Cước taxi bắt đầu giảm 500đ/km

09/09/2015 - 19:02

PNO - Ngày 9/9, cước taxi giảm giá 500đ/km. Dù cơ quan chức năng yêu cầu DN điều chỉnh cước vận tải phù hợp. Nhưng người tiêu dùng vẫn bị “móc túi”.

Hôm nay, ngày 9/9, cước taxi giảm giá 500đ/km, các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách đường dài cũng có động thái đăng ký lại theo hướng giảm từ 4-10% giá vé. Dù cơ quan chức năng liên tục yêu cầu DN điều chỉnh cước vận tải phù hợp, tuy nhiên, người tiêu dùng (NTD) vẫn bị “móc túi”.

Cuoc taxi bat dau giam 500d/km
Cước taxi bắt đầu giảm giá 500đ/km - Ảnh nguồn Internet

Do... cài đồng hồ không kịp?

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam, trong năm nay kể từ khi lập đỉnh 20.711đ/lít vào ngày 19/6/2015, giá xăng dầu giảm năm lần liên tiếp, nhưng giá cước vận tải hầu như không nhúc nhích.

Trước đó, từ ngày 28/7/2014-21/1/2015, sau 14 lần liên tục giảm giá xăng, với tỷ lệ gần 39%, lẽ ra giá cước vận tải cũng phải giảm tương ứng thì mới bảo đảm công bằng đối với NTD. Tuy nhiên giá cước vận tải vẫn “án binh bất động”.

Trước sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan nhà nước, sự lên tiếng mạnh mẽ của truyền thông, báo chí, NTD, đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô đã có động thái điều chỉnh.

Lý giải cho sự chậm trễ giảm giá cước, các hãng vận tải cho biết, khi giá xăng dầu tăng, cước taxi không tăng nên khi giá xăng dầu giảm thì cước taxi chưa thể giảm; việc cài lại đồng hồ phức tạp, tốn kém; bổ sung dịch vụ để bù vào; cần chờ đúng quy trình, chờ thời gian để tính toán…

Ông Hùng cho rằng, cách giải thích này thiếu sức thuyết phục, bởi trên thực tế rất ít trường hợp xăng dầu tăng giá nhưng giá cước không tăng và tại sao khi giá cước tăng, việc cài đồng hồ lại rất kịp thời mà không ngại phức tạp, tốn kém.

Cụ thể, cuối tháng 6/2013, sau khi giá xăng tăng hai lần với tổng mức tăng 780đ/lít, các DN vận tải đã phản ứng rất nhanh trong việc điều chỉnh tăng giá cước (ngày 28/6 giá xăng tăng thì đến ngày 1/7 đã có thông tin các hãng taxi sẽ tăng giá).

Việc chi phí đầu vào giảm nhưng giá cước không giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NTD. Đã vậy, NTD còn bị thiệt kép khi cả những mặt hàng liên quan khác cũng vịn vào việc giá cước vận tải để “neo giá”.

Tại TP.HCM, mới đây Sở Giao thông-vận tải (GTVT) TP.HCM đã có văn bản đề nghị các DN kinh doanh taxi và kinh doanh vận tải tuyến cố định xem xét điều chỉnh giảm giá cước, đồng thời đăng ký, kê khai giá cước.

Ngay lập tức các DN có động thái giảm cước như đã nói trên. Các DN vận tải hành khách đường dài cũng có động thái đăng ký lại giá theo hướng giảm từ 4-10% giá vé.

Định giá bất hợp lý

Theo tính toán của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, ở thời điểm trước ngày 4/7/2015, giá xăng đã giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17,23%, thì giá cước vận tải sẽ phải giảm khoảng 4,1-5,7% tùy loại xe đối với xe chạy xăng.

Như tại TP.HCM, nếu cước taxi khoảng 14.500- 15.500đ/km thì sẽ giảm khoảng 591-884đ/km. Còn với xe chạy dầu, giá cước sẽ giảm khoảng 6-7,75%, tùy loại xe. Hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải đang bị thiệt hại.

Có nhiều quan điểm cho rằng giá cước vận tải đã được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, cần để thị trường quyết định và để các DN cạnh tranh với nhau về giá. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào việc định giá của DN.

Tuy nhiên, ông Thỏa cho rằng, cơ chế thị trường ấy không đồng nghĩa DN “muốn làm gì cũng được”, tách rời sự điều tiết của Nhà nước. Đối với giá cước vận tải, Nhà nước không điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính mà chỉ điều tiết bằng cơ chế, bằng nguyên tắc và vẫn tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của DN.

Nếu DN tự giác vận hành theo cơ chế, nguyên tắc đó thì Nhà nước cũng không cần phải nhắc nhở hoặc kiểm tra, kiểm soát và không cần phải can thiệp. Nhưng DN đã không tuân thủ thì Nhà nước phải can thiệp theo quy định của pháp luật để bình ổn thị trường.

Tại buổi tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi NTD” nhằm tìm ra giải pháp giúp giảm giá cước vận tải một cách bền vững diễn ra ngày 8/9 do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam tổ chức, ông Thỏa kiến nghị, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trung ương với Sở GTVT, Sở Tài chính, Cục Thuế ở các địa phương trong việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định.

Buộc các hãng xe nộp vào ngân sách nhà nước số tiền có được do định giá bất hợp lý. Đây có lẽ là cách hữu hiệu nhất để hạn chế sự “lệch pha” giữa giá xăng dầu và giá cước vận tải.

Ca Hảo - Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI