại tảo tần cấy trồng nuôi cháu con. Theo lời kể của ngoại, mấy năm đầu, cậu Út có biên thơ về. Nhưng từ sau năm 1973 thì mất liên lạc.

Ông Thọ tâm tình: “Cậu đi không biết sống, chết ra răng, còn người ở lại quê nhà thì trông mong miết. Bà ngoại, ba má, rồi tới các dì lần lượt qua đời. Tui lập gia đình, bập vô cuộc cơm áo đủ bề chật vật. Về sau tôi cố gắng học lên, về công tác ở Hợp tác xã Nông nghiệp thị trấn Núi Thành rồi Phòng Thuế vụ huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Lời dặn của ngoại, của má bám riết, nhưng tui không biết mặt cậu, không có tấm hình, cũng không biết cậu ở phương mô, cứ hỏi xà quần”. 

Câu chuyện tình cờ được mở ra

Bữa ấy, tình cờ cậu sinh viên Phan Huỳnh Đức (năm 3, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) ghé tiệm sửa xe máy của anh Bùi Quốc Hùng, con trai ông Bùi Thanh, trên đường Lã Xuân Oai, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9. Nghe giọng cậu sinh viên, theo thói quen, anh Hùng ngước lên hỏi: “Quê con ở đâu?”. Và cũng như thường lệ, khi nghe hai từ “Quảng Nam” thì anh Hùng liền có thêm nhiều câu hỏi với người đối diện.

Đức gọi điện thoại cho ba má ở quê kể lại câu chuyện có người Sài Gòn kiếm người thân ở Kỳ Khương cũ. Những cuộc điện thoại qua lại nối dài, Đức trở thành nhịp cầu khiến cuộc tìm kiếm Quảng Nam - Sài Gòn thêm nhiều hy vọng. 

“Ba chú Hùng lảng tai, đau khớp gối, đi đứng khó khăn, ông cũng không còn nhớ đường về quê. Nhưng chú Hùng thì hết sức tha thiết muốn tìm về quê nội. Gặp ai nghe giọng Quảng Nam là chú níu áo hỏi chuyện liền. Chú Thọ cũng vậy. Họ luôn đau đáu tình thân làm em xúc động” - Đức nói.  

6g sáng 12/6, trên xa lộ Hà Nội, xe chạy qua khỏi Khu du lịch Suối Tiên và dừng lại gần Khu công nghệ cao TP.HCM. Anh Hùng ra đón ông Thọ. Họ nhìn nhau, hồi hộp và hy vọng. Vào tới nhà, ông Thọ chạy ngay đến chỗ ông già tóc bạc đang đứng run run và chìa ra bức di ảnh bà ngoại mình và những giấy tờ cũ mèm. Ông già thốt lên: “Đúng má tui rồi”. Những đôi tay trước đó còn ngại ngần đã ôm chầm lấy nhau. 

Mợ dâu tuyệt vời
Ông Thọ nói, chuyện vừa qua như là giấc mơ, cuối cùng thì ông đã có thể thắp nén nhang thưa với ngoại, với má rằng “con tìm được cậu rồi”. Mấy đêm ở Sài Gòn, có dịp nằm bên cậu thủ thỉ, ông Thọ biết rằng sau ngày giải phóng, cậu mình cũng cực khổ, hết trồng lúa, trồng khoai, lại phụ vợ buôn bán đủ các thứ để nuôi sáu người con cho đến khi sức yếu, chỉ còn có thể loanh quanh trong nhà. 
 

Cuoc trung phung sau gan 60 nam
Ông Thọ (bìa phải) và cậu mợ Út

Sáng 15/6, ông Thọ đón xe trở lại Quảng Nam. Buổi chiều trước đó, ông cùng cả nhà cậu Út đi chùa thắp nhang. Nấn ná ngoài hiên, tay ông Thọ run run vịn vai mợ dâu mình là bà Đoàn Thị Cang, 78 tuổi nói rằng: “Mợ dâu của tui tuyệt vời”. Chẳng là vợ chồng ông Thanh - bà Cang có sáu người con. Hai người không may mất sớm, ba người con gái đã lập gia đình, ông bà giờ ở với cậu con trai út là Bùi Quốc Hùng.

Trải qua nhiều cơ cực, nay bà Cang đã 78 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn. Hằng ngày bà vẫn dậy từ 3-4g sáng để nấu xôi, làm bánh bán buổi sáng. Từ 5 năm nay, tiền bán xôi, bán bánh, cộng với tiền con cháu cho, bà dành dụm rồi tham gia vào các chuyến từ thiện đi khắp mọi miền đất nước. Đi tới đâu, đặc biệt là về xứ Quảng Nam - Đà Nẵng, bà đều hỏi thăm về “nhà có con trai tên Thanh thất lạc từ gần 60 năm nay”. Hàng chục, hàng trăm, rồi hàng ngàn cái lắc đầu vẫn không làm bà nản lòng. 

Cuối tháng Năm âm lịch này, vợ chồng ông bà cùng con cháu, dâu rể hơn 10 người sẽ về thăm cố hương. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI