Cuộc sống mới ở những nơi từng bị bão Yagi tàn phá

30/12/2024 - 06:16

PNO - Bão Yagi (bão số 3) là vụ thiên tai lớn nhất năm 2024 ở Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Nhưng với tinh thần kiên cường, bất khuất của người Việt, sự đồng lòng của chính quyền các cấp, sự chung tay của đồng bào cả nước, những ngôi làng từng bị tàn phá nặng nề nhất trong và sau cơn bão này nay đã thực sự hồi sinh.

Hạnh phúc với nhà mơi trong khu tái định cư

3 tháng trước, các thôn Nậm Tông, Kho Vàng (huyện Bắc Hà), Làng Nủ (huyện Bảo Yên) của tỉnh Lào Cai bị bão Yagi biến thành những bãi sình lầy lạnh lẽo. Cuối năm 2024, Làng Nủ mới đã được hoàn thành trên đồi Sim với 40 căn nhà sàn khang trang, mỗi căn rộng 96m², được xây theo đúng kiến trúc của người Tày. Khu tái định cư Nậm Tông cũng hoàn thiện với 15 ngôi nhà, diện tích trung bình 110m²/ngôi; khu tái định cư Kho Vàng có 35 ngôi nhà, diện tích 60m²/ngôi.

Mỗi khu tái định cư đều có công trình phụ trợ như nhà văn hóa, điểm trường, hệ thống điện, nước. Những luống rau đã lên xanh trong vườn của các hộ. Cây ăn trái, cây cho bóng mát cũng được trồng trên đất mới. Trong khuôn viên các gia đình, trên con đường dọc bản, hoa đã bắt đầu khoe đủ màu sắc.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Sành trong khuôn viên nhà mới ở khu tái định cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai ẢNH: H.N.
Mẹ con chị Nguyễn Thị Sành trong khuôn viên nhà mới ở khu tái định cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - Ảnh: H.N.

Chuyển về ở trong nhà mới ở khu tái định cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh được nửa tháng, chị Nguyễn Thị Sành cùng chồng là Hoàng Đức Lương và cô con gái nhỏ thích nhất gian bếp thoáng đãng, có đầy đủ bàn đá, bếp từ, ấm điện, tủ kệ, chạn bát. Nhìn chồng nấu canh gà, chiên thịt heo, đậu hũ, chị Sành cười: “Đều là đồ tiếp tế của bà ngoại em đấy”. Dẫn khách đi thăm nhà, chị Sành giới thiệu: “Giường, rèm, ti vi, đồng hồ, mạng internet trong nhà em đều được các nhà hảo tâm trang bị. Hôm đóng số nhà, nhìn thấy tấm biển xanh ghi nhà số 6, bên dưới là hàng chữ trắng tên Hoàng Đức Lương, chồng em xúc động lắm”.

Anh Đặng Văn Sáng cùng vợ là Hoàng Thị Mến - ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu - phấn khởi: “Khi gia đình mình dọn vào thì nhà đã có sẵn bàn, ghế, giường, tủ, bếp gas. 35 nhà ở đây đều không cần mua sắm thêm gì nhiều. Ở đây an toàn, kiên cố, lại không xa đồi quế của gia đình. Bà con cũng rất an tâm vì các em nhỏ được học ngay tại điểm trường trong thôn”.

Ở cùng thôn, ông bà Đặng Văn Long - Lý Thị Đối sống trong ngôi nhà số 10. Nhà ông bà không bị lũ cuốn nhưng nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cao nên vẫn được chuyển đến khu tái định cư. Trước đó, họ đã hiến đất làm khu tái định cư để giúp các hộ bị mất nhà có được chỗ ở mới an toàn, tiện nghi hơn. Bà Đối kể: “3 con, 2 cháu ngoại của mình đều rất thích ở trong nhà mới này bởi có nhà vệ sinh sạch sẽ, có ti vi, internet. Cuộc sống của gia đình mình tốt hơn hẳn so với trước đây”.

Được vào ở trong ngôi nhà mới khang trang, vợ chồng Lý Seo Khanh - Ma Thị Cồng (thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc) rất hài lòng. Trước đây, anh chị dành dụm mãi mới cất được căn nhà nhỏ, ở chưa được bao lâu thì bị đất đá lấp vùi. Khi biết chính quyền xã cùng các nhà hảo tâm xây dựng nhà cho bà con, anh chị mừng lắm, nhưng không nghĩ nhà mới lại rộng và đẹp đến thế. Đã vậy, khu tái định cư còn có nhà văn hóa thôn cho bà con sinh hoạt, có trường cho trẻ nhỏ đi học.

Khu tái định cư thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - Ảnh: L.C.
Khu tái định cư thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - Ảnh: L.C.

Sau mất mát, người dân các thôn xích lại gần nhau hơn, cùng giúp nhau gặt lúa, luôn bên nhau những khi tối lửa, tắt đèn. Khi được UBND xã Phúc Khánh tổ chức họp lấy ý kiến, 100% chủ hộ ở thôn Làng Nủ đã đồng thuận gìn giữ kiến trúc, phát triển cảnh quan, cam kết sẽ xây dựng nơi đây thành địa điểm du lịch, để Làng Nủ là làng hạnh phúc, là miền đất đáng sống.

Phải sống tốt cả phần người đã mất

Những ngày này, các khu tái định cư xóm Lũng Lỳ (xã Ca Thành), xóm Tổng Ngà (xã Thể Dục), xóm Lũng Súng (xã Yên Lạc) của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cũng đang được gấp rút hoàn thành để các hộ dân được chuyển từ nhà bạt về ở trước tết Nguyên đán.

Trong ngôi nhà kiên cố, sạch sẽ, khang trang, mấy đứa cháu nội của bà Triệu Mùi Lai nô đùa, đứa lớn trông chừng đứa bé. Trong 3 đứa trẻ ấy, chỉ có 1 đứa chưa biết nói là còn cha mẹ. 2 đứa lớn hơn - 11 tuổi và 5 tuổi - đều có cả cha lẫn mẹ bị núi lở, vùi chết. Đang chia sẻ niềm vui sắp được về nhà mới, bà Lai bật khóc.

Ông Hoàng Tòn Sao - Chủ tịch UBND xã Ca Thành - dịch sang tiếng Việt phổ thông: “Bà ấy bảo nhớ vợ chồng đứa con trai đầu. Đi ruộng, đi nương cũng nhớ vì mới mấy tháng trước, mẹ con làm gì cũng có nhau”. Ông cám cảnh: “Con trai thứ hai của bà Lai làm công nhân ở tỉnh Bắc Ninh, lấy vợ cũng là công nhân. Vợ chồng chuyển về quê vợ ở tỉnh Thanh Hóa làm ăn chưa được bao lâu thì nghe tin vợ chồng anh trai mất, để lại 2 con nhỏ, vợ chồng cậu ấy chuyển về đây sống để còn nuôi 2 cháu và động viên mẹ. Chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con vượt qua mất mát, hướng về tương lai”.

Ở các khu tái định cư khác, cán bộ địa phương và chính các nạn nhân bão Yagi luôn phải động viên nhau nén đau thương, xây dựng cuộc sống mới. Ngày xảy ra thảm họa, anh Lý Seo Thở - Trưởng thôn Nậm Tông - đang tham gia tìm kiếm, cứu nạn thì ngôi nhà của anh cũng sập, vợ và 2 con anh qua đời. Vượt qua nỗi đau, anh tiếp tục tìm kiếm những người mất tích và động viên bà con tái thiết đời sống và sản xuất. “Tôi rất vui khi thấy cuộc sống mới đang dần hiện lên. Bà con được sống tập trung, gần gũi nhau. Bà con cùng hứa với nhau sẽ cố gắng xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn để những người đã khuất được an lòng”.

Thỉnh thoảng, niềm vui trong ngôi nhà mới khang trang, đủ đầy vật dụng hiện đại vẫn đan xen nỗi buồn. Mới mấy tháng trước, chị Nguyễn Thị Sành vẫn còn cha mẹ ruột, con trai, con gái để sum vầy, kế bên là nhà ông bà ngoại. Lũ quét, núi lở khiến chị mất cả cha mẹ ruột lẫn con trai. Sống trong nhà mới, nỗi nhớ cha mẹ, con trai càng da diết. Vợ chồng chị động viên nhau: “Người đi thì cũng đi rồi. Mình ở lại phải sống tốt cả phần của người đã mất”.

Niềm vui của trẻ em thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai trong ngôi nhà mới - ẢNH: M.T.
Niềm vui của trẻ em thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai trong ngôi nhà mới - Ảnh: M.T.

Theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội, bão Yagi và mưa lũ sau bão (kéo dài từ ngày 7 - 12/9/2024) đã làm 323 người chết, 22 người mất tích, 1.978 người bị thương, hơn 280.000 ngôi nhà bị tốc mái, hơn 120.000 ngôi nhà bị ngập, gần 12.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, ước tính thiệt hại kinh tế hơn 81.703 tỉ đồng (3,37 tỉ USD).

Sinh kế vẫn là bài toán nan giải

Cho đến nay, nhiều vườn, ruộng của bà con vẫn còn bị bùn, đá vùi lấp, chưa khắc phục được. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên dự kiến vận động bà con Làng Nủ trồng cây dâu tằm gắn với nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải bởi trồng dâu tằm sẽ đỡ tốn công sức cải tạo đất hơn nhiều so với cải tạo để trồng lúa như trước. Hướng đi này được đánh giá là phù hợp với tập quán canh tác sinh hoạt của đồng bào Tày, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho bà con và có thể làm du lịch cộng đồng trong tương lai. Trung tâm cũng đang phối hợp chính quyền xã Phúc Khánh vận động một số hộ dân nuôi cá tầm bởi trước khi xảy ra sạt lở, đã có hộ nuôi thành công.

Ông Hoàng Tòn Sao cho hay, Ca Thành là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nguyên Bình. Thời tiết khắc nghiệt, chỉ có loại gà bản địa là chịu được cái rét ở Ca Thành. Ngoài các hộ ở khu tái định cư sắp về nhà mới, xã còn có 128 nhà nằm ở nơi có nguy cơ sạt lở rất cao. Địa phương mới di dời được một nửa số hộ đến nơi an toàn hơn, nửa còn lại chưa biết bao giờ mới di dời được bởi chưa tìm được nơi an toàn để xây khu tái định cư, kinh phí cũng không có. Về sinh kế, trong xã cũng có một số hộ trồng trúc, bước đầu cho hiệu quả kinh tế tốt, nhưng để rừng trúc cho thu hoạch, bà con phải chờ 5-7 năm. Nếu khuyến khích bà con trồng trúc thì chính quyền xã chưa biết nên làm gì trong thời gian chờ thu hoạch trúc.

Tinh thần tự lực, tự cường rất quan trọng

Hoàn lưu bão Yagi đã gây mưa lớn và sạt lở đất nghiêm trọng ở tỉnh Yên Bái, khiến 27.000 ngôi nhà bị thiệt hại, 3.000 vị trí có nguy cơ bị sạt lở. Đến nay, kết quả khắc phục hậu quả cơn bão, tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp rất khả quan. Dự kiến đến hết ngày 31/12, toàn bộ các công trình còn lại để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho dân sẽ hoàn thành.

Sau bão, UBND tỉnh đã sắp xếp, ổn định cuộc sống của những hộ bị bão lũ ảnh hưởng trực tiếp. Ở những khu vực tương đối an toàn, UBND tỉnh khuyến cáo dân gia cố nhà. Với những hộ không thể ở tại chỗ, UBND tỉnh đã đề xuất xây dựng 12 khu tái định cư, bố trí cho gần 800 hộ với kinh phí xây dựng trên 300 tỉ đồng, dự kiến triển khai trong năm 2025. Việc tái thiết nhà cửa và hoạt động sản xuất cần nguồn lực rất lớn, trong đó bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, rất cần sự tự lực, tự cường của chính người dân vùng bị thiên tai.

Ông Nguyễn Xuân Sang - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái

Cần chuẩn bị sẵn sàng để kịp thời ứng phó thiên tai

Để nhanh chóng giúp bà con vùng bị thiên tai khôi phục sản xuất, Cục Trồng trọt đã chủ động theo dõi sát sao khung thời vụ và diễn biến thời tiết, từ đó điều chỉnh cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Cụ thể, trong vụ đông, cục khuyến khích phát triển các loài cây ưa lạnh, có khả năng bảo quản lâu dài và có thị trường tiêu thụ ổn định. Chúng tôi chú trọng hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, giúp giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian và nhân công; triển khai các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng và kiểm soát nguồn vật tư nông nghiệp. Cục đã phối hợp các cấp có thẩm quyền để nhanh chóng chuyển vật tư nông nghiệp, tiền mặt tới các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng của bão Yagi, xuất cấp trên 300 tấn hạt giống cây trồng các loại cho các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái.

Dự báo, năm 2025, thời tiết tiếp tục biến động bất thường, các thị trường tiếp tục thắt chặt hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu. Trong năm 2025, các tỉnh phía Bắc cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp dựa trên tình hình thời tiết, khí hậu, cơ cấu lại mùa vụ, vật tư nông nghiệp và nguồn nước. Các tỉnh cần tập trung khôi phục sản xuất và nâng cao sản lượng lúa, chuẩn bị nguồn giống dự phòng và vật tư nông nghiệp để kịp thời ứng phó với thiên tai, đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định.

Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hướng dẫn quy trình nuôi trồng thủy sản mới

Để ứng phó và giảm thiểu tác động của mưa bão đối với việc nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản đã ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình nuôi mới phù hợp điều kiện bão lũ. Ngoài ra, cục cũng xây dựng tiêu chuẩn lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, trình dự thảo chính sách phát triển thủy sản, trong đó có các quy định về hỗ trợ ngư dân làm lồng bè đạt chuẩn.

Chúng tôi đã hỗ trợ ngành nông nghiệp tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh xây dựng quy chuẩn riêng, triển khai mô hình nuôi thủy sản thân thiện môi trường, hướng dẫn làm các công trình phụ trợ trên lồng bè nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng chống chịu của lồng bè trước thiên tai.

Ông Lê Quang Hưng - chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI