Cuộc sống trong lồng

17/07/2021 - 17:33

PNO - Tôi được đánh thức bởi tiếng chim ríu rít bên cửa sổ. Đó là ngày thứ năm, thành phố phải cách ly để chống dịch COVID-19.

Những ngày này, do ở lâu trong nhà, ai cũng thèm nghe thanh âm của cuộc sống trước đây. Và tiếng chim trong buổi sáng đẹp trời nơi phố vắng bỗng dưng có tác dụng như một liều thuốc an thần.

Trước đây, nếu muốn nghe những tiếng chim hay, có thể tìm đến quán “cà phê chim” bên góc Công viên Văn hóa Tao Đàn (Q.1, TPHCM). Sáng nào cũng vậy, người ta mang đủ các loài chim quý về đây tụ hội. Khách Tây đi ngang thấy lạ cũng hay ghé vào chụp ảnh, nhưng ít thấy ai nán lại để thưởng thức tiếng chim kêu.

Tôi để ý thấy một hình ảnh khá tương phản ở công viên này. Khác với chỗ quán cà phê với lượng người tập trung đông nghẹt để chờ nghe những con chim trong lồng cất tiếng, bên trong công viên thường có một nhóm lặng lẽ săn ảnh chim trời. Họ ngụy trang kín đáo và di chuyển rất nhẹ nhàng vì sợ tiếng động sẽ làm chim bay đi và có thể chúng sẽ không còn quay trở lại. 

Sự thật là ở Công viên Tao Đàn, từng có nhiều loài chim quý hiếm xuất hiện như hồng hoàng, cao cát hay những loài chim tuyệt đẹp như chim hút mật, chim thiên đường… nhưng rồi chúng biến mất lúc nào không hay. Những loài chim bình thường như chim sẻ, sáo nâu, cu đất cũng không còn nhiều như trước.

Ngược lại, trên đường phố, hầu như chỗ nào cũng có thể bắt gặp người bán dạo với hàng chục chiếc lồng nhốt chim chật cứng, những cửa hàng bán chim với số lượng đếm không xuể. Kết quả khảo sát của Tổ chức TRAFFIC - mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã - được công bố vào năm 2017 cho thấy, chỉ trong vòng ba ngày, đơn vị này đã ghi nhận hơn 8.000 cá thể chim thuộc 115 loài khác nhau được rao bán tại TPHCM và TP. Hà Nội, trong đó có 90% cá thể nằm trong số những loài chưa thuộc nhóm được pháp luật Việt Nam bảo vệ. 

Bà Sarah Ferguson - Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam - nói rằng giờ đây, chúng ta nhìn thấy chim trong lồng còn nhiều hơn ở trên cây, thậm chí nghe chim hót ở các cuộc thi còn nhiều hơn nghe tiếng kêu của chúng ở trong rừng. Nhu cầu nuôi chim cảnh ở Việt Nam thật sự đã và đang đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài chim hoang dã.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về mối quan hệ giữa các loài động vật hoang dã (ĐVHD) với dịch bệnh và kêu gọi các quốc gia phải xử lý quyết liệt vấn nạn săn bắt, nuôi nhốt các loài. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát thực trạng này. Song, theo báo cáo có tên “Chưa lối thoát: Nạn buôn bán ĐVHD trước và trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) công bố vào cuối tháng 6/2021, qua khảo sát tại 20 tỉnh, thành trong hai năm 2019-2020, tình trạng buôn bán các loài ĐVHD vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

“Rất nhiều dịch bệnh trong quá khứ đã được chứng minh là do lây nhiễm từ ĐVHD. Chính hoạt động buôn bán, vận chuyển, sử dụng bất hợp pháp các loài này đã tạo điều kiện cho việc phát tán, lây lan các loại virus nguy hiểm” - ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature, bày tỏ lo ngại và hy vọng Việt Nam sẽ có những điều luật mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn nạn nuôi nhốt và tận diệt các loài động vật.

Nhiều người nói rằng, cuộc sống trong những ngày cách ly chống dịch COVID-19 chẳng khác nào như bị nhốt trong lồng. Chỉ bị “nhốt” vài ngày, ta đã cảm thấy bức bối, tù túng, bứt rứt, sao ta lại thản nhiên nhốt loài khác hết năm này qua tháng nọ trong những chiếc lồng chật chội? Để rồi giờ đây một cơn đại dịch bùng phát bắt nguồn từ loài động vật hoang dã bị nhốt hay bị ăn thịt đã nhốt chúng ta vào trong lồng.

Nếu dịch bệnh không làm ta thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên, với muôn loài thì tương lai có thể sẽ có những thảm kịch còn đau lòng hơn thế. 

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI