Cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ: Để "gạo nấu thành cơm" rồi mới xử lý?

09/04/2023 - 14:47

PNO - Các hoạt động của cuộc thi Hoa hậu chuyển giới 2023 (Đại sứ Hoàn mỹ 2023) diễn ra công khai, rầm rộ nhiều tháng qua nhưng phải đến khi kết thúc mới bị cơ quan chức năng “xem xét xử lý”.

Sáng 9/4, Sở VH-TT TPHCM cho biết đang phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ các nội dung liên quan và xử lý nghiêm cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ 2023 (còn gọi là Hoa hậu chuyển giới 2023) vì tổ chức khi chưa được cấp phép.

Cuộc thi khởi động vào tháng 10/2022, đêm chung kết diễn ra vào tối 8/4/2023 tại một trường quay tại quận 12. 

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới (Đại sứ Hoàn mỹ) 2023 diễn ra vào tối 8/4 tại quận 12.
Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu chuyển giới (Đại sứ Hoàn mỹ) 2023 diễn ra vào tối 8/4 tại quận 12

Dù được tổ chức theo format là chương trình truyền hình thực tế, nhưng Đại sứ Hoàn mỹ 2023 có đầy đủ các vòng thi, tiêu chí như một cuộc thi nhan sắc: có phần thi các loại trang phục, có thi thuyết trình, có giám khảo, có bình chọn cho các thí sinh vào các top loại dần… Khán giả đến xem chung kết cuộc thi tối 8/4 phải có vé vào cổng, ban tổ chức đã phát hành vé từ nhiều ngày trước. Và, theo người sở hữu format cuộc thi là Hương Giang, thí sinh chiến thắng cuộc thi này (gọi là hoa hậu) sẽ được cử dự thi Hoa hậu chuyển giới Quốc tế, tổ chức thường niên tại Thái Lan.

Trước đó, ngày 23/2/2023, sự kiện công bố top 20 của cuộc thi, với nhiều khách mời là người nổi tiếng, giới báo chí... cũng bị dừng ngay khi sắp bắt đầu và các khách mời đều đã đến đông đủ, cũng với lý do tương tự: chưa được cấp phép.

Đáng nói, trước thời điểm bị buộc dừng hoạt động công bố top 20, cuộc thi diễn ra công khai, rầm rộ với sự tham gia và quan tâm của đông đảo người chuyển giới trên cả nước. Sau thời điểm đó, hoạt động cuộc thi lại càng rầm rộ, công khai hơn. Kể từ khi được khởi động vào tháng 10/2022, mọi diễn biến, hoạt động của Đại sứ Hoàn mỹ 2023 đều được cập nhật trên kênh YouTube của người đẹp Hương Giang và fanpage cuộc thi (có hơn 470.000 người theo dõi), thu hút sự chú ý của một lượng người không nhỏ.

Điều đó cho thấy, rất khó tin rằng, hơn 5 tháng qua cơ quan chức năng không thể nắm bắt các diễn biến của cuộc thi, để từ đó xác định hành vi vi phạm và đưa ra biện pháp xử lý, xử phạt (nếu có). Chỉ đến khi cuộc thi đã kết thúc, việc xem xét để xử lý này mới diễn ra.

Việc vào cuộc chậm trễ một lần nữa cho thấy, chức năng giám sát của cơ quan chức năng trở nên yếu kém, và công cụ pháp luật đã không còn chức năng răn đe. Bởi, trong trường hợp đơn vị tổ chức cuộc thi bị xử phạt, thì cũng gần như không còn tác dụng gì. Cuộc thi đã kết thúc, mức phạt (nếu có) cũng chẳng hề thấm vào đâu so với lợi nhuận mà nó mang lại.

Căn cứ Điều 5, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50.000.000 đồng (đối với cá nhân) và 100.000.000 đồng (đối với tổ chức). Mức phạt này chỉ là “muỗi” so với số tiền tỉ thu được cũng như hiệu ứng danh tiếng mà người tổ chức kiếm được từ cuộc thi.

Thời gian qua, tình trạng biến tướng, “lách” luật trong hoạt động tổ chức cuộc thi nhan sắc đã trở nên nổi cộm, bị dư luận lên án khá nhiều, từ "mỗi mét vuông một hoa hậu" đến những ồn ào về "tranh giành" tên gọi cuộc thi, sự phản cảm trong các phần thi để thu hút sự chú ý... 

Ngày 30/12/2022, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức từng ký văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị làm rõ hơn các khái niệm trong hoạt động tổ chức biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu để từ đó các địa phương có thể căn cứ chính xác hơn khi giám sát và xử phạt. Một trong những điều mà ông Dương Anh Đức đề cập là khi phát hiện, lực lượng kiểm tra chỉ có thể ghi nhận các vi phạm để xử phạt, không thể áp dụng biện pháp dừng chương trình, sự kiện. Đến nay, điều này càng cho thấy sự bất cập, khiến không ít các cá nhân/tổ chức ngang nhiên vi phạm, chấp nhận nộp phạt số tiền bèo bọt

Hoàng Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI