Sáng sớm, chị Trần Thị H. - 52 tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - xén bớt một ít bánh mướt mới nhập về, mang vào nhà cho 6 đứa con ăn sáng. Để lũ trẻ có cái ăn, ngoài làm ruộng, bắt cua, gần đây, chị H. còn nhập thêm bánh mướt ở chợ về bán trong làng. 4 năm trước, chồng chị H. qua đời do bệnh hiểm nghèo khi đứa con thứ mười một mới tròn 1 tuổi. Từ đó, chị “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”.
|
Chị Trần Thị H. (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) ít khi có dịp kèm con học bài do phải lo bươn chải kiếm tiền nuôi đàn con quá đông đúc |
Nhìn đàn con nheo nhóc đang vô tư chơi đùa trong nhà, chị H. nói: “Giờ chỉ gắng cày cuốc, mong sao chúng không bỏ học giữa chừng”. Gia cảnh khó khăn, nên khi sinh đến người con thứ bảy, vợ chồng chị bàn nhau thôi không sinh thêm con nữa, nhưng lại không dùng biện pháp tránh thai nào. Chị phân trần: “Thì có biết đâu. Mỗi khi thấy mệt trong người, đi khám thì họ báo có thai rồi”. Vậy là, cứ 1-2 năm, gia đình chị lại đón thêm thành viên mới.
Chị H. nói, nhìn đàn con thì thấy chúng nhỏ con hơn đám bạn cùng quê, nhưng được cái trời thương, hiếm khi chúng đau ốm. Điều chị cảm thấy lo buồn là tương lai của các con. Bản thân không có việc làm ổn định nên chị không thể lo cho chúng ăn học đàng hoàng. Ngoài cô con gái đầu nay 30 tuổi, đã lập gia đình, 2 cậu con trai đầu ngoài 20 tuổi đi vào miền Nam làm thuê, chị phải nhờ người bà con ở miền Nam nuôi giúp 1 bé gái, nhờ ông bà ngoại nuôi giúp 1 bé gái, còn mình nuôi 6 người con còn lại, nhỏ nhất mới 5 tuổi.
Tất bật ngược xuôi để lo cái ăn mỗi ngày, chị dường như chẳng còn thời gian quan tâm đến chuyện học hành của con: “Mình cũng có bày nổi cho nó đâu, chỉ nhắc chúng đừng mải chơi quá thôi. Còn học thì đứa lớn bày cho đứa bé”. Trông chị già hơn nhiều so với tuổi 52. Cảm nhận được sức khỏe đang ngày càng sa sút nhưng chị cười trừ: “Còn sức thì cứ cày, lo cho con đã”.
Cùng ở huyện Quỳnh Lưu, cách không xa nhà chị H., chị L.T.T. - 41 tuổi - cũng có 7 con. Năm 2006, sau khi sinh cậu con trai đầu lòng, vợ chồng chị T. quyết định “kế hoạch” để lo làm ăn, tích cóp tiền xây lại căn nhà. 8 năm sau, khi dự định này trở thành hiện thực, vợ chồng chị quyết định có thêm con. Với quan niệm “con cái là lộc trời cho”, từ năm 2012 đến nay, vợ chồng chị T. đã có thêm 6 người con.
Ngoài mấy sào ruộng, mọi chi tiêu trong gia đình 9 người đều dựa vào tiền công phụ hồ của chồng chị T. Thương chồng quần quật quanh năm, chị T. thường gửi con cho ông bà ngoại để ra đồng bắt cua, kiếm thêm tiền mua sữa cho con. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” nên căn nhà nhỏ xây xong chưa kịp sơn, hơn chục năm qua vẫn chưa sơn được bởi không có tiền.
Nhìn di ảnh cậu con trai cả (17 tuổi) trên bàn thờ, chị T. buồn bã kể, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, cậu thường tranh thủ thời gian nghỉ học đi phụ hồ cùng cha để tự lo tiền học cho mình. “Hơn 1 tháng trước, con trai tôi kêu đau đầu, sau khi nhập viện tuyến tỉnh, bệnh viện cho chuyển viện ra Hà Nội cấp cứu, được xác định bị xuất huyết dưới nhện (máu bị rò rỉ, chảy vào khoảng trống giữa não và màng não) do vỡ túi phình động mạch cảnh. Cả gia đình lo xoay xở tiền để phẫu thuật cho con, nhưng không kịp…” - chị T. nhớ lại.
Ít năm trước, anh V.B.D. - 38 tuổi, ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn - và vợ đã phải dắt nhau ra tòa ly hôn chỉ vì “sinh con không kiểm soát được”. Sau khi ly hôn, người vợ đưa cô con gái đầu sang Lào làm việc, để lại cho anh D. 4 đứa con nheo nhóc ở quê nhà. Một cán bộ xã Mường Lống cho biết, hiện nay, những gia đình trẻ ở xã này không còn sinh quá nhiều con như trước. Nhưng một số người mù chữ vẫn còn lúng túng, chật vật với các biện pháp tránh thai. Vợ anh D. không biết chữ nên dùng thuốc tránh thai không đều, sinh liên tiếp 5 đứa. Người chồng ham muốn cao, cứ liên tục đòi “ngủ” với vợ nên chị D. buộc phải ly hôn, đi sang Lào.
Tỉ lệ sinh con thứ ba ở tỉnh Nghệ An vẫn cao Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An, năm 2022, tỉ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên ở tỉnh này có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao (29,45%). Nguyên nhân là do một số chính sách mới về công tác dân số khiến người dân hiểu nhầm là “được sinh con thoải mái”; do quan niệm cần có con trai để nối dõi tông đường; do muốn có đông con cháu cho vui nhà, vui cửa; người dân ở vùng cao, vùng ven biển, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn tập quán sinh nhiều con. Ngoài ra, sau khi sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Y tế, đội ngũ cộng tác viên dân số khối, xóm, bản phần lớn là người mới, chưa có kỹ năng truyền thông, tư vấn, vận động thực hiện công tác dân số ở địa bàn dân cư. Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An - cho biết, trước đây, toàn tỉnh có khoảng 6.000 cộng tác viên dân số khối, xóm, bản nhưng sau khi sáp nhập, phần lớn số này đều “được” cho nghỉ. Hiện toàn tỉnh có khoảng 3.800 cộng tác viên dân số, đội ngũ này phần lớn đều là người mới. Ông nói: “Đội ngũ cộng tác viên mới hầu hết là cán bộ y tế khối, là nam giới nhiều tuổi, vốn chỉ quen làm về chuyên môn y tế, không quen tuyên truyền. Nay họ phải kiêm luôn nhiệm vụ y tế và dân số, nếu xóm đông dân thì họ khó kham nổi”. |
Phan Ngọc