Cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 lập kỷ lục mà lo...

11/11/2015 - 07:25

PNO - Khai mạc tối 6/11 tại Nhà hát Cao Văn Lầu - Bạc Liêu, cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015.

Cuộc thi đạt con số kỷ lục từ trước đến nay với 33 vở diễn của 27 đơn vị nghệ thuật (20 đơn vị công lập và bảy đơn vị xã hội hóa). Cuộc thi cho thấy nỗ lực của nhiều đơn vị nghệ thuật trong việc trẻ hóa và tự làm mới mình. Đáng chú ý là sự xuất hiện lần đầu của dàn diễn viên trẻ Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, đảm nhận năm trong số sáu nhân vật chính của vở Tình sử hai vương triều.

Một số đơn vị khác cũng mạnh dạn cho “ra ràng” những diễn viên (DV) chỉ đóng vai thứ ở cuộc thi năm 2012. Nhà hát Tây Đô đặt nhiều kỳ vọng vào cô đào trẻ Võ Hồng Thủy ở vở Hoa mận trắng.

Năm 2012, Đoàn văn công Đồng Tháp phải tăng cường DV từ TP.HCM, năm nay đã dốc sức cho ba gương mặt mới là Mỹ Vân, Kiều Linh và Hoàng Khoa (vở Những đứa con của người cộng sản). Ngoài Mỹ Vân được biết qua cuộc thi Chuông vàng vọng cổ thì Kiều Linh và Hoàng Khoa là hai DV được đào tạo trực tiếp tại đoàn. Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An cũng “trình làng” Hoàng Oanh - đào chánh mới ở vở Sân khấu cuộc đời.

Cuoc thi san khau cai luong chuyen nghiep toan quoc 2015 lap ky luc ma lo...
Đoàn cải lương Cao Văn Lầu - Bạc Liêu - một trong những đơn vị có đội ngũ diễn viên trẻ nhất cuộc thi

Khâu kịch bản cũng được một số đơn vị chăm chút. Nhà hát Tây Đô ngay sau cuộc thi năm 2012 đã bắt tay tìm kiếm kịch bản cho năm 2015. Vở Bông mận trắng được đặt hàng tác giả Đức Hiền và Đăng Minh sau nhiều lần ban giám đốc nhà hát gặp gỡ những nhân chứng lịch sử của trận đánh bảo vệ căn cứ Vườn Mận, chỉnh sửa nhiều lần, trước khi chuyển thể cải lương.

Vị ngọt cà na đắng (Đoàn cải lương Tây Ninh), Mai Hắc Đế (Nhà hát cải lương Việt Nam), Ánh đèn khuya (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), Cõi thiêng (Sân khấu Sen Việt)... đều là những vở diễn được viết để tham dự cuộc thi năm nay.

Tuy vậy, cuộc thi vẫn còn những lấn cấn. Năm giám khảo (PGS Phan Tất Thắng, NSND Nguyễn Mạnh Tưởng, nhà văn Chu Lai, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà), hết bốn vị là người miền Bắc, trong khi thiếu vắng những nhân vật được công chúng biết đến của sân khấu cải lương.

Một trong những câu chuyện được bàn luận nhiều ở hậu trường là hai thành viên ban giám khảo (BGK), một người có hai vở diễn, người còn lại có ba vở diễn dự thi.

Ngoài hành lang, người làm nghề còn bàn tán về những vở diễn có bàn tay của thành viên BGK nhưng đứng tên đạo diễn (ĐD) khác. Dù thông tin này chưa được kiểm chứng, nhưng sự thiếu dứt khoát của ban tổ chức trong quy định, tiêu chí tuyển chọn BGK đã tạo dư luận không tốt, gây áp lực cho cả BGK lẫn đơn vị dự thi.“

Nếu đã có vở dự thi thì không thể ngồi ghế BGK, để bảo đảm tính công bằng cho cuộc chơi. Việc vừa dựng vở, vừa chấm thi sẽ khiến kết quả khó chính xác. Hoặc giám khảo sẽ ưu ái “người nhà”, hoặc sẽ khắt khe hơn và người nhà chịu thiệt thòi”, một trưởng đoàn phát biểu.

Một hệ lụy khác là các đơn vị bằng mọi giá mời cho được vị ĐD mà họ tin chắc sẽ nằm trong BGK về dựng vở hoặc làm cố vấn với mong muốn vở diễn, DV của đơn vị được “chiếu cố” khi dự thi. Cuộc thi vì thế lại quay về chuyệ n ăn thua đủ, đã đi là phải có huy chương mang về, mất dần yếu tố giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.

Tại cuộc thi còn thấy những kịch bản cũ được viết, dựng từ hơn hai mươi năm, thậm chí ba mươi năm trước giờ được tái dàn dựng. Đó còn là những gương mặt quá quen, mà nghe đến tên đơn vị, có thể đoán đúng hơn 90% thành phần tham gia sáng tạo gồm ĐD, DV chính, họa sĩ thiết kế... So với cuộc thi năm 2012, những tên tuổi ĐD mới chưa đếm hết trên một bàn tay.

Duy nhất một tên tuổi mới, lần đầu xuất hiện ở sân khấu cải lương là ĐD Đặng Thanh Nga, dự thi ở nhóm đơn vị xã hội hóa. Sân khấu cải lương đang thiếu lực lượng kế thừa, sự lặp lại quá nhiều những “lão làng” liệu có phản ánh chuyện người trước không chịu nhường bước cho thế hệ sau, hay tính “ăn thua” ở những cuộc thi quá cao nên người trẻ chưa được tín nhiệm?

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI