Ly hôn vốn vẫn thường mang trong nó sự đổ vỡ, luyến tiếc và cả đau đớn, tuyệt vọng, gắn với những vết thương không bao giờ lành, những đứa con bị cho là khiếm khuyết tình yêu thương và được dự đoán tương lai lớn lên sẽ “khó nên người”.
Do đó, những người ba, người mẹ thường được khuyên cố gắng duy trì hôn nhân cho con có gia đình, cho dù cuộc hôn nhân ấy không còn hạnh phúc. Nhưng nếu gia đình đã không còn là gia đình hạnh phúc đúng nghĩa nữa thì cố gắng vì điều gì?
2 người yêu nhau và nguyện cùng nhau xây dựng một gia đình, cùng nhau chăm sóc những đứa con, đồng thời cùng nhau tận hưởng không khí ấm áp, vui vẻ, từ cái chung đó mà ngược lại nuôi dưỡng bản thân để vợ và chồng có động lực sống, lao động và đóng góp cho xã hội.
|
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, mà chung quy lại cũng chỉ vì lý do duy nhất là hết tình cảm với người bạn đời, nên mọi thứ trở nên khập khiễng, cố chấp, người kia có làm gì đi nữa cũng không vừa mắt, không tạo vui vẻ, hứng thú trong mắt người nọ.
Cuộc sống hôn nhân chỉ còn là tờ giấy đăng ký cùng với định kiến xã hội và hình ảnh gia đình khuôn mẫu trở thành giới hạn của hạnh phúc. Có tình yêu thì gia đình là hạnh phúc, mất đi tình yêu thương, sự thấu hiểu thì nó thành nơi giam hãm con người trong bất hạnh. Những đứa con như những cái cây, nếu được nuôi dưỡng bởi những cuộc cãi vã, miệt thị, những cái nhìn sắc lạnh và được tưới tắm bằng những lạnh nhạt, nước mắt, liệu rồi lớn lên có hạnh phúc?
Ly hôn thường không phải là quyết định của 1 người. Dù ai sai, ai đúng, ai đứng đơn… đều là lỗi của cả 2. Vì vội vàng kết hôn khi chưa tìm hiểu kỹ, vội vàng kết hôn khi tình yêu chưa chín, vì muôn vàn lý do khác; hay trong cuộc hôn nhân đó, anh ngoại tình, tôi cờ bạc, vì tôi hỗn hay vì anh không giàu có, lãng mạn… nên tình yêu - thứ duy nhất làm nên gia đình - ngay từ đầu đã lỏng lẻo, không đủ sức để vợ chồng cùng nhau trải qua sóng gió cuộc đời.
Thế là ly hôn, tôi một nơi, anh một nẻo, những đứa con hoặc là thiếu ba hoặc là thiếu mẹ hoặc là bị bỏ rơi nên thiếu cả 2. Những đứa trẻ không có lỗi.
Tôi không cổ xúy ly hôn, nhưng tôi tin người trong cuộc, khi nhận ra được vấn đề, họ chia tay trong hòa bình, không cãi vã, nói xấu, mạt sát, không cấm cản hay chia tách trách nhiệm chăm sóc con chung… Họ cố gắng không đem đến cho con cái thêm bất cứ tổn thương nào khác. Họ cùng nhau tìm cách bù đắp cho con song song cuộc sống hạnh phúc riêng của bản thân.
Thực sự, những đứa trẻ trong hoàn cảnh có ba mẹ ly hôn phần lớn đều “lớn trước tuổi”, chúng “hiểu chuyện” một cách đau lòng. Những người cha người mẹ sau ly hôn bỏ rơi con mới đáng trách, còn những người tự do sau ly hôn hòa bình, xem nhau là cha của con mình, mẹ của con mình, rồi cùng nuôi con, giáo dục con và đồng thời sắp xếp được cuộc sống lẫn hạnh phúc vẫn đáng khen.
Bạn tôi ly hôn. 5 năm trước tôi cũng như cô ấy, khi cuộc sống và sự nghiệp đang ở đỉnh cao, chúng tôi lựa chọn ly hôn. Chúng tôi đều được đánh giá là xinh đẹp, giỏi giang. Chúng tôi cũng yếu đuối, nhưng chúng tôi biết mình cần gì và có thể làm được những gì.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Những phụ nữ và cả đàn ông sau ly hôn có thể trải qua những khoảng thời gian tủi thân tột cùng, thậm chí rơi vào trầm cảm, đau lòng tê tái khi con trách móc, giận ba mẹ đã không hy sinh để cho con một gia đình. Nhưng tôi hy vọng và chắc chắn rằng, khi những đứa trẻ lớn lên, chúng hiểu về tình yêu và hạnh phúc, chúng sẽ biết thà ở trong căn nhà bình thường, vật dụng vừa đủ, quần áo đủ ấm, bữa cơm đơn giản kèm theo những tiếng cười, sự hạnh phúc, vui vẻ còn hơn ở trong những cái vỏ bọc gia đình toàn vẹn nhưng không tìm thấy những câu nói dịu dàng, ánh mắt trìu mến, nụ cười vui vẻ…
Những đứa trẻ, từ thời thơ ấu được nuôi nấng bằng nguồn mạch hạnh phúc, khi lớn lên chúng sẽ biết hạnh phúc là gì. Những đứa trẻ được tưới đẫm những cau có, la hét và bất hạnh, lớn lên, chúng sẽ nhầm tưởng cuộc sống vốn dĩ là như thế.
Phụ nữ thường mong manh, cần được yêu thương và che chở. Khi không ai mang đến cho họ điều đó, họ phải mạnh mẽ để tìm và giữ lấy hạnh phúc của mình và các con.
Đối với xã hội còn định kiến, có lẽ ly hôn là bất hạnh và đáng thương hại, thậm chí bị lên án ở đâu đó. Thầm kín và sâu xa, những người trong cuộc cũng có cảm nhận như vậy. Thật ác độc nếu ai đó nghĩ, đó là những người đàn bà, đàn ông hư hỏng và đi ngược lại khuôn mẫu xã hội.
Điều đó không đáng, vì ai cũng chỉ có một đời để sống và đơn giản là những người ly hôn, dù nguyên đơn hay bị đơn thì vẫn ngấm ngầm thực hiện một cuộc thanh lọc hạnh phúc mà thôi.
Dương Khả