Cuộc thi viết “Thành phố của tôi”: Mỗi bài viết gửi về đều là một viên ngọc quý

28/03/2025 - 12:15

PNO - Sáng 28/3, Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp với Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TPHCM tổ chức trao giải cuộc thi viết với chủ đề “Thành phố của tôi”.

Cuộc thi được tổ chức nhằm tôn vinh những thành tựu rực rỡ về kinh tế, xã hội, văn hóa, những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng làm thay đổi diện mạo thành phố, những di sản văn hóa - lịch sử quý giá, và đặc biệt là những con người bình dị nhưng đầy nhiệt huyết, những người đã góp phần tạo nên một Sài Gòn - TPHCM năng động và nghĩa tình.

Tham dự sự kiện có ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM; bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM, nguyên Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM; ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM; bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM; ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM...

Ban tổ chức, Ban giám khảo của cuộc thi có bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, Trưởng ban tổ chức cuộc thi; ông Trần Đình Ba - Phó giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, thành viên Ban giám khảo; bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi.

Sự kiện còn có sự hiện diện của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó ban thường trực Ban tổ chức cuộc thi; nhà thơ, nhà văn Lê Minh Quốc - thành viên ban giám khảo và sự góp mặt của đông đảo các tác giả dự thi.

Thay mặt Ban giám khảo công bố kết quả cuộc thi, bà Lý Việt Trung cho biết, khi phát động cuộc thi vào tháng 10/2023, nhân dịp hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban tổ chức mong muốn tìm thấy tiếng nói của những người con thành phố, từ những người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, đến những người từ mọi miền đất nước chọn nơi đây làm quê hương thứ hai.

Bà Lý Việt Trung, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chứcmỗi bài viết gửi về đều là một viên ngọc quý
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, Trưởng ban tổ chức - cho rằng mỗi bài viết gửi về cuộc thi đều là một viên ngọc quý

Khi bắt đầu cuộc thi, Ban tổ chức chỉ ấp ủ một mong mỏi giản dị: được lắng nghe trái tim của những người đang sống, đang yêu và đang thở cùng nhịp đập của Sài Gòn. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra - hơn 1.000 câu chuyện từ khắp mọi nơi đổ về, như những mảnh ghép tâm hồn, cùng nhau tạo nên bức tranh toàn cảnh về một thành phố không chỉ hiện đại, năng động mà còn chan chứa tình người. Hơn 1.000 bài dự thi đã gửi về, mỗi bài một góc nhìn, một câu chuyện, nhưng đều chung một tình cảm: sự tự hào, lòng biết ơn và khát vọng góp phần xây dựng TPHCM ngày càng đẹp hơn.

Có những tác phẩm khiến Ban tổ chức rưng rưng khi đọc về những bình nước mát, hộp cơm 0 đồng trên hè phố - sự sẻ chia giản dị mà cao đẹp của người Sài Gòn - TPHCM. Có những trang viết về cụ già sẵn sàng hiến đất mở đường, về những bác sĩ, kỹ sư, công nhân lặng lẽ cống hiến… Tất cả đã vẽ nên bức chân dung sống động về một thành phố năng động, vội vã, ấm áp tình người.

Đông đảo các tác giả dự thi tại buổi lễ trao giải
Khách mời, các tác giả dự thi tại buổi lễ trao giải

Ban giám khảo đã làm việc vô cùng khó khăn để chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất, bởi mỗi bài viết đều chứa đựng giá trị riêng. Dù chỉ có 15 giải thưởng được trao hôm nay, nhưng với Ban tổ chức, mọi tác giả đều xứng đáng được tri ân, vì đã góp phần lưu giữ ký ức, lan tỏa vẻ đẹp và truyền cảm hứng về tương lai của thành phố này. Bà Lý Việt Trung nói: "Trao giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, nhưng với tôi, mỗi bài viết gửi về đều là một viên ngọc quý. Có những bài không đoạt giải, nhưng chứa đựng những dòng khiến chúng tôi phải lưu vào trái tâm. Xin hãy tin rằng, tất cả những tình cảm các bạn dành cho thành phố này đều được trân trọng và nâng niu".

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM đang đọc cuốn sách lưu giữ những tác phẩm đoạt giải
Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - đang đọc cuốn sách lưu giữ những tác phẩm đoạt giải

Bà Lý Việt Trung gửi lời lời cảm ơn sâu sắc đến ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM - người đã gợi ý và tạo điều kiện cho cuộc thi đi đến thành công ngày hôm nay. Các đơn vị như NXB Tổng hợp TPHCM đã cùng Ban tổ chức hiện thực hóa cuốn sách lưu giữ những tác phẩm đoạt giải; đài HTV, VOH - những cây cầu kết nối để cuộc thi lan tỏa rộng rãi.

“Trong bài viết của một tác giả dự thi có câu: “Sài Gòn không phải nơi tôi sinh ra, nhưng là nơi tôi chọn để yêu thương”. Có lẽ, đó chính là thông điệp đẹp nhất của cuộc thi này - một tình yêu không cần biên giới, không phân biệt quá khứ hay hiện tại, chỉ cần trái tim rung động trước nhịp sống hào sảng của thành phố này” - bà Lý Việt Trung chia sẻ.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - đánh giá cao các tác phẩm đoạt giải

Là người luôn theo dõi, quan tâm đến cuộc thi ngay từ những ngày đầu tiên phát động. Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM - thường xuyên hỏi Ban tổ chức “bạn đọc dự thi nhiều không, đóng góp cho thành phố những gì”. Chia sẻ tại buổi lễ trao giải, ông nói vô cùng cảm kích khi được đọc những bài viết đầy tâm huyết về TPHCM. Dù chỉ mới lướt qua, nhưng ông nhận thấy mỗi tác giả đều có những góc nhìn riêng biệt, tất cả đều thể hiện tình cảm sâu sắc dành cho thành phố. Những bài viết này đã vẽ nên một bức tranh sinh động và hấp dẫn về hành trình kỷ niệm 50 năm đầy ý nghĩa.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Phan Nguyễn Như Khuê

Mỗi bài viết đều thể hiện sự chân thành, tình cảm gắn bó và khát vọng xây dựng thành phố. Ông nhận thấy các tác giả đều xem TPHCM là ngôi nhà chung, nơi mỗi người đều thể hiện tình yêu, sự gắn bó và khát vọng cống hiến. Ông tin rằng, mỗi giọt mồ hôi của người dân đều góp phần làm cho thành phố ngày càng tỏa sáng, và tình cảm hào sảng ấy càng được thể hiện rõ nét hơn trong những giai đoạn khó khăn.

Dù đã 2 năm trôi qua, ông vẫn theo dõi những bài viết trên báo. “Tôi rất vui mừng khi thấy số lượng tác phẩm tham gia đông đảo. Đây là một trong những hoạt động sau mặt báo mà Báo Phụ nữ TPHCM cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng hình ảnh TPHCM ngày càng tỏa sáng hơn, xứng đáng với tên gọi của vị lãnh tụ kính yêu và là biểu tượng của miền Nam. Thành phố sẽ là điểm đến hấp dẫn cho bạn bè quốc tế, nơi con người Việt Nam luôn thể hiện những phẩm chất đáng tự hào” - ông Phan Nguyễn Như Khuê nói.

ông Ray KusChert – tác giả của bài viết Cảm ơn vì để tôi bước vào trái tim bạn!, bác sĩ Trần Quốc Vĩnh – tác giả bài viết Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh, và cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – một trong những nhân vật của chuỗi bài Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ (tác giả Diễm Mi)
Giao lưu với các tác giả và nhân vật có các tác phẩm đặc sắc, từ phải sang: ông Ray KusChert - tác giả bài viết Cảm ơn vì để tôi bước vào trái tim bạn!, bác sĩ Trần Quốc Vĩnh - tác giả bài viết Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh và cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - một trong những nhân vật của chuỗi bài Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ (tác giả Diễm Mi)

Nhận xét thêm về các tác phẩm dự thi, ông Trần Đình Ba - Phó giám đốc, Phó tổng biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, thành viên Ban tổ chức - cho rằng, đội ngũ Ban biên tập và Ban giám khảo, từ vòng sơ khảo đến chung khảo, đã thể hiện trách nhiệm và tâm huyết với ý nghĩa cao đẹp của cuộc thi.

Ban tổ chức rất vui mừng khi cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả, với hơn 1.000 bài dự thi trải rộng trên mọi lĩnh vực đề tài. Có những vấn đề dung dị, đời thường như phương tiện giao thông, những con hẻm, đường sách, hay nghĩa tình Sài Gòn - TPHCM trong ngọt bùi, hoạn nạn, trong gian lao, trong đại dịch COVID-19. Rộng hơn là những vấn đề như xanh hóa dòng kênh, bảo vệ mảng xanh, hay sự ra đời của những động lực tăng trưởng kinh tế thành phố từ sau đổi mới 1986... Đối tượng tác giả tham gia cuộc thi rất đa dạng, từ mọi giới, mọi ngành, và không chỉ ở Việt Nam, mà còn có những tác giả ở Úc, Ai Cập, hay những nền văn hóa khác, những người đã chọn nơi đây là quê hương thứ hai để gắn bó. Có những tác giả gửi rất nhiều bài, và có những bài được thực hiện thành nhiều kỳ.

Các bài viết không nặng về kỹ thuật, mà gần gũi và giàu tình cảm. Những câu chuyện đời thường như tình cảm sẻ chia của bà chủ xóm trọ với những người thuê trọ, hay tình cảm của những du kích dành cho nhau trong chiến tranh, sự đùm bọc, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hay những tình cảm trân trọng của một công dân nước ngoài khi đến và sống ở Sài Gòn - TPHCM... đã để lại ấn tượng sâu sắc. Ban đầu, trước khi đến Sài Gòn - TPHCM, có nhân vật cho rằng đã có những hoài nghi, nhưng khi đến và trải nghiệm, thực tế đã thay đổi suy nghĩ và coi TPHCM là quê hương thứ hai của mình. Ông Trần Đình Ba cho rằng, điểm số của các tác phẩm đoạt giải, giải quý rất sát nhau. Điều đó cho thấy đa phần các tác phẩm tham gia cuộc thi đều có chất lượng tương đối đồng đều.

Bà Lý Việt Trung, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức (trái) và ông Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Lý Việt Trung (trái) và ông Nguyễn Ngọc Hồi (phải) trao giải cho các tác giả đoạt giải ba

Quận 4 ngày nay, một vùng đất đang trỗi dậy mạnh mẽ, khiến ta khó có thể hình dung về quá khứ đầy sóng gió. Nhắc đến quận 4 xưa, người Sài Gòn không khỏi rùng mình trước những giai thoại về “Nhất Da Sà, nhì Tôn Đản, thứ ba Mả Lạng” - những khu vực từng gieo rắc nỗi kinh hoàng.

Là một trong những nhân vật của chuỗi bài Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chia sẻ, nhắc đến quận 4 xưa, cô vẫn nhớ như in lời người dân thời đó: "Muốn ăn thì vào quận 5, muốn nằm thì vào quận 3, muốn hát ra quận 1, muốn tự tử thì về quận 4". Quận 5 nổi tiếng với những món ngon, quận 3 sang trọng với nhiều biệt thự, nhà nghỉ; quận 1 có rạp hát, rạp chiếu phim; còn quận 4 ngoài những tệ nạn xã hội, dường như chẳng có gì đáng nói.

Thời đó, cô còn nhớ mãi cảnh tượng những chiếc xe tải từ Cảng Sài Gòn vừa ra khỏi cổng đã bị một đám người lao lên, cướp giật những bao đường. Tình trạng nghiện ngập, đâm chém diễn ra như cơm bữa. Đặc biệt, khu vực Tôn Đản có băng nhóm "Thập Tam" khét tiếng, bảo kê, đâm thuê chém mướn, khiến cả công an thành phố và quận phải đau đầu tìm cách triệt phá.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và ông Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM (phải) - và ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM (trái) - trao giải cho 2 tác giả đoạt giải nhì là bác sĩ Trần Quốc Vĩnh (trái) với tác phẩm Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh và tác giả Diễm Mi (phải) với cụm bài Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ

Nhưng rồi, các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững đã được triển khai, giúp người dân học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Những đứa trẻ lang thang đường phố ngày nào giờ đã trở thành những công nhân lành nghề, thậm chí có người còn vươn lên làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp. Kinh tế phát triển, người dân xây nhà cửa khang trang, không còn cảnh sống trong những căn nhà lụp xụp, dột nát.

Điều cô tâm đắc nhất chính là những nỗ lực của Nhà nước trong việc xóa bỏ những bất công, những tệ nạn xã hội. Những khu chung cư cao tầng mọc lên, thay thế cho những căn nhà ổ chuột, giúp người dân có cuộc sống ổn định, đàng hoàng hơn. Chính quyền còn rất kiên trì trong việc giáo dục, giúp đỡ những người có lối sống buông thả, dạy họ cách làm ăn chân chính, ổn định. Từ đó, họ có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình, không còn phải lo lắng về những ngày mưa gió ế ẩm.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và bà Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê và bà Phạm Phương Thảo trao giải nhất cho ông Ray KusChert, tác giả tác phẩm Cảm ơn vì đã để tôi bước vào trái tim bạn!

Là tác giả đoạt giải nhất cuộc thi với tác phẩm Cảm ơn vì để tôi bước vào trái tim bạn!, ông Ray KusChert cho biết, khi mới đến Việt Nam, điều đầu tiên ông cảm nhận được là cái nóng oi ả và sự náo nhiệt của sân bay. Giữa khung cảnh ấy, ông bắt gặp một cô gái Việt Nam đội nón lá. Khoảnh khắc cô ngẩng đầu mỉm cười, mọi lo lắng trong ông tan biến, thay vào đó là cảm giác thân thuộc, như thể ông đã tìm thấy nơi thuộc về mình.

Đến nay, sau hơn 13 năm gắn bó với TPHCM, điều gì khiến ông xúc động nhất là giữa những bộn bề, xô bồ của thành phố, cộng đồng người dân nơi đây chính là điều đặc biệt nhất, thứ mà ông chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Một cảm nhận giản dị, nhưng đủ sức níu chân ông ở lại Việt Nam suốt hơn 1 thập kỷ.

Người đã gắn bó với TPHCM từ năm 1984 với tư cách là một bác sĩ lâu năm, bác sĩ Trần Quốc Vĩnh cảm nhận sâu sắc thành phố này như một đầu tàu kinh tế, văn hóa của miền Nam - năng động, nghĩa tình và luôn khác biệt. Chính vì vậy, khi biết đến cuộc thi Thành phố của tôi, bác sĩ Vĩnh vô cùng phấn khởi vì đây là dịp để vị bác sĩ này tri ân mảnh đất đã trở thành quê hương thứ hai của mình. Bác sĩ Vĩnh muốn chia sẻ về một cuộc cách mạng trong y học, đang được ứng dụng để điều trị cho người dân nơi đây. Câu chuyện ấy gắn liền với một con người dũng cảm, say mê cống hiến, không quản ngại khó khăn. Đó là bác sĩ Trần Kiều Miên, người thầy kính yêu của bác sĩ Vĩnh và của nhiều thế hệ bác sĩ tại Đại học Y Dược TPHCM.

“Bác sĩ Trần Kiều Miên còn là con gái của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, người đầu tiên đề xuất tên gọi Sài Gòn - TPHCM. Tôi tin rằng, đây không chỉ là mối gắn bó huyết thống, mà còn là sự tiếp nối tinh thần cống hiến cho thành phố này” - bác sĩ Trần Quốc Vĩnh nói.

Bác sĩ Trần Kiều Miên -  nhân vật trong tác phẩm Con gái người đề xuất tên gọi TPHCM củ tác g
Bác sĩ Trần Kiều Miên - nhân vật trong tác phẩm Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh của bác sĩ Trần Quốc Vĩnh

Có mặt tại buổi lễ trao giải, bác sĩ Trần Kiều Miên không nén khỏi xúc động khi cho rằng TPHCM là mảnh đất lành đã tạo điều kiện cho bà phát triển sự nghiệp, tạo động lực rất nhiều trong việc tiên phong trong việc phát triển kỹ thuật nội soi tiêu hóa tại Việt Nam.

"Cha mẹ tôi đều là người Bến Tre. Tuổi thơ của tôi gắn liền với đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tôi đã ra Bắc và học tập, trưởng thành, trở thành một bác sĩ từ năm 1954 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, tôi đứng trước ngã rẽ sự nghiệp. Với lòng nhiệt huyết muốn cống hiến cho miền Nam, tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là trở về quê hương. Gia đình tôi có ba chị em, chị cả học ở Nga, em gái học ở nước ngoài, còn tôi chọn ngành y trong những năm chiến tranh ác liệt (1967-1968). Tôi chỉ mong tìm được con đường nhanh nhất để trở về miền Nam" - bác sĩ Trần Kiều Miên nói.

Bà Đinh Thị Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố và ông Ông Trần Đình Bá, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố, thành viên Ban Tổ chức.
Bà Trịnh Thị Thanh (phải) và ông Trần Đình Ba (trái) trao giải cho các tác giả đoạt giải khuyến khích

Trong quá trình giảng dạy, bác sĩ Kiều Miên nhận thấy vấn đề loét dạ dày tái phát liên tục. Đến năm 1994, tại một hội nghị tiêu hóa ở Sydney, bà biết đến vai trò của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) trong các bệnh lý dạ dày. Cùng với giáo sư Phạm Hoàng Phiệt, bác sĩ Kiều Miên quyết định nghiên cứu về HP. Giáo sư Phiệt đã tìm ra phương pháp pha chế mẫu xét nghiệm HP tại Đại học Sydney. Cả hai đã thành công trong việc sản xuất mẫu xét nghiệm HP tại Đại học Y Dược TPHCM và chuyển giao công nghệ cho Hà Nội, Đà Nẵng, Huế. Đây là niềm tự hào của TPHCM.

Danh sách tác phẩm đoạt giải

1 giải nhất:

Tác phẩm: Cảm ơn vì đã để tôi bước vào trái tim bạn - tác giả: Ray KusChert

2 giải nhì:

Tác phẩm: Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh - tác giả: bác sĩ Trần Quốc Vĩnh

Cụm bài: Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ - tác giả Diễm Mi

3 giải ba:

Tác phẩm: Vĩnh Lộc như quê mẹ của tôi - tác giả: Nguyễn Văn Mỹ

Tác phẩm: Tươi tắn dòng kênh xanh Nhiêu Lộc - tác giả: Bùi Thị Đồng Dao

Tác phẩm: Như một lời tri ân - tác giả: Huỳnh Trương Phát

10 giải khuyến khích:

Tác phẩm: Những tờ báo thơm mùi mực ở hẻm chợ Ông Hoàng - tác giả: Nguyễn Đước

Tác phẩm: Sài Gòn, cho tôi sống một thời tuổi trẻ tươi đẹp - tác giả: Ngô Thị Thu Vân

Tác phẩm: Ở trọ Sài Gòn - tác giả: Hoàng Hiền

Tác phẩm: Và rừng đã xanh cho thành phố... - tác giả: Tiểu Quyên

Tác phẩm: Lời hỏi han của dì Năm và chiếc áo cho mượn - tác giả: Phạm Thị Yến (tỉnh Sơn La)

Tác phẩm: Mình có chút đất thì hiến cho đường rộng hơn - tác giả: Thu Lê

Tác phẩm: Những nhịp đập yêu thương - tác giả: Bảo Vy

Tác phẩm: Một Sài Gòn ấm áp tình người - tác giả: Khaled Fadl Mohammed Mohammed Elsayed

Tác phẩm: Đường sách tôi yêu - tác giả: Trần Vĩnh

Tác phẩm: Nhớ những ngày tạm quên 2 chữ “về nhà” - tác giả: Nguyễn Thanh Bình

14 tác phẩm đoạt giải tháng:

Tháng 11/2023: Đất và người Sài Gòn chưa bao giờ bớt hấp dẫn - tác giả: Nguyễn Văn Mỹ

Tháng 12/2023: Cảm ơn vì đã để tôi bước vào trái tim bạn! - tác giả: Ray KusChert

Tháng 1/2024: Có một vườn xanh che những phận đời... - tác giả: Hoàng Mai

Tháng 2/2024: Sài Gòn - Nhìn nhau mà sống - tác giả: Hoàng Hiền

Tháng 3/2024: Chợ như là nơi chốn “quê nhà” - tác giả: Hoàng My

Tháng 4/2024: Tháng Tư Sài Gòn đâu chỉ có nắng - tác giả: Ngô Thị Thu Vân

Tháng 5/2024: Hẻm Sài Gòn có bao giờ buồn đâu - tác giả: Phạm Đoàn Phú

Tháng 6/2024: Những người lo bữa ăn, mái ấm cho người nghèo - tác giả: Thu Lê

Tháng 7/2024: Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh - tác giả: Bác sĩ Trần Quốc Vĩnh

Tháng 8/2024: Những bông hoa kiên cường trên đất thép - tác giả: Diễm Chi

Tháng 9/2024: Ở trọ Sài Gòn - tác giả: Hoàng, Hiền

Tháng 10/2024: Cống Bà Xép “thay da, đổi thịt” - tác giả: Diễm Mi

Tháng 11/2024: Những chuyến xe buýt nuôi dưỡng tâm hồn - Tác giả: Lương Gia Cát Tường

Tháng 12/2024: Tươi tắn dòng kênh xanh Nhiêu Lộc - tác giả: Bùi Thị Đồng Dao

Thanh Hoa - Ảnh: Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI