Cuộc sống ở những nơi không có COVID-19

14/01/2021 - 19:54

PNO - Với tốc độ lây truyền dường như ở khắp toàn cầu, vẫn còn những nơi mà COVID-19 chưa tìm đến và có thể là không bao giờ đến được.

Dù không phải đối diện với bệnh COVID-19 nhưng cuộc sống người dân những nơi này cũng bị ảnh hưởng không ít
Dù không phải đối diện với bệnh COVID-19 nhưng cuộc sống người dân những nơi này cũng bị ảnh hưởng không ít

Điều thú vị là người dân ở những nơi này không cần mang khẩu trang hoặc chào nhau bằng cách chạm khuỷu tay, cũng không có mã QR để theo dõi sức khỏe. Đó là một số ít các quốc gia còn lại trên toàn cầu, phần lớn là các hòn đảo xa bờ. Nhưng dù vi-rút chưa tấn công, những nơi này vẫn bị ảnh hưởng không ít.

Những nơi chưa có bóng dáng COVID-19 

Thái Bình Dương là nơi có cụm các quốc gia không có COVID-19 lớn nhất thế giới. Ở quần đảo Cook, vi-rút SARS-CoV-2 là “bóng ma không bao giờ xuất hiện”.

Trong những tháng đầu bùng phát dịch bệnh, các trường học trên hòn đảo Rarotonga đông dân nhất quần đảo Cook bị đóng cửa và người dân được khuyến khích giãn cách xã hội. Nhưng ở một đất nước chỉ có 22 bác sĩ và 2 máy thở cho dân số 17.500 người, nhiều người đã phải sống trong lo sợ về một đợt bùng phát không được kiểm soát.

Ông Glenda Tuaine - cư dân đảo này - cho biết: “Cho dù chúng tôi đã chuẩn bị như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải sống trong một thế giới đang đối mặt với dịch bệnh. May mắn là chúng tôi đang ở một nơi an toàn và không có tàn phá nào của COVID-19”.

Du lịch đóng góp hơn 2/3 tổng sản phẩm quốc nội của quần đảo Cook. Vì vậy, khi chính phủ đóng cửa biên giới với khách du lịch quốc tế vào giữa tháng Ba, tác động của nó thể hiện nhanh chóng và rõ rệt. Thủ tướng của quần đảo Cook - ông Mark Brown - nói: “Việc đóng cửa biên giới đã đánh thẳng vào túi tiền người dân”. Thế nhưng, bất chấp khó khăn, ông Mark Brown cho biết, tinh thần cộng đồng đã xuất hiện: “Mọi người chăm sóc, quan tâm lẫn nhau và chia sẻ thức ăn mà họ có được. Sức sáng tạo, đoàn kết của nhân dân đã xuất hiện để đối phó với những khó khăn”. 

Trên khắp Thái Bình Dương, về cơ bản, kiên quyết đóng cửa biên giới là biện pháp bắt buộc để ngăn chặn vi-rút. Tonga đã ngăn chặn hầu hết mọi hoạt động di chuyển trong và ngoài vương quốc và đã tránh được vi-rút. Kiribati, Niue, Nauru và Tuvalu cũng vậy.

Hậu quả vẫn tàn khốc

Dù không phải đối diện với dịch bệnh nhưng cuộc sống của người dân những nơi này cũng bị ảnh hưởng không ít. Việc cô lập cưỡng bức giúp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh nhưng những hậu quả của nó cũng quá rõ ràng. Quy định đóng cửa biên giới, ngừng mọi hoạt động đã tàn phá các nền kinh tế trên Thái Bình Dương, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Điển hình là vùng Polynesia đã tái mở cửa biên giới và bỏ kiểm dịch vào tháng Bảy nhằm phục hồi nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch. Vào giai đoạn đó, Polynesia chỉ có 62 trường hợp nhiễm nhưng hiện đã có hơn 15.000 người nhiễm và 91 trường hợp tử vong. 

Nền kinh tế của Fiji giảm hơn 20% vào năm 2020 và hàng ngàn người đã bỏ việc trong lĩnh vực du lịch để trở về làm nông. Ở một số vùng của Papua New Guinea, người dân đã quay trở lại sử dụng tiền vỏ sò và thực hiện phương thức hàng đổi hàng làm nền tảng kinh tế chính. Trên khắp nước này, hơn một nửa (52%) các gia đình đã cho trẻ em nghỉ học do không đủ khả năng trả phí. Còn ở quần đảo Solomon lân cận, nơi chỉ có 17 trường hợp nhiễm vi-rút, 57% tổng số gia đình được khảo sát đang ăn ít hơn do thu nhập giảm. 

Ở Koror - thành phố lớn nhất trong quần đảo Palau, phía tây Thái Bình Dương - việc không còn COVID-19 sau một năm được coi là may mắn, nhờ quyết định sớm đóng cửa biên giới. Quốc gia này thậm chí đã nhận được 2.800 liều vắc-xin Moderna và có tham vọng tiêm chủng cho toàn dân vào giữa năm nay. “Nó chắc chắn khiến tôi đánh giá cao”.

Semdiu Decherong, một nhân viên chính phủ, cho biết người dân quê mình vẫn lo sợ một ngày đất nước bị đóng cửa lần thứ hai. “Tôi đã có một bức tranh sống động về hoàn cảnh mà mọi người phải đối mặt trong nhiều tháng nay. Ở đây, luôn có nỗi sợ rằng có thể sẽ có một trường hợp nhiễm mới và mọi thứ lại bị khóa. Sống trên một hòn đảo xinh đẹp là rất tuyệt, nhưng sẽ tốt hơn nếu thỉnh thoảng được đi xa hơn, ra khỏi quốc gia mình” - anh nói. 

Thảo Nguyễn (theo AP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI