Cuộc thi Những bức ảnh trong đời: Nhớ một buổi sáng sương chưa tan

03/11/2023 - 12:19

PNO - Bức hình nhắc tôi nhớ về khoảng thời gian tôi còn công tác ở Đài phát thanh - truyền hình Quảng Trị cách đây 5 năm. Chuyến công tác lúc đó là vào rừng quay món rượu đoác của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều.

Cây đoác là loại cây họ dừa, mọc hoang. Theo kinh nghiệm của già làng, cây đoác  5 năm tuổi trở lên mới có khả năng cho nhựa, để bà con tận dụng, lên men, ủ thành món rượu đoác.  

Ê kíp ghi hình, ngoài cặp vợ chồng người bản địa còn có tôi, anh quay phim và một bạn nữ dẫn chương trình. Cuối tháng Mười se lạnh, đoàn khởi hành từ sáng sớm, sương còn vấn vít giăng. Chốc chốc, những giọt nước tụ lại, rơi lộp độp trên những ngọn cây.

Tác giả chụp ảnh đồng nghiệp đang đi trên cầu treo. Cô bạn bám chặt tay vào thành cầu cũng là dây và cẩn thận nhích từng bước
Tác giả chụp ảnh đồng nghiệp đang đi trên cầu treo. Cô bạn bám chặt tay vào thành cầu cũng là dây và cẩn thận nhích từng bước

Để đến được khu rừng sâu có cây đoác già, chúng tôi phải đi qua vài ngọn đồi lớn có nhiều cây bụi tầm thấp, một cánh đồng toàn đá và những con suối đang mùa nước dâng cao. Khi đến cây cầu treo được thiết kế bằng 2 sợi dây đơn sơ, gá tạm vào chiếc cọc gỗ xiêu vẹo, các bạn đồng nghiệp và vợ chồng người đồng bào ngăn tôi lại. Mọi người bảo, kịch bản chương trình đã có, đoạn nào cần lấy hình ảnh gì, thoại ra sao, MC cần dẫn những nội dung gì, mọi người đều đã nắm được, tôi hãy đợi phía bìa rừng. Lúc đó, tôi đang mang bầu gần 7 tháng.

Tôi từ chối. Tôi đinh ninh là dù đang có bầu, tôi vẫn rất khỏe, cơ thể lại gọn gàng nên nếu mọi người đi được thì tôi cũng đi được. Tôi không sợ hãi chút nào khi đặt những bước chân đầu tiên lên sợi dây, lúc đó tôi còn tíu tít cười, thả 1 tay, tay còn lại đưa lên làm tín hiệu nhờ chụp hình. Thế nhưng khi ra đến giữa cầu, tôi nín thở vì quá sợ hãi, sợi dây không ngừng lắc lư. Bên dưới là những khối đá lởm chởm, mấy hôm trước mưa to nên nước dồn về rất nhiều.

Sau khi bước được vào bờ, đầu óc ngừng váng vất, tôi hỏi anh đồng nghiệp lý do tại sao so với ở giữa thì 2 mút cầu lại yên ổn hơn? Anh giải thích vì 2 đầu cầu được gắn liền với đá, đất, có điểm tựa nên mức độ an toàn sẽ cao hơn. Còn ở chặng giữa, sức nặng của mỗi người sẽ khiến những sợi dây rung lắc, chao đảo. 

Sau hành trình băng rừng vất vả, sập tối, chúng tôi trở về thành phố trong trạng thái rã rời, chân tay bải hoải. Bài phóng sự về rượu đoác lên sóng vào dịp tết năm đó đã nhận được nhiều lời khen khi chạm đến được cảm xúc của người xem. 

Những bức ảnh kỷ niệm về năm tháng làm nghề chất đầy trong máy tính, nhưng tôi luôn trân trọng những tấm hình vô tình được anh em, bạn bè đồng nghiệp ghi lại tại hiện trường. Ở đó, tôi gặp lại chính mình vào những tháng năm làm nghề với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Tôi hiểu, truyền hình không chỉ là thông tin, là âm thanh mà nó còn mang một phần sứ mệnh của nghệ thuật điện ảnh qua những góc máy, cảm xúc ở hiện trường. Tôi không những phải luôn sắp xếp đến tận nơi để gặp gỡ nhân vật, cảm nhận bối cảnh, mà phần hậu kỳ còn phải biết sáng tạo để cho ra một sản phẩm gần gũi, hệt như bức tranh sống động của đời thường.

Hôm nay, nhìn lại bức hình mà trong đó chúng tôi đang nín thở lắt lẻo qua cầu, tôi lại nhớ nghề, nhớ người, nhớ cảnh và nhớ một buổi sáng sương chưa tan. 

Diệu Thông (TP Huế)

Tác phẩm tham gia cuộc thi Những bức ảnh trong đời, vui lòng gửi về:

- Tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM. Ngoài bì thư ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

- Hoặc email: nhungbucanhtrongdoi@baophunu.org.vn. Tiêu đề ghi rõ: “Bài dự thi Những bức ảnh trong đời”.

Xem thêm chi tiết về cuộc thi trên website: phunuonline.com.vn.

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI