Cho đến khi cái tên Triệu Vy chỉ còn là khoảng trống trên các nền tảng, và sự việc diễn ra chỉ trong vòng vài tiếng vào tối 26/8, nhiều khán giả Trung Quốc vẫn không tin đây là sự thật. Triệu Vy - một trong bốn "Tứ đại hoa đán" (gồm Triệu Vy, Châu Tấn, Chương Tử Di, Từ Tịnh Lôi) vốn được xem là "quốc bảo" Trung Quốc - gần như là cái tên không thể "ngã ngựa".
Ngay cả khi cô và chồng bị pháp luật Trung Quốc kết luận sai phạm trong việc chuyển nhượng cổ phần bất hợp pháp, thành lập “công ty ma”, làm giả số liệu kinh doanh... vào năm 2017, bị phạt số tiền khủng, cấm tham gia thị trường chứng khoán 5 năm; hay trước đó là scandal đình đám mặc áo in hình quốc kỳ Nhật... Triệu Vy cũng chưa từng bị xóa tên.
|
Tên của Triệu Vy đã bị gỡ trên Iqiyi - nền tảng video lớn nhất Trung Quốc |
Nhưng, hiện tại, đến tài khoản fanclub của cô trên Weibo với hàng triệu người theo dõi - nơi người hâm mộ của Triệu Vy chia sẻ hình ảnh, thông tin về cô - cũng bị xóa sổ.
Và, ít ai ngờ rằng chỉ sau Triệu Vy vài giờ, nữ diễn viên Trịnh Sảng lại chính thức nhận án "phong sát" của cơ quan quản lý văn hóa Trung Quốc, vì tội trốn thuế và bị phạt số tiền hơn 1.050 tỷ đồng. Cùng với đó, giống như Triệu Vy, tên Trịnh Sảng bị xóa sạch trong các tác phẩm trên các nền tảng, thậm chí cô còn bị khóa tài khoản mạng xã hội vĩnh viễn. Dù Trịnh Sảng ngay lập tức mang số tiền được cho là bằng 4.000 năm làm việc của một nhân viên bình thường đi đóng phạt, nhưng với văn bản "phong sát" từ cơ quan quản lý văn hóa, sự nghiệp trong ngành giải trí của cô xem như chấm dứt vĩnh viễn.
Thực tế, lời kêu gọi cơ quan quản lý nhà nước Trung Quốc vào cuộc "thanh tẩy" ngành giải trí từ công chúng đã có từ đầu năm 2021, bắt đầu từ vụ việc Trịnh Sảng muốn có con với bạn trai nhưng không muốn sự nghiệp bị ảnh hưởng, nên thuê một người ở Mỹ mang thai hộ, rồi sau đó vì chia tay bạn trai mà đề nghị bỏ đi song thai ấy ở tháng thứ 7.
Nhưng, cho đến khi Ngô Diệc Phàm - một trong "tứ đại lưu lượng" của thị trường giải trí Trung Quốc - bị bắt vào tháng 7/2021 với cáo buộc cưỡng dâm trẻ vị thành niên, cuộc "thanh tẩy" này mới chính thức diễn ra.
Hàng loạt cái tên sau đó phải rút khỏi giới giải trí vì hành vi ứng xử, đạo đức gây bức xúc hoặc bị khép vào yếu tố chính trị: ca sĩ Hoắc Tôn (bị tố lừa dối khán giả, ngoại tình, sống bê tha); diễn viên Trương Triết Hạn (chụp ảnh tại đền Yasukuni, Nhật Bản - nơi thờ phụng các binh lính đã tham gia lực lượng phát xít Nhật, từng tàn sát người dân Trung Quốc trong chiến tranh); MC Tiền Phong (bị một nữ diễn viên tố cưỡng hiếp cách đây 2 năm); ca sĩ Hoàng Húc Hi (bị tố lừa tình, yêu đương cùng lúc nhiều cô gái)...
|
Trịnh Sảng và văn bản "phong sát" từ Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc. Sự nghiệp giải trí của cô xem như chấm dứt từ đây. |
Đặc biệt, nhiều nguồn tin cho rằng sắp tới sẽ có rất nhiều gương mặt đình đám của thị trường giải trí xứ Trung cùng chung số phận, khi lời khai của Ngô Diệc Phàm liên quan đến 47 cái tên khác, trong đó có người hiện đang giữ vai trò khuynh đảo nền giải trí nước này.
Trước đó, ngày 15/8, Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc đã nhấn mạnh: “Kiên quyết không tha thứ, để nghệ sĩ vi phạm pháp luật và thiếu đạo đức xuất hiện trên phương tiện truyền thông đại chúng”.
Không chỉ thế, ngày 27/8, truyền thông Trung Quốc cho biết, nhiều chương trình giải trí, nhiều giải thưởng đình đám nước này cũng sẽ bị điều tra về tính trung thực và việc có hay không sự thao túng của các bàn tay các đại gia; hay doanh số bán của các tạp chí - một trong những yếu tố để xếp hạng các "lưu lượng" (gương mặt hot) - cũng sẽ bị điều tra...
|
Ngô Diệc Phàm sẽ phải đối diện mức án hình sự không nhẹ |
Văn hóa thần tượng đang được chấn chỉnh
Thực tế, từ lâu, thị trường giải trí Trung Quốc vận hành theo hướng đại bạo, đại tàn. Rất nhiều người chỉ sau 1 đêm trở thành gương mặt được các nhãn hàng săn đón, nhờ vào lượng fan khủng. Ngược lại, vai trò của fan trong môi trường này cũng không chỉ dừng ở người hâm mộ đơn thuần, mà góp phần đẩy độ hot của thần tượng, thậm chí chi phối hoạt động của thần tượng.
Ngày 23/8, cộng đồng fan của diễn viên Trương Lệ Dĩnh đã khiến mạng xã hội Trung Quốc một phen điên đảo, chỉ vì lý do không đồng ý cho thần tượng của mình đóng cùng diễn viên Vương Nhất Bác trong một dự án sắp tới, cho rằng nam diễn viên kia... không xứng.
Cuộc chiến giữa fan của 2 diễn viên đã khiến đơn vị quản lý Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc - phải thực thi điều chưa từng có tiền lệ: khóa tài khoản của công ty Triệu Lệ Dĩnh 15 ngày. Đến ngày 27/8, tài khoản Weibo của Triệu Lệ Dĩnh cũng bị khóa nốt, với lý do nữ diễn viên đã chậm chạp trong việc chấn chỉnh fan của mình ứng xử có văn hóa. Cùng đó, tài khoản của các "đại fan" (được tính từ hàng triệu người theo dõi trở lên) của Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác cũng bị xóa sổ.
Trước đó, để bình chọn cho thần tượng trong Thanh xuân có bạn mùa 3, nhiều khán giả đã mua đến hàng trăm ngàn hộp sữa, thuê người đổ xuống cống để lấy mã bình chọn bên trong. Sự việc khiến dư luận xôn xao, cơ quan quản lý phải vào cuộc, buộc chương trình dừng ghi hình, phát sóng.
Vụ việc người hâm mộ quyên góp 65.000 NDT để ủng hộ cho Dư Cảnh Thiên, nhưng chưa đủ mục tiêu 110.000 NDT được đưa ra nên người quản lý buộc họ phải đóng đủ hoặc bù đắp bằng một hoạt động nào đó để ủng hộ thần tượng, cũng khiến dư luận tức giận.
|
Văn hóa thần tượng cũng đang được cơ quan quản lý chấn chỉnh |
Đến khi Ngô Diệc Phàm bị bắt, một lượng lớn người hâm mộ gào thét ở các diễn đàn, thậm chí kéo đến nơi đang giam giữ nam diễn viên, thì sự việc gần như đã đi quá ngưỡng. Ngày 2/8, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đưa ra công văn nhấn mạnh: “Cần phải hạn chế việc tôn thờ người nổi tiếng quá đà bằng cách hủy bỏ những cách thức khuyến khích khán giả bỏ nhiều tiền ủng hộ, thay đổi lại quy tắc cạnh tranh và quản lý các nhóm fan cẩn thận hơn”.
Hiện tại, các bảng xếp hạng về độ hot của nghệ sĩ trên các nền tảng mạng xã hội lớn đã bị hủy bỏ, nhằm tránh việc fan đổ xô bầu chọn, lập chủ đề... cho thần tượng của mình, từ đó tạo ra giá trị ảo.
Hôm 17/8, tờ Nhân dân nhật báo đưa tin Trung Quốc đã đóng hơn 4.000 tài khoản mạng xã hội bất hợp pháp, xóa hơn 150.000 mẩu tin tức bị xem là tiêu cực và độc hại, cũng như đóng cửa nhiều nhóm và chủ đề tranh luận trên mạng trong chiến dịch chấn chỉnh hành vi của người hâm mộ trên mạng xã hội. Đồng thời, bài báo cũng đề cập đến việc cơ quan quản lý cần củng cố quy định và thành lập các cơ chế dài hạn, từ đó trừng phạt các đối tượng vượt quá giới hạn và những ai theo đuổi lợi nhuận bất chính.
Dường như, đã đến lúc cơ quan quản lý văn hóa Trung Quốc muốn xóa bỏ đi những giá trị ảo vẫn đang chi phối mạnh mẽ nền giải trí nước này, bất kể đó là ai, "quốc bảo" đến mức nào.
Trung Sơn