Cuộc trùng phùng sau 70 năm

29/05/2013 - 16:38

PNO - PN - Mấy hôm nay, bà con ở P.15, Q.10, TP.HCM xôn xao bàn tán cuộc trùng phùng hy hữu của năm anh em ông Trần Văn Hai (76 tuổi). 70 năm kiếm tìm, mong mỏi, họ mới giáp mặt nhau ở cái tuổi “cổ lai hy” …

Cơn mưa chiều ngày 23/5 ập đến vẫn không cản bước người nhà ông Hai đi ra đi vào, đợi đón chiếc taxi đưa người thân thất lạc 70 năm trở về với gia đình. Khi chiếc taxi đỗ xịch, căn nhà nhỏ (56/63 Tô Hiến Thành) trong con hẻm nhỏ dậy tiếng mừng vui: “Là em sao? Là anh, chị đây sao?”. Như không cần câu trả lời, năm gương mặt nhuốm bụi thời gian tay trong tay, mắt nhìn nhau rơm rớm. Ông Hai mở đầu buổi sum họp của gia đình nghèn nghẹn: “Chúng tôi lạc nhau sớm quá, làm gì có kỷ niệm để kể, để nhận dạng nhau”.

Cuoc trung phung sau 70 nam

Ông Văn quay sang hỏi hàng xóm đến chia vui: “Thấy chúng tôi giống nhau không?”

Bốn người em của ông Hai gồm bà Trần Thị Keo (74 tuổi), ông Trần Văn Hào (72 tuổi), ông Thái Lý Văn (70 tuổi) và ông Thái Huệ Liệt (68 tuổi). Cha mẹ họ đều là người Trung Quốc, sinh thời ngụ ở phủ Triều Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Năm 1943, ông Thái Lý Văn chào đời, vì hoàn cảnh khó khăn nên cha mẹ gửi Văn làm con nuôi một gia đình hiếm muộn. Không lâu sau chồng mất, mẹ của các ông bà tiếp tục gửi cậu út mới hai tuổi Thái Huệ Liệt vào một gia đình khác làm con (cả hai mang họ Thái của gia đình nhận nuôi). Cuộc sống chật vật, bà đưa ba người con còn lại sang Việt Nam sinh sống. Đến tuổi trưởng thành, ông Hào chuyển sang định cư ở Mỹ. “Bà thân sinh tôi khi còn sống hay nhắc đến hai em Văn, Liệt. Nhưng thật khó tìm kiếm trong hoàn cảnh loạn lạc bấy giờ” - ông Hai rưng rưng.

Thế nhưng, ông Hai xác định khó khăn không phải là bế tắc, là thôi hy vọng nên cuộc tìm kiếm hai người em vẫn diễn ra thầm lặng. Năm 1995, như một phép màu, ông Hai được một người quen cho biết, từng trò chuyện với một người cũng lạc mất gia đình năm lên hai, khi ấy chỉ còn mẹ và hai anh, một chị. Từ thông tin ít ỏi, ông Hai lên đường sang Trung Quốc tìm em. Không một kỷ niệm, kỷ vật để nhận ra nhau, nhưng mới chạm mặt, qua linh cảm, ông và người em Thái Huệ Liệt chừng đã biết người đối diện là ruột rà, máu mủ. “Chúng tôi ôm nhau và khóc” - ông Hai kể. Cũng từ chuyến sang Trung Quốc này, ông Hai tìm về quê cũ, hỏi thăm gia đình nhận nuôi người em Thái Lý Văn, mới hay họ đã chuyển sang Hồng Kông sinh sống.

Ông Hai cười móm mém: “Cũng giống út Liệt, khi gặp Văn, tôi biết ngay đó là em mình vì nét mặt giống chúng tôi như tạc”.

Từ đó, ông Hai thường xuyên liên lạc, thăm hỏi qua thư từ, điện thoại, nhưng để tạo nên một cuộc hội ngộ đầy đủ gần như quá sức đối với hoàn cảnh gia đình ông. Mới đây, sau một thời gian dành dụm, cuộc gặp gỡ của năm anh em mới trở thành hiện thực. “Giờ mà không gặp nhau, không quyết tâm cùng về đốt cho cha mẹ nén nhang, không biết bao giờ chúng tôi mới tụ họp được” - ông Hào, người định cư ở Mỹ nói.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI