Cuộc tao ngộ của chữ

14/11/2020 - 18:19

PNO - Sư ông Thích Phước An (ẩn cư đồi Trại Thủy, thành phố Nha Trang) đã xuất bản hai cuốn sách "Đức Phật trên cõi phù du" (2012) và "Đường về núi cũ chùa xưa" (2018). Phanbook vừa in cuốn sách thứ ba của ông: "Hiu hắt bến cỏ hồng" (nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành).

Tựa sách là một câu thơ trong thi phẩm Ngày sanh của rắn của nhà thơ Phạm Công Thiện (cũng là một nhân vật được viết trong sách). Trong lời thưa với bạn đọc, sư ông Thích Phước An viết: “Quê hương không chỉ là quê hương đất nước tôi đang sống mà còn là quê hương tâm linh tôi đã lên đường tìm kiếm từ thuở tóc còn để chỏm”.

Hành trình tìm đến “ngôi chùa trong tâm tưởng” của sư ông Thích Phước An bắt đầu từ thập niên 1960 của thế kỷ trước. Từ lúc tám, chín tuổi, ông đã thường chơi trong ngôi chùa nằm ngay dưới chân núi sau làng. Trụ trì cũng chính là chú ruột của ông. Tuổi thơ ấy ảnh hưởng sâu sắc đến sự lựa chọn đường đời và những trang viết của vị ẩn sĩ sau này. Như cách ông viết: “Hình như Gandhi đã nói đâu đó rằng, những gì mà tuổi thơ ta đã sống sẽ điều động ta suốt một đời”.

Trong cái tịch mịch của “núi cũ chùa xưa” và cả những đêm dài của lòng người, người ẩn sĩ đã viết về thi văn nghiệp của những người tài hoa cũ nhưng cũng là cách gián tiếp tỏ bày tâm - quang của chính mình. 

Trong tác phẩm nghiên cứu Những mái lều ẩn cư trong văn chương Đông Á (in năm 2013), giáo sư - tiến sĩ Phan Thị Thu đọc văn chương mà phác thảo được “văn hóa thảo am” của các bậc ẩn sĩ. Thì Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng cũng như một tự sự của sư ông Thích Phước An về “không gian tâm linh” của chính mình. Người đọc như được tác giả dẫn lối về nơi chốn một thời từng là thâm sơn cùng cốc, hoang vu đến mức đêm nằm trong chùa nghe cả tiếng hổ gầm.

Trong những ghi chép ấy, ta thấy cả một “cuộc thế vần xoay”, những thâm tình và ân tình… Sư thầy Thích Phước An chia sẻ rằng, ông viết Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng với mục đích giản dị chỉ là “ghi lại những năm tháng mà tuổi trẻ tôi đã may mắn được gần gũi và nhất là được chia sẻ một chút vui buồn trên hành trình đi tìm cái đẹp của những bậc tài hoa”. Ở đó, thi ca như mạch nguồn cảm xúc chảy tràn mênh mang từ Thi ca Huyền không với tuổi thơ học đạo, Quách Tấn - nhà thơ của núi cũ chùa xưa đến Bùi Giáng và tuổi trẻ lang thang trên hè phố Sài Gòn, Những ngày xuân hoang vu của Nguyễn Đức Sơn, Thơ Tuệ Sỹ hay là tiếng gọi của những đêm dài heo hút, Hoài Khanh - người thi sĩ đi tìm cội nguồn của một dòng sông, Buổi chiều qua sông Ngân nhớ Võ Hồng…

“Những con người sáng tạo đều cô đơn vì họ đã dành quá nhiều tình thương và ước mơ cho con người và cuộc đời nhưng đau đớn thay, cả con người và cuộc đời đều không hiểu họ nên họ đành phải ôm nỗi cô độc đó gửi vào trong các sáng tác của mình” là lời dành cho cố nhà văn Võ Hồng, một nhà văn mang theo nỗi “cô đơn uy nghi” đến phút cuối đời.

Nhưng có lẽ, đó cũng là lời thấu hiểu dành cho những con người giữa những thời cuộc vẫn mãi đi tìm chân thiện mỹ - mộng và thực, dẫu trong vinh nhục hay vàng son. Một sự thấu hiểu và viết nên trang sách dẫu có muộn màng với những người đã khuất nhưng là món quà dành cho người đọc thế hệ sau. Trong những trang sách có một chân trời của vô lượng và bình an, những điều tưởng chừng man mác xa xôi mà thật ra cũng lại rất gần - về một cội nguồn nhân tâm trong tâm tưởng của mỗi người. 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI