Cuộc trốn chạy khỏi những ràng buộc

26/12/2023 - 08:24

PNO - Trôi - tuyển tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - vẫn giữ được nhịp điệu man mác, êm ả ẩn chứa nhiều bất định và giọng văn đượm mùi sông nước miền Tây nhưng đã vươn đến một nội hàm lớn hơn, diễn giải một phạm trù phức tạp hơn của con người qua những phận đời dễ bị lãng quên.

Con người là một thực thể phức tạp, luôn muốn sở hữu cả 2 thứ đối nghịch cùng lúc. Chẳng hạn, trong cam kết về hôn nhân, về tình yêu, người ta vừa muốn gắn bó, vừa đòi hỏi sự tự do, ít nhất là trong phạm vi có thể. Cái mâu thuẫn nội tại đó đã tồn tại từ khi hình thành loài người, trở thành câu đố vừa bí ẩn vừa hấp dẫn buộc bao triết gia, nhà văn kiến giải, hết thời đại này qua thời đại khác. Tháo cũng là buộc. Chán ngán thực tại nghiệt ngã hay đời sống vô vị, thừa mứa vật chất, người ta trốn chạy khỏi thị thành để kiếm tìm tự do bằng những chuyến du ngoạn, những cuộc dịch chuyển có hay không có mục đích/đích đến. Có người chọn sống cách biệt hẳn với cuộc sống loài người. Văn học và phim ảnh không thiếu những cuộc trốn chạy như thế.

Vậy nhưng, đời sống là vô số sợi dây chằng níu, cũng như làm gì có cái gọi là tự do tuyệt đối. Cứ như thế, con người mải miết đi. Cuộc sống du mục dần được thay thế bằng sự ổn định trên những vùng đất. Lịch sử được hình thành, phát kiến và văn minh ra đời. Song, bản chất du mục vẫn nằm sâu trong tiềm thức loài người. Nó như hạt giống được gieo lâu năm, chỉ cần thời cơ thích hợp sẽ nảy mầm.

13 truyện ngắn trong cuốn sách này của Nguyễn Ngọc Tư mô tả những cuộc trôi của những con người rất đỗi bình thường. Không có cuộc nổi trôi nào vô nghĩa, cũng như chẳng có bất kỳ việc nào xảy đến là tự nhiên. Chúng có nguồn ngọn, có thể từ quá khứ, thậm chí là tiềm thức - vô hình, không thể lý giải và từ lịch sử của dòng tộc, thế hệ, loài.

Nguyễn Ngọc Tư nói, khởi nguồn của tập truyện là sự dịch chuyển nhưng đến giữa chừng thì mọi thứ bỗng rẽ hướng. Đó là khi, sau những cuộc trôi bất tận cùng nhân vật, cùng những vật thể theo quỹ đạo riêng, chị bất chợt nhận ra sự mắc kẹt - nguyên nhân của những vẫy vùng, đào thoát của những cuộc trôi. Vì trôi nên sượt qua nhau hoặc va vào nhau mà thắp lên hơi ấm hay mắc kẹt? Hay vì mắc kẹt mà buông trôi, rồi loay hoay lý giải về những điều đã mất đi? Ai mà biết được! Chỉ biết trong hội ngộ đã ẩn tàng nguy cơ tan rã.

Chỉ biết “đi thì không cần cớ”. Chỉ biết chẳng cuộc trôi nào giống nhau khi vỡ lẽ “cùng một vật nhưng không cuộc rơi nào có tiếng động giống nhau, vòng sóng cũng khác biệt, cả cách nước bắn lên. Không khí và nước luôn niềm nở, chắc bởi dễ rách dễ lành, nên chúng bao dung, vừa khít với hết thảy. Đất không vậy, nó luôn ở thế cự tuyệt từ đầu, những thứ rơi vào nó luôn bị nảy lên, như một cú ném trả thô lỗ trước khi buộc lòng nhận lấy. Nhận ra rơi tự do chỉ là một cách gọi thôi, trọng lực ràng buộc hết, chẳng tự do nào tồn tại giữa đây và kia”.

Nguyễn Ngọc Tư vẫn luôn dịch chuyển, vẫn “trôi” trong các tác phẩm trước kia. Nhưng ở tập truyện này, “trôi” đã trở thành một dòng chảy đủ lớn, đủ mạnh; là sợi dây xuyên suốt gắn kết mọi số phận, mọi vật thể. Thoát khỏi lớp vỏ ngôn ngữ, triết lý về những cuộc trôi và trạng thái mắc kẹt trong hành trình vốn đầy mâu thuẫn của loài người, đủ để xếp Nguyễn Ngọc Tư vào hàng những nhà văn lớn, vươn xa khỏi phạm vi lãnh thổ. 

Thư Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI