Cuộc sống u buồn của những đứa trẻ cô đơn ở Trung Quốc

31/07/2017 - 06:35

PNO - Những đứa trẻ bị bỏ lại phải làm lụng vất vả trên đồng hay chiến đấu vì miếng cơm manh áo. Dường như giấc mơ về vòng tay yêu thương của cha mẹ là quá xa vời.

Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, hiện có khoảng 10 triệu trẻ em bị bỏ lại ở khu vực nông thôn, không có sự chăm sóc hàng ngày từ cha mẹ. Nhưng theo các chuyên gia, con số này trên thực tế có thể cao gấp sáu lần.

Cuoc song u buon cua nhung dua tre co don o Trung Quoc
Bốn anh chị em nhà Luo, từ phải sang: Luo Gan, Luo Hongniu, Luo Lie, và Luo Hongni.

Không chỉ vậy, số trẻ em này còn phải lớn trước tuổi để tự nuôi bản thân và hỗ trợ tài chính cho gia đình.

Giống như hàng triệu trẻ em Trung Quốc khác, bốn anh chị em nhà Luo đang được nuôi dạy bởi ông bà ở vùng nông thôn Trung Quốc, còn cha mẹ chúng bận đi tìm việc làm ở khu vực thành thị.

Vì vậy ngay từ nhỏ, cả bốn đứa trẻ đều phải tự mình gánh vác việc nhà và trợ giúp ông bà trong việc đồng áng.

Cuoc song u buon cua nhung dua tre co don o Trung Quoc
Cậu em út 5 tuổi theo chị ra đồng hái hoa rau về làm đồ ăn

Hằng ngày, Luo Hongni (11 tuổi) ra ruộng hái rau về ăn, cậu em út Luo Lie (5 tuổi) cũng đi theo cố gắng phụ giúp chị cả một tay.

Người em trai Luo Gan (10 tuổi) thì giúp ông chăn dắt đàn bò của gia đình, trong khi em gái Luo Hongniu (8 tuổi) lo giặt giũ quần áo.

Cả bốn chị em hiện đang học tại ngôi trường làng cũ kỹ và thiếu thốn vật chất. Hầu hết những học sinh ở đây đều đang sống nhờ ông bà hoặc họ hàng.

Cuoc song u buon cua nhung dua tre co don o Trung Quoc
Người anh trai Luo Gan thì phụ ông chăn thả đàn gia súc.
Cuoc song u buon cua nhung dua tre co don o Trung Quoc
Những ngôi trường tại vùng nông thôn thiếu thốn vật chất trầm trọng.

Các trường học tại địa phương, tổ chức giáo dục và các tổ chức từ thiện cộng đồng thường cố gắng lấp đầy khoảng trống này.

Tuy nhiên, thiếu sự chăm bẵm của cha mẹ dần tạo ra một thế hệ những đứa trẻ cô đơn, học tập kém hiệu quả và trầm cảm.

Việc đến sống cùng bố mẹ ở thành phố thường không khả thi, bởi hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khoẻ công cộng tại Trung Quốc buộc đứa trẻ phải đi đúng “tuyến”, quanh khu vực nơi đứa trẻ được sinh ra và lớn lên.

Cuoc song u buon cua nhung dua tre co don o Trung Quoc
Nhưng bốn anh chị em nhà Luo vẫn còn may mắn vì vẫn còn có một mái ấm và tình thương của ông bà.

Tuy khổ cực, cuộc sống của bốn anh chị em nhà Luo xem chừng vẫn còn chút ấm áp từ tình thương của ông bà, chứ chẳng như một trường hợp thương tâm xảy ra vào giữa năm 2015, khiến dư luận Trung Quốc bàng hoàng.

Trong phút nông nổi, bốn anh chị em trong một gia đình tại tỉnh Quý Châu, tuổi từ 5 đến 13, đã cùng nhau uống thuốc trừ sâu tự sát.

Trước đó, vì gia đình quá nghèo, các em phải nghỉ học để kiếm sống, còn cha mẹ rời nhà đến nơi khác tìm việc.

Gân đây hơn, vào trung tuần tháng 7/2017, một đoạn video về câu lạc bộ chiến đấu dành cho trẻ em ở tỉnh Tứ Xuyên, lại khiến mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng.

Cuoc song u buon cua nhung dua tre co don o Trung Quoc
Đoạn video về câu lạc bộ chiến đấu thu hút hơn 20 triệu lượt xem chỉ trong vòng vài ngày.

Đoạn phim tài liệu ngắn từ Pear Video giới thiệu Câu lạc bộ Enbo Fight ở thành phố Thành Đô, nơi tập luyện bộ môn võ tổng hợp (MMA) của hơn 400 chiến binh trẻ.

Đoạn video cho thấy hai cậu bé 12 tuổi đang chiến đấu trong lồng sắt, bao quanh là đám đông người “hâm mộ”.

Huấn luyện viên nói rằng câu lạc bộ chịu trách nhiệm quản lý số tiền mà những đứa trẻ nhận về từ các trận đấu.

Trong một cuộc phỏng vấn, người sáng lập câu lạc bộ cho biết rằng danh sách trẻ em mồ côi và “bị bỏ lại” đều do chính Văn phòng sở Nội vụ địa phương cung cấp. 

Những trẻ em không đáp ứng tiêu chuẩn của câu lạc bộ sẽ được gửi trở lại trung tâm chăm sóc của nhà nước.

Cuoc song u buon cua nhung dua tre co don o Trung Quoc
Nhưng với các "chiến binh" nhỏ tuổi, đây là cách dễ dàng nhất để sống và kiếm tiền.

Một “chiến binh” nhỏ tuổi cho biết tại câu lạc bộ, các em có tất cả những gì cần thiết như thức ăn, quần áo, nơi nghỉ ngơi; còn nếu về nhà, một công việc lao động nặng nhọc là lựa chọn duy nhất.

Vừa qua, Tổ chức phi chính phủ On the Road to School tại Bắc Kinh đã tiến hành khảo sát 15.000 trẻ em ở vùng nông thôn Trung Quốc; tất cả đều đang sống nhờ người thân hoặc hàng xóm, và có cha mẹ rời quê thành thị để tìm kiếm việc làm.

Họ phát hiện ra rằng 11,4% số trẻ được hỏi cho biết cha hoặc mẹ của chúng đã chết. Điều này trái ngược với tỷ lệ tử vong hằng năm của Trung Quốc, vốn chỉ vào khoảng 0,7%.

Cuoc song u buon cua nhung dua tre co don o Trung Quoc
Theo ước tính, số trẻ em bị cha mẹ bỏ lại để lên thành phố làm việc tại Trung Quốc có thể xấp xỉ 60 triệu.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng phần lớn số trẻ em này đều gặp khó khăn trong học tập, với hơn 45% bị bạn bè bắt nạt ở trường.

Ông Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, nói: “Kết quả phản ánh rằng hàng triệu trẻ em đang rất tuyệt vọng do thiếu vắng tình thương của cha mẹ, và mối quan hệ gia đình dần trở nên xa cách”.

Bảo Tùng (Theo SCMP, BBC, NY Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI