Chị ngồi lọt thỏm giữa đống báo cũ, miệng cười rất tươi, giọng nói giòn và chân thành: “Tôi còn khỏe nên phải làm việc, làm việc mới vui, mới thấy cuộc sống ý nghĩa”.
Nhìn cơ ngơi của chị Nguyễn Thị Hằng (ấp 2A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) ban đầu tôi nghĩ chị chẳng cần làm nữa, nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng qua chia sẻ của chị, tôi đã hiểu. Công việc mấy chục năm nay của chị Hằng vẫn là thu mua sách báo cũ.
Chị Hằng kể, năm 1979, cuộc sống ở Bến Tre quá khó khăn. Từ biệt quê hương, mẹ dắt chị lên TP.HCM mưu sinh. Ngày đó, ông ngoại chị bán một giạ lúa làm lộ phí cho hai mẹ con. Lên đến thành phố, họ chỉ còn đúng 500 đồng. Mẹ chị dùng số tiền còn lại sắm một đôi gánh, bắt đầu đi mua ve chai. Sáng sớm không cơm nước gì, hai mẹ con đã ra khỏi nhà. Bà không biết chữ nên không biết tên đường sá, nhưng vì cuộc mưu sinh nên ý chí dẫn đường, đôi chân cứ thế mà hướng về phía trước.
Ngày này qua tháng nọ, đứa con gái tên Hằng lẫm chẫm chạy theo mẹ, có lúc mỏi chân quá, không chạy được nữa, mẹ phải đặt Hằng lên một đầu gánh, đầu kia là ve chai. Nhiều năm liền, hai mẹ con rong ruổi khắp các ngả đường. Ban ngày đi mua ve chai, ban đêm kiếm chữ cho con ở lớp học tình thương. Họ quyết vượt qua nghịch cảnh. Và rồi, ông trời không phụ người chăm chỉ, dần dà bà cũng tạo được nhiều mối mang trong việc cung ứng ve chai, đồ nhựa phế liệu, nhất là bỏ mối giấy vụn cho các chợ.
|
Chị Hằng hạnh phúc bên chồng và con cháu |
Cuộc đời ở trọ của hai mẹ con kéo dài mười năm, đổi chỗ ở hơn 20 lần. Đến năm 1990 bà có nhà riêng ở quận 11, sau đó chuyển về quận Tân Bình. Công việc làm ăn của bà và vợ chồng chị Hằng ngày càng phát triển. Cuối cùng, họ chọn xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh làm “trạm dừng chân”. Ở đây, chị Hằng vẫn trung thành với nghề thu mua sách báo cũ, công việc chị đã quen từ khi còn bé xíu, và thành lập công ty nhựa Khánh Toàn, giao cho các con chị quản lý.
Chị Hằng tâm sự, nghĩ lại chặng đường đã qua thật quá vất vả. Ba chị là liệt sĩ. Mẹ chị năm 23 tuổi đã trở thành góa phụ, bà “ở vậy” nuôi con. Dù mẹ không còn nữa, nhưng chị nhớ mãi câu nói của mẹ: “Quyết định làm gì, phải làm cho tới cùng, khó mấy cũng vượt qua, nhất định sẽ thành công”. Câu nói này, vợ chồng chị thường nhắc nhở các con, chị cũng mong muốn các con tiếp quản tâm huyết của bà ngoại - người mở đường cho những thành công hiện tại, là tấm gương để con cháu noi theo.
Chị Hằng tự nhận mình là người có những ảnh hưởng từ mẹ: mạnh mẽ, là người của công việc, đã quyết làm gì là làm tới cùng. Trong gia đình, sự mạnh mẽ của chị đi cùng những vun vén, lắng nghe, phản hồi. Chị muốn hai tiếng gia đình luôn tròn đầy, đúng nghĩa, là bến đợi của hạnh phúc, nơi ai cũng muốn quay về. Anh Khánh chồng chị thương con một cách khá đặc biệt. Ngày con trai anh chị bệnh thập tử nhất sinh, anh hứa với lòng, nếu con thoát bệnh hiểm nghèo, anh sẽ thu xếp việc nhà, đi tu để cảm tạ đời. “Trước tròn bổn phận, sau mới xuất gia”. Một người cha như thế, con cái thương bao nhiêu cho đủ?
Tuyền và Toàn - hai người con hiếu thảo của anh chị lúc nào cũng nghĩ về sự hy sinh của cha, vô cùng trân trọng sự chở che đó. Cha xuất gia, không màng mưu cầu, danh lợi, nhưng vẫn luôn dõi theo con cái, chia sẻ những nỗi niềm của người thân. Nghĩ về cha mẹ, các con anh chị thường nói “Chỉ cần cha mẹ khỏe mạnh, an vui, mọi chuyện còn lại để con lo”. Các con tâm huyết phát triển công ty, để có điều kiện làm nhiều việc tốt, giúp đời như cha mong muốn.
Những ngày rằm, ngày lễ, tết, người dân nghèo khó quanh khu vực Vĩnh Lộc B thường được nhận quà từ thiện của gia đình chị Hằng. Những đợt dịch COVID-19 bùng phát, gia đình chị là mạnh thường quân tích cực của địa phương.
Công nhân của gia đình chị phần lớn ở quê lên, chị Hằng ưu ái để họ mang con cái theo cùng. “Con cái không thể tách rời cha mẹ. Đã là gia đình thì nên ở bên nhau. Đã tạo điều kiện thì phải tạo cho trót”, là những chia sẻ rất “tâm” của chị.
Ba mẹ con chị Hằng lập nick Zalo trao đổi công việc, tình cảm. Thỉnh thoảng, họ hẹn nhau ca hát, hay tìm chút gì đó nhấm nháp, cùng với những người bạn của cả ba, ngay tại nhà. Hoặc cùng nhau ra ngoài ăn uống, mua sắm. Với con dâu, chị Hằng hết sức thoải mái. Chị coi con dâu như con gái, “Làm gì, tôi cũng nghĩ về con dâu, không được để... con người ta về nhà mình mà không vui”.
Tuyền cũng cưng em dâu hết mực. Đối với mỗi thành viên trong gia đình, chị Hằng luôn mong muốn ai cũng có được hạnh phúc, hạnh phúc theo cách riêng của mỗi người. Hạnh phúc không phải là một trạng thái kéo dài mãi mãi, nên chị thường khuyên các con phải trân trọng những khoảnh khắc hiện tại. Hạnh phúc có khi chợt đến, chợt đi, góp nhặt khoảnh khắc để dệt nên những miền ký ức đẹp, cũng là cách duy trì hạnh phúc.
Người đàn bà ngoài 50 ấy cũng hay nhắc về quá khứ vất vả của mình, như một cách động viên con cái, người quen, rằng, cuộc sống vốn không dễ dàng, nhưng rất đáng để mình chinh phục. Chinh phục được rồi thì tận hưởng.
Lần nào gặp, tôi cũng thấy các thành viên trong gia đình chị Hằng tươi rói. Họ hay đùa giỡn, “ghẹo” nhau, cởi mở với nhau. Cái cách họ tạo dựng hạnh phúc thật tự nhiên, mà hình như cái gì tự nhiên đều lung linh, bền vững.
Song Nguyên