Cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ khuấy lên tranh luận về làn da phụ nữ

01/06/2019 - 10:00

PNO - Ảnh các thí sinh bước vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ năm nay làm nóng lên cuộc tranh luận trên truyền thông xã hội nước này về nỗi ám ảnh của người Ấn đối với làn da sáng màu của phụ nữ.

Hơn 30 bức ảnh gây tranh cãi được đăng trên báo Times of India là hình ảnh các cô gái lọt vào vòng chung kết cuộc thi, tất cả các cô đều có mái tóc óng mượt và một làn da trắng sáng.

Cuoc thi Hoa hau An Do khuay len tranh luan ve lan da phu nu
Những người tham gia tại cuộc thi hoa hậu Colors Femina Miss India East 2019 ngày 23/4 tại Kolkata, Ấn Độ - Ảnh: NurPhoto/Getty Images

Người dùng mạng xã hội Twitter nói rằng một đất nước 1,3 tỷ dân, có hàng trăm ngôn ngữ và rất nhiều nhóm chủng tộc như Ấn Độ mà các nhà tổ chức cuộc thi sắc đẹp chỉ chọn những thí sinh mang vẻ đẹp lý tưởng của người châu Âu. Người dùng Prasanna Ratanjankar viết trên trang Twitter @labellagorda “họ có mái tóc và màu da giống nhau, và tôi đồ rằng chiều cao cũng như các chỉ số cơ thể của họ cũng tương tự nhau, trong khi Ấn Độ là một quốc gia đa dạng”.

Cuoc thi Hoa hau An Do khuay len tranh luan ve lan da phu nu
Một trong những bức ảnh gây tranh cãi về các thí sinh lọt vào vòng chung kết một cuộc thi hoa hậu ở Ấn Độ

Tranh cãi xung quanh các bức ảnh của Times of India đụng chạm đến màu da, một vấn đề nhạy cảm ở nước này, nơi cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ luôn được xem là một sự kiện văn hóa lớn. Cuộc thi đã “chắp cánh” cho sự nghiệp của nữ diễn viên Priyanka Chopra và biểu tượng Bollywood Aishwarya Rai, giúp họ mang về các danh hiệu quốc tế như Hoa hậu Thế giới.

Giáo sư Radhika Parameswaran của Trường Truyền thông Đại học Ấn Độ cho rằng danh hiệu Hoa hậu Ấn Độ thường là "bước chuẩn bị cho sân khấu sắc đẹp toàn cầu", và có một nhận thức là họ phải mô phỏng các tiêu chuẩn sắc đẹp phương Tây để giành chiến thắng. Tuy nhiên, ban tổ chức các cuộc thi Hoa hậu Ấn Độ từ chối bình luận về nhận định trên.

Việc Ấn Độ 6 lần giành vương miện Hoa hậu Thế giới có thể thuyết phục được các nhà tổ chức thi sắc đẹp bám sát sự lựa chọn của mình, nhưng bà Kavitha Emmanuel, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Women of Worth (Những phụ nữ xứng đáng) thì khẳng định, “có một niềm tin độc hại (về làn da sáng) đang trở thành một phần văn hóa của chúng ta”.

Nỗi ám ảnh dân tộc

Nỗi ám ảnh về làn da sáng thậm chí bắt đầu trước khi đứa bé chào đời. Ở một số vùng Ấn Độ, người phụ nữ nghĩ rằng thai phụ uống sữa pha nghệ có thể làm da con trắng hơn. Những người khác tránh bổ sung sắt trong thực đơn vì họ tin sắt làm cho làn da tối sẫm. Tuy nhiên, những niềm tin đơn sơ này không thịnh hành đối với người giàu và có học vấn.

Bà Emmanuel nói, “chúng ta vẫn có những quảng cáo hôn nhân trên báo cần tìm các cô dâu da sáng và thon thả”.

Vấn đề màu da chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ Ấn vì “cơ thể người phụ nữ là tài sản của họ”, trong khi giá trị tài chính của nam giới thường được coi là quan trọng hơn ngoại hình của các quý ông.

Các thương hiệu mỹ phẩm toàn cầu đã thu được lợi nhuận từ “sự bất an” trên và kiếm bộn tiền thông qua ngành công nghiệp nhiều triệu đô la các loại kem, thuốc làm trắng da và các quy trình tác động hứa hẹn làm sáng màu da.

Nhu cầu về chất làm trắng được dự đoán sẽ đạt 31 tỷ đô la vào năm 2024, tăng từ 18 tỷ đô la năm 2017, đặc biệt là ở châu Á, Trung Đông và châu Phi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng chất làm trắng da hàng ngày dao động từ 25% ở Mali đến 77% ở Nigeria và 40% ở Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy hơn một nửa trong số 1.992 đàn ông và phụ nữ Ấn Độ được khảo sát nói họ đã dùng thử sản phẩm làm trắng da và gần một nửa (44,6%) cảm thấy cần phải thử các sản phẩm như vậy sau khi xem quảng cáo trên TV.

Cuoc thi Hoa hau An Do khuay len tranh luan ve lan da phu nu
Priyanka Chopra giành vương miện Hoa hậu Thế giới khi cô 18 tuổi - Ảnh: AFP/Getty Images

GS Parameswaran cho biết di sản lâu dài của đất nước thường được coi là nguyên nhân sâu xa của vấn đề màu da, với những người thuộc nhóm đẳng cấp thấp hơn (Dalits) thường có làn da sẫm màu hơn. Nguyên nhân của vấn đề này một phần do họ là người lao động chân tay, thường xuyên phải làm việc ngoài trời và trong điều kiện kém vệ sinh.

Ngoài ra, cũng có sự khác biệt màu da liên quan đến khu vực, như miền bắc và miền nam Ấn Độ.

Cần thay đổi mô hình

Cuoc thi Hoa hau An Do khuay len tranh luan ve lan da phu nu
Nhu cầu về chất làm trắng ngày càng tăng và dự kiến đạt giá trị hơn 30 tỷ USD trong 5 năm tới - Ảnh: AFP/Getty Images

“Phản kích” lại trào lưu da trắng, bà Emmanuel đã phát động chiến dịch “Dark is Beautiful’ (đen là đẹp), bao gồm các chương trình vận động nhằm giải quyết sự thiên vị màu da. Chiến dịch này được diễn viên Bollywood nổi tiếng Nandita Das ủng hộ.

Bà Emmanuel và GS Parameswaran cho biết họ tin rằng đất nước cần một chặng đường dài để thay đổi thực sự. Bà Emmanuel khẳng định"chúng ta cần một sự thay đổi tư duy về cách chúng ta nghĩ thế nào về ngoại hình của người khác, người Ấn Độ không chỉ giới thiệu sai với thế giới về con người Ấn Độ mà còn đại diện chưa tốt cho đất nước mình”.

Thanh Vân (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI