Cuộc sống khốn khổ của người dân Nam Á trong trận lũ lụt kinh hoàng

22/07/2020 - 14:14

PNO - Một số quốc gia Nam Á đang đối diện với khủng hoảng do hậu quả từ mưa lũ kéo dài. Theo dự báo, tình hình này diễn ra trong 10 ngày nữa.

Những cơn mưa gió mùa xối xả tiếp tục gây lũ lụt tại khu vực Nam Á, trong đó Bangladesh chịu ảnh hưởng khá nặng nề. Quốc gia này vốn dễ bị ảnh hưởng lũ lụt vì lãnh thổ nằm trên ít nhất 230 con sông. Quan chức sở tại cho rằng lũ lụt năm nay là một trong những thảm hoạ tồi tệ nhất so với những năm gần đây.            

Ông Udoy Raihan, Phó giám đốc Trung tâm dự báo lũ lụt Bangladesh cho biết, trận lụt đã kéo dài hơn 20 ngày, trong khi đó thường chỉ khoảng 2 tuần. “Và có khả năng nó sẽ kéo dài thêm 10 ngày nữa”, ông nói.

Gió mùa hàng năm mang đến những cơn mưa lớn, giúp cung cấp nguồn nước cho khu vực Nam Á, nhưng mặt trái lại gây ra lũ lụt, gây chết người, thiệt hại nhà cửa, đồng ruộng…

Đường phố Bangladesh ngập chìm trong biển nước
Đường phố Bangladesh ngập chìm trong biển nước

Lũ lụt tại Bangladesh làm ảnh hưởng tới cuộc sống của 3 triệu người dân. Ít nhất 81 người đã chết trong đợt lũ lụt lần này, chủ yếu do đuối nước.

Ở Srinagar, một thị trấn vùng ven của thủ đô Dhakar, dân làng đã phải di chuyển đến các trung tâm sơ tán. Một số gia đình có người ở lại, ngủ trên những chiếc thuyền hoặc bè được kết từ thân cây chuối để canh chừng những ngôi nhà đang ngập trong biển nước.

“Từ năm 1998 đến nay, đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một trận lụt kinh hoàng như thế”, ông Sheikh Moslem (66 tuổi), nói với phóng viên AFP.

Một ngôi làng ở Bangladesh ngập nước trắng xoá
Một ngôi làng ở Bangladesh ngập nước trắng xoá

Video lũ lụt ở Bangladesh:

 

 

Sufia Begum (40 tuổi), cho biết có hôm nước ngập lên đến cổ ở những khu vực trũng. “Tôi lo lắng nhất là hai con bò. Đó là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình tôi. Tôi không thể để chúng ở lại đây”, cô vừa nói vừa nhìn vào ngôi nhà đang ngập nước với ánh mắt bất lực.

Tại bang Assam ở Đông Bắc Ấn Độ, từ đầu tháng 7 đến nay số người chết vì lũ lụt lên đến 58 người.

Những nơi lũ đi qua nhưng không gây ngập, người dân quyết định ở lại nhà để giữ đồ đạc. Họ được cung cấp nước uống, thực phẩm từ chính phủ và các cơ quan cứu trợ địa phương.

“Nước hiện tại đã lên đến mắt cá chân chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ ở lại để trông chừng nhà cửa, tài sản cho đến khi không thể kiểm soát được nữa”, Anima Begum (40 tuổi, quận Morigaon, bang Assam) nói với AFP.

Người dân ở bang Assam
Người dân ở bang Assam ngồi tạm bợ trên thuyền, tập trung gia súc khi nước lũ ngày càng dâng cao

Cơ quan quản lý thảm hoạ Ấn Độ cho biết đã giải cứu 4.000 người bị mắc kẹt do nước lũ dâng cao ở nhiều khu vực của bang Assam.

36.000 người có nhà cửa bị ngập nước hoặc bị phá huỷ đang tập trung vào 300 trại tị nạn lớn nhỏ.

Tại Vườn quốc gia Kaziranga (được xếp hạng Di sản Thế giới) của bang Assam, cho đến nay có 116 động vật đã chết, trong đó có 9 con tê giác quý hiếm.

Bang Bihar ở phía Đông Ấn Độ có khoảng 9 con sông mực nước vượt quá mức nguy hiểm gây ngập lụt nhiều ngôi làng. Lũ trên song Gandaki đã cuốn trôi đường và một cây cầu vừa được xây dựng khiến giao thông tê liệt.

Người dân dùng thuyền di chuyển tại những khu vực nước lũ dâng đến mái nhà
Người dân dùng thuyền di chuyển tại những khu vực nước lũ dâng đến mái nhà

Ở Nepal, chính phủ đã đưa ra một cảnh báo mới về mực nước sông dâng cao trong ba ngày tới, trong khi lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm 51 người mất tích trong trận lở đất và lũ lụt. Tại đây, có ít nhất 117 người chết vì lũ lụt.

Thuỳ Anh (theo Channel News Asia, ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI