Cuộc thi viết “Thành phố của tôi”: Như một lời tri ân!

20/10/2023 - 06:23

PNO - “Khuya nay, tôi thức dậy sớm với rất nhiều cảm xúc về Sài Gòn - TPHCM nên đã viết ca khúc Thành phố tình yêu của tôi như một món quà của một công dân thành phố dành tặng cho thành phố”. Ca sĩ Đình Văn bộc bạch như vậy trong cuộc họp báo do Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp với Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức sáng 19/10 nhằm công bố cuộc thi viết “Thành phố của tôi”.

Báo Phụ nữ TPHCM họp báo công bố cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM với chủ đề “Thành phố của tôi” ẢNH: MINH AN
Báo Phụ nữ TPHCM họp báo công bố cuộc thi viết về Sài Gòn - TPHCM với chủ đề “Thành phố của tôi” - Ảnh: Minh An

Sài Gòn - TPHCM: Mảnh đất lành hội tụ 

TPHCM trong ca khúc mới của Đình Văn là tiếng còi tàu vang trên Bến Nhà Rồng, là những tòa tháp cao như xuân thì cô gái, là đoàn tàu metro đi vào thời đại và dòng kênh xanh chảy giữa thành phố rạng ngời. Với ca sĩ Đình Văn, TPHCM không chỉ gieo niềm tin vào cuộc sống mà còn là bài tình ca của tuổi trẻ hôm nay.

Mang đến buổi họp báo bài hát Thành phố gì kỳ do chính mình sáng tác, thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Dương đã tái hiện hình ảnh một thành phố gần gũi, nghĩa tình. Đó là nơi mà tiếng còi xe ồn ào cũng đủ sức neo giữ hồn người ngày tôi xa nơi đây đi tìm những khát khao…

Chung dòng cảm xúc đó, bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho rằng, TPHCM dang tay đón nhận biết bao lớp người, chia sẻ hết thảy vui buồn, nuôi dưỡng muôn vàn hoài bão, giấc mơ, giúp mỗi người dân biết rằng mình không cô đơn giữa phố xá tấp nập này:

“Những người con tứ xứ đến với TPHCM, ban đầu có thể vì cái ăn, cái mặc, vì việc học hành, lập nghiệp… nhưng rồi “phải lòng” nơi này mà ở lại và đóng góp cho thành phố ngày một lớn mạnh. Có thể nói, Sài Gòn - TPHCM là thành phố của những hoài bão và khát khao cống hiến của thế hệ đi trước, thế hệ bây giờ, thế hệ trẻ. Đến bây giờ, Sài Gòn - TPHCM vẫn luôn là mảnh đất lành để rất nhiều người thắp sáng ước mơ cho riêng mình”.

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo  Phụ nữ TPHCM - và bà Phạm Thị Vân Anh  - Phó tổng biên tập - tặng hoa cho thành viên Hội đồng giám khảo - ẢNH: MINH AN
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - và bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập - tặng hoa cho thành viên Hội đồng giám khảo - Ảnh: Minh An

Theo bà, đó cũng là lý do, nguồn cảm hứng để Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức cuộc thi viết “Thành phố của tôi” hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Cuộc thi là dịp để ghi lại những câu chuyện dung dị, thấm đượm tình yêu dành cho vùng đất nghĩa tình, dễ sống và đáng sống cùng những con người chưa bao giờ hết yêu thương này, từ đó khắc họa, lan tỏa được thành tựu phát triển của TPHCM dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, chính quyền và sự chung tay, góp sức của nhân dân thành phố từ năm 1975 đến nay. 

“Thông qua cuộc thi, chúng tôi cũng mong muốn phát hiện, nêu gương và nhân rộng lối sống nhân ái, nghĩa tình của người dân TPHCM, đồng thời cũng kỳ vọng có nhiều ý kiến hiến kế cho sự phát triển của TPHCM” - bà Lý Việt Trung nói.

Như một sự trả ơn

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - cho hay, đến với cuộc thi, ông có rất nhiều cảm xúc: “Tới đây, chúng ta tự hào kỷ niệm 50 năm thành phố mang tên Bác. Tôi thấy rằng, cuộc thi đã góp phần làm sáng tỏ, làm sinh động hơn về một vùng đất mà chúng ta vẫn gọi với cái tên thân thương là Sài Gòn - TPHCM. Cuộc thi sẽ tạo thêm sắc màu, làm đa dạng, phong phú thêm các nội dung kỷ niệm 50 năm ngày thành phố hòa bình, thống nhất, cũng là 50 năm thành phố mang tên Bác”.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - phát biểu chỉ đạo cuộc thi
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - phát biểu chỉ đạo cuộc thi

Với mong muốn những nét hay, nét đẹp của thành phố được lan tỏa từ cuộc thi, ông Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị có thêm nhiều đơn vị cùng tham gia. Ông cũng cho rằng, cần phải mở rộng thêm giải thưởng viết về phụ nữ TPHCM trong các lĩnh vực. Ông gợi ý, ban tổ chức cuộc thi “Thành phố của tôi” nên gắn những tác phẩm hay được trao giải hằng tháng với giải thưởng tác phẩm báo chí hay hằng quý do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức để tăng thêm sức nặng của cuộc thi.

Nói thêm về quy mô, bà Lý Việt Trung cho biết, cuộc thi “Thành phố của tôi” kéo dài từ đây đến hết năm 2024 và dự kiến lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, các tác giả sẽ có đủ thời gian để tập hợp tư liệu, để tư duy, hội tụ cảm xúc, từ đó cho ra những bài viết hay nhất. Ngoài ra, bà cũng khẳng định, mặc dù tác phẩm dự thi tập trung viết về TPHCM từ năm 1975 đến nay, nhưng ban tổ chức vẫn rất hoan nghênh mọi bài viết phản ánh những cái hay, cái đẹp của Sài Gòn - TPHCM từ xưa đến nay.

Về tiêu chí đánh giá, ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, Phó chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi - cho biết, cuộc thi đề cao tính chính xác, người thật việc thật, nên hội đồng giám khảo sẽ không chấm giải đối với những tác phẩm mang tính hư cấu. Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc - thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi - tâm đắc về việc cho phép mọi đối tượng dự thi. Ông chọn “tình nghĩa” là một từ khóa của cuộc thi, để muốn thông qua đó, người dự thi thể hiện sự gắn bó máu thịt, tình yêu với thành phố như một sự trả ơn. 

Cùng quan điểm đó, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng giám khảo cuộc thi - cũng khẳng định, dù bài thi mang nội dung hiến kế, góp ý, vẫn phải được đặt trong sự phát triển cộng đồng, con người, liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần và phải thể hiện được tình cảm yêu thương, tự hào về thành phố.

Phóng viên Báo Người Lao Động đặt câu hỏi đến ban tổ chức cuộc thi
Phóng viên Báo Người Lao Động đặt câu hỏi đến ban tổ chức cuộc thi

Bà Lý Việt Trung nêu kỳ vọng, cuộc thi sẽ là hoạt động gợi mở, kích thích mọi người nói ra suy nghĩ, cảm xúc về TPHCM, tái hiện những câu chuyện đắt giá nhất về thành phố: “Khi cuộc thi kết thúc, chúng tôi vẫn để ngỏ diễn đàn để mọi người viết tiếp câu chuyện của mình về thành phố, để thế hệ mai sau có thể đọc, hiểu thêm về TPHCM. Đây là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến thế hệ tương lai, cũng là sự tri ân của chúng tôi dành cho thế hệ cha anh”. 

Tôi tin đây sẽ là một giải báo chí có chất lượng

Đây là một cuộc thi có ý nghĩa quan trọng, phát huy được vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là gắn với sự kiện lớn: kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). 

Chúng tôi tin tưởng, đây sẽ là một giải báo chí có chất lượng, đa dạng về thể loại báo chí và quan trọng nhất là đảm bảo tiêu chí chung nhất của cuộc thi, đó là tính chính xác, người thật việc thật, phản ánh góc nhìn sống động về sự hội tụ, đa dạng về văn hóa, con người của vùng đất Sài Gòn - TPHCM, thành phố nghĩa tình. 

Theo tôi, cuộc thi này không nên hạn chế về mặt thể loại báo chí mà có thể mở rộng nhiều cách thể hiện, có thể là hồi ức, hồi ký. Hội Nhà báo TPHCM sẽ tiếp tục kết nối, vận động các chi hội nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí để cùng quảng bá, truyền tải cũng như tham gia cuộc thi này. 

Ông Nguyễn Tấn Phong - 
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM

Các bài viết sẽ giúp hình dung rõ hơn diện mạo của thành phố

Cuộc thi là dịp để những người tham gia nhìn lại chặng đường dài 50 năm với những ký ức, chiêm nghiệm về nơi chốn mà mình gắn bó với tư cách là công dân, nhưng cũng có thể chỉ là một thời gian ngắn với tư cách là khách du lịch. Mỗi người đứng ở góc độ của mình sẽ lẩy ra một lát cắt, một khoảnh khắc đẹp nhất, ấn tượng nhất và ý nghĩa nhất với chính họ và với thành phố này. Tập hợp tất cả những mảnh ghép đó, sẽ cho phép chúng ta hình dung ra diện mạo của TPHCM 50 năm sau ngày thống nhất đất nước một cách rất dung dị và đời thường. 

Bài dự thi chắc chắn rất khác với những công trình nghiên cứu đồ sộ, các tổng kết chính trị. Tôi tin là, người viết và người đọc, người được giải hay không được giải đều tự hào về mảnh đất cởi mở, phóng khoáng, nghĩa tình, nhân hậu và bao dung, để từ đó họ khát khao được cống hiến cho một thành phố ngày một tươi đẹp hơn. Đây cũng là dịp mà các nhà lãnh đạo đảng bộ, chính quyền, đoàn thể hiểu hơn tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân cũng như các sáng kiến mà người dân đóng góp. 

Từ cuộc thi, Báo Phụ nữ TPHCM sẽ có được một kho dữ liệu quý có thể khai thác lâu dài. Ngoài việc đăng báo, trao giải, in sách, tôi nghĩ Báo Phụ nữ TPHCM cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông, làm sao cho thành quả và giá trị từ cuộc thi lan tỏa lâu dài, sâu đậm trong xã hội. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - 
Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM

Cuộc thi là cái cớ để chúng ta “tỏ tình” với thành phố

Tôi rất thích câu mà người Sài Gòn hay nói với nhau: “Ai cũng có quê gốc, nhưng chẳng có ai có quê gốc Sài Gòn”. Nhiều người trong số chúng ta không được sinh ra ở thành phố này nhưng khi đến đây, chúng ta được thành phố bao bọc, nuôi nấng và mỗi người cũng đang góp tay dựng xây thành phố. Do đó, ai trong chúng ta cũng yêu thành phố của mình, chỉ là tình yêu đó đang bị ẩn giấu ở đâu đó. Giống như chúng ta vẫn rất yêu thương những đấng sinh thành, nhưng luôn cần cái cớ để bày tỏ rằng mình yêu mẹ, yêu cha. Cuộc thi này chính là cái cớ để chúng ta “tỏ tình” với thành phố.

Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương

Người trong cuộc có cơ hội lên tiếng

Cuộc thi giúp kiều bào thấy được vẻ đẹp, sự đổi thay của TPHCM trong dặm dài phát triển và hiểu hơn những chính sách phát triển thành phố, hay cả những vấn đề an sinh xã hội, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân. Nghĩ về cuộc thi, tôi đặt mình vào tâm thế của một người con thành phố, mong đọc được, nhìn thấy những cái hay, cái đẹp mà bản thân chưa nhìn thấy được, chưa cảm nhận hay chưa được tiếp cận trước đây. 

Là chủ doanh nghiệp, tôi quan tâm hơn về vấn đề đầu tư, chính sách đầu tư. Hiện tại, tôi có niềm tin về những sự đổi thay tích cực hơn vì chúng ta đã có những cơ chế, đặc quyền riêng khi Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội được thực hiện. Tôi nghĩ, lãnh đạo TPHCM sẽ chủ động, mạnh dạn hơn và tất nhiên, cần nhiều ý kiến xây dựng, hiến kế của các chuyên gia, những người trong cuộc. Do đó, cuộc thi này sẽ trở thành một kênh để những tiếng nói này có thể cất lên.

Ông Nguyễn Ngọc Luận 
- người Việt Nam sống ở Úc, Giám đốc Công ty Liên kết thương mại Toàn Cầu 

Chạm đến niềm tin yêu sâu lắng với TPHCM

Từng nhận lời làm giám khảo nhiều cuộc thi văn chương, nhưng với tôi, lần này hết sức có ý nghĩa. Tôi tự ý thức mình đang đồng hành, bởi Báo Phụ nữ TPHCM cũng chính là cơ quan mà trước đây tôi từng công tác và trưởng thành. Khi hay tin báo tổ chức cuộc thi và mời tôi làm giám khảo, bỗng dưng tôi bần thần và cảm động. 

Tôi mong Báo Phụ nữ TPHCM - tờ báo đã được nữ giới nhiều thế hệ tin cậy - sẽ nhận được nhiều bài dự thi của các tác giả nữ. Qua đó, những câu chuyện, tâm tình của họ dành cho ngày thống nhất càng có ý nghĩa đặc biệt. Phải nói thật, lâu nay chúng ta đọc nhiều bài viết, tập sách về Sài Gòn - TPHCM nhưng góc nhìn từ phụ nữ vẫn chưa nhiều. Kỳ vọng của tôi và cũng của ban giám khảo là có sự tham gia đông đảo của các tầng lớp phụ nữ. Nếu được như thế, bản thân việc tổ chức cuộc thi đã là một thành tựu.

Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc

Hạnh phúc khi “Thành phố của tôi” có sức lan tỏa

Khi ra đi, tài sản quý giá nhất mà chồng tôi (cố nhạc sĩ Phan Nhân) để lại chính là những ca khúc mà ông sáng tác, nhất là những ca khúc gắn liền với Sài Gòn - TPHCM, trong đó có bài Thành phố của tôi. Thành phố của tôi được chọn làm tên cuộc thi viết, nếu còn sống, chắc ông vui lắm.
Sinh thời, mỗi khi sáng tác ca khúc, chồng tôi cực kỳ chắt lọc ngôn từ. Có khi, ông dành ra 5-7 ngày hay thậm chí cả tháng chỉ để sửa 1 chữ trong ca khúc. Tôi tin rằng, với nội dung gần gũi, hướng đến những hoạt động nghĩa tình, lối sống bao dung, tốt đẹp của người dân TPHCM, cuộc thi chắc chắn sẽ giúp chúng ta có những góc nhìn thú vị. 

Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu

Thu Lê - Diễm Trang - Thu Hương (ghi)

Thể lệ cuộc thi viết “Thành phố của tôi”

1. Đối tượng dự thi
Mọi công dân Việt Nam sinh sống ở Việt Nam và nước ngoài, đồng bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài quan tâm đến TPHCM.
2. Nội dung
Qua chặng đường gần 50 năm xây dựng và phát triển, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu, được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước trong đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, cuộc thi này tập trung vào các nội dung:
- Lối sống văn minh, hiện đại, nghĩa tình của người dân TPHCM thông qua các câu chuyện, việc làm, hành động cụ thể. 
- Sự hội tụ, đa dạng về văn hóa, con người của vùng đất Sài Gòn - TPHCM.
- Quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, con người Sài Gòn - TPHCM.
- Dấu ấn về sự gìn giữ bản sắc trong quá trình phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại của TPHCM.
- Nỗ lực của chính quyền, người dân TPHCM trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.
- Dấu ấn về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đô thị của chính quyền các cấp ở TPHCM.
- Sự đổi thay tích cực về mọi mặt của Sài Gòn - TPHCM từ năm 1975 đến nay.
- Hiến kế về những giải pháp cho những vấn đề cấp bách của TPHCM như ngập nước, kẹt xe, quy hoạch đô thị, thu hút nhân tài, cải cách hành chính…
3. Hình thức
Thi viết, dưới dạng phóng sự, ghi chép, tường thuật, bình luận, xã luận, tùy bút, bút ký, tản văn… của 1 tác giả hoặc nhóm tác giả. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm.
Mỗi tác phẩm dự thi từ 700 đến không quá 2.000 chữ, được viết tay hoặc đánh máy bằng tiếng Việt, có ngôn ngữ trong sáng, phù hợp thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật Việt Nam.
Các tác phẩm dự thi sẽ được chọn, biên tập, đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM, Phụ nữ Online và được trả nhuận bút theo quy định của Báo Phụ nữ TPHCM.
Tác phẩm dự thi phải ghi rõ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có).
4. Cách thức và thời gian 
gửi bài dự thi 
- Bài dự thi gửi qua email saigon-tphcm@baophunu.org.vn, gửi qua đường bưu điện về Báo Phụ nữ TPHCM, số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư ghi: Bài dự thi “Thành phố của tôi” hoặc đến gửi trực tiếp ở tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM.
- Thời gian nhận bài dự thi: từ ngày 20/10/2023 đến ngày 31/12/2024 (theo dấu bưu điện và hộp thư điện tử).
- Điện thoại của ban tổ chức cuộc thi: 0913 15 93 15.
5. Cơ cấu giải thưởng
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Bên cạnh các giải thưởng, trong quá trình diễn ra cuộc thi, ban tổ chức cuộc thi sẽ chọn lọc tác phẩm dự thi có chất lượng để đăng trên báo in, báo điện tử Phụ nữ TPHCM. Kênh HTV9 của Đài Truyền hình TPHCM (HTV) sẽ trích giới thiệu tác phẩm dự thi trong chuyên mục “Sách hay cuối tuần”, phát lúc 6g sáng Chủ nhật và chương trình “Văn nghệ Chủ nhật” phát lúc 10g sáng Chủ nhật hằng tuần. 
Tác phẩm được ban tổ chức bình chọn để trao giải hay nhất trong tháng sẽ được công bố trên Báo Phụ nữ TPHCM và giới thiệu trong chương trình “Văn nghệ Chủ nhật” của HTV. 
Sau lễ trao thưởng cuộc thi, HTV sẽ chọn những tác phẩm xuất sắc dựng thành video clip giới thiệu rộng rãi đến công chúng. 
Các tác phẩm vào chung kết sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).
6. Thời gian công bố và trao giải thưởng
Dự kiến ngày 8/3/2025.
7. Các quy định khác 
- Thành viên ban tổ chức, ban giám khảo, cơ quan giúp việc tổ chức cuộc thi không được dự thi. 
- Tác phẩm dự thi chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào, không có tranh chấp bản quyền; thông tin trong tác phẩm phải chính xác. Tác giả hoặc nhóm tác giả dự thi tự chịu trách nhiệm về bản quyền đối với bài dự thi của mình cũng như tính chính xác trong tác phẩm. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm về tranh chấp liên quan đến bản quyền, các khiếu nại liên quan đến tác phẩm và nhân vật trong tác phẩm. Nếu phát hiện sai phạm, ban tổ chức sẽ thu hồi nhuận bút, giải thưởng. 
- Ban tổ chức xin phép không hoàn trả bản thảo, hình ảnh của tác phẩm dự thi và được sử dụng các tác phẩm dự thi để phục vụ cho công tác quảng bá, tuyên truyền hoặc in sách sau cuộc thi. 
- Ban tổ chức sẽ thông báo đến tác giả có tác phẩm đoạt giải và sẽ có thư mời dự lễ trao giải thưởng.
- Trong quá trình tổ chức cuộc thi, nếu có những vấn đề phát sinh ngoài quy định của thể lệ này, ban tổ chức sẽ bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. 

Báo Phụ nữ TPHCM

Thiên Thanh - Thiên Ân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI