Cuộc sống hoang dã của cặp đôi bị đuổi khỏi làng

13/08/2020 - 05:38

PNO - Nghe nói có một đôi trai gái người Ba Na dựng lều tranh, sống trong rừng phòng hộ thuộc núi Hòn Lớn (xã Cát Lâm, H.Phù Cát, tỉnh Bình Định) để tránh sự tẩy chay của cộng đồng, chúng tôi đã thử đi tìm họ.

Đường rừng muôn lối rẽ, không dễ gì tìm ra đôi uyên ương này. Chúng tôi gom được một số quần áo cũ, đồ trẻ sơ sinh, thêm chục ký gạo cho vào thùng các-tông.

Suốt 15 cây số đường rừng, tịnh không một bóng người. Lần này gặp may, khi đi ngang qua khu vực rừng gần lòng hồ thủy lợi Tam Sơn, thấy phía cửa rừng thấp thoáng dáng người mặc quần đỏ, nhìn kỹ đó là nam giới. Chúng tôi ra tín hiệu cần giúp đỡ. May quá, đó là anh chồng đi bẫy thú rừng. "Bọn tôi muốn đến thăm nhà em, cho chút quà. Nhà ở đâu?".

Cậu ta chỉ về hướng bắc. Đó là Đinh Ph., 29 tuổi, người làng Ba Na ở Suối Tre cách đó vài chục cây số. 

Đinh Ph. ngồi chờ vợ đi làm về
Đinh Ph. ngồi chờ vợ đi làm về

Trời ngả về chiều, chúng tôi giục Đinh Ph. dẫn về nhà. Cậu cảnh báo: "Hơi xa đấy". Quãng đường "hơi xa" không dễ đi như tôi tưởng. Những lối mòn dựng ngược, lởm chởm đá. Có đoạn tôi phải nổ máy vừa dắt, vừa đẩy xe lên con dốc dựng ngược mà lối mòn chỉ vừa lọt bánh xe.

Một túp lều tranh dựng bên bờ suối cạn. Mấy bộ quần áo cũ đủ loại, đủ màu phơi trên một cây sào. Một hộp xà bông sắp hết chỏng chơ dưới suối, cạnh một bộ quần áo dơ. Hai chiếc nồi nhôm đen nhẻm vứt lăn lóc cạnh lều. Chiếc lều tranh rộng chừng 4m2, đủ trải hai chiếc chiếu, là nơi ngủ của đôi vợ chồng trẻ và để một túi quần áo. Trên đầu nằm có một túi ni-lông chứa khoảng ba, bốn ký gạo.

Đinh Ph. kể, vợ chồng bị làng đuổi ra khỏi cộng đồng hai năm nay. Hai người dắt díu nhau đi. Đinh Thị Nh. hơn Đinh Ph. một tuổi, có với chồng trước hai con gái. Đinh Ph. là trai tân, chưa kết hôn lần nào.

"Tụi mình là họ hàng nên làng cấm thương nhau", Đinh Ph. thổ lộ. Hai người bàn nhau lên núi Hòn Lớn tìm chỗ sinh sống. Đinh Ph. tìm ra bãi đất khá bằng phẳng, nằm cạnh con suối nhỏ. Có nước thì mới sống được. Từ đường mòn vô rừng tới bãi đất kia cách khoảng 200 mét, cây rừng rậm rạp. Họ phát cây rừng, mở lối đi nhỏ. Chặt một số cây dọn dẹp mặt bằng, rồi cắt tranh, dựng lều. Tài sản duy nhất của họ là chiếc xe máy "đầu gà, đít vịt", vốn là xe của Đinh Ph. ngày trước chạy bán kem. 

Mùa hè năm 2018, đôi "uyên ương" xây xong tổ ấm, bắt đầu cuộc sống biệt lập. Đinh Ph. ở nhà, chiều vô rừng đặt bẫy, sáng hôm sau đi thăm, được con thú nào thì để Nh. mang xuống núi bán. Cô vợ cũng lân la xuống mấy xóm quanh chân núi tìm việc làm thuê. Cuộc sống gần như hoang dã khi không có đèn dầu, nước sạch, thiếu thốn gạo muối. Cái đói luôn thường trực làm họ nhanh chóng gầy sút đi.

"Chỉ cầu có đủ gạo và muối!". Đinh Thị Nh. nói vậy. Những ngày mưa liên miên không có ai thuê việc, bẫy thú cũng chẳng bắt được gì, thường là họ đói dài dài.

Ông Ba Quốc, một người làm lán trông cá ở hồ Tam Sơn kể, một lần ông bắt gặp một phụ nữ mang bụng bầu nằm xỉu dưới bờ kè vì đói, phải dìu lên lán nấu cơm cho ăn.

Đó là Đinh Thị Nh., cô nói ba, bốn ngày nay không có gì bỏ vô bụng. Xung quanh khu vực họ ở, hầu như vắng bóng người dân. Cách đó chừng hai, ba cây số có một lán nuôi bò, một lán trông hồ cá và một lán coi rẫy dưa của người dân từ nơi khác đến.

Những ngày thiếu đói, anh chồng trẻ nằm khoèo ở lán, mặc kệ vợ tha cái bụng bầu đi tới mấy lán kia xin cá, xin cơm nguội. 

Tết nguyên đán vừa rồi, vì lạnh quá nên hai vợ chồng chụm cây to để sưởi. Lúc dắt nhau đi thăm bẫy, ở nhà lửa bén theo cây cột, cháy tan hoang chiếc lều. Anh chồng trẻ ngày càng tỏ ra lười biếng, chỉ ở nhà lo mấy cái bẫy thú, mà thú rừng thì mỗi ngày mỗi hiếm, một tuần may mắn bắt được vài con gà rừng, mấy con chuột dúi. Việc lo gạo muối, do cô vợ đảm nhiệm bằng tiền làm mướn.

Cô vợ phải vác bụng bầu đi kiếm cái ăn cho chồng
Cô vợ phải lặn lội đi làm thuê, kiếm cái ăn chồng

Cô vợ thường nhịn đói buổi sáng. Nhiều lần tới chỗ làm, cô đói xỉu không lê nổi chân, chủ nhà phải nấu cho tô mì gói ăn xong mới có sức làm việc. Vậy mà có buổi chiều về muộn, chồng ở nhà nấu cơm ăn hết. Đói quá, Nh. cự nự thì chồng nói: "Mày đi làm cho người ta thì phải lo lấy bữa ăn chứ". 

Già làng Trần Văn Dũng kiêm trưởng làng Trà Hương chép miệng, buồn, khi chúng tôi hỏi về hai người bị đuổi khỏi làng: "Tụi nó đi khỏi làng hai năm rồi! Lâu không dám trở về".

Theo già làng, thì Đinh Thị Nh. là chị dâu của Đinh Ph., "chồng cũ, chồng mới" của cô vốn là anh em ruột. Vợ chồng Đinh Thị Nh. sinh được hai con gái, đã học lớp Năm và lớp Ba. Hai vợ chồng là những người lao động giỏi, kinh tế thuộc loại khá trong làng. Họ có ba rẫy keo, mấy sào ruộng, một đàn bò. Đang yên đang lành, tự nhiên Đinh Thị Nh. cặp với em chồng.

Già làng Dũng phàn nàn: "Tụi nó làm trái luật tục của người Ba Na. Bao nhiêu lần anh em, vợ chồng cãi lộn làm phiền dân làng. Làng họp ba lần góp ý, ngăn cản mà không được. Nên phải đuổi thôi". 

Hai năm nay, giữa rừng sâu vẫn tồn tại một mối quan hệ gọi là "vợ chồng". Đinh Thị Nh. phân bua là anh chồng cũ dữ dằn lắm, cứ uống rượu vô là bỏ công việc, đánh chửi vợ con, nên cô quay sang thương chú em chồng.

Cuộc sống không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Hai tháng trước, Đinh Thị Nh. đẻ rơi bên bờ suối, những người dân tốt bụng bắt gặp đã đưa hai mẹ con ra bệnh viện huyện. Trong túi chỉ có 500.000 đồng, không có tã lót, đồ sơ sinh, cô tính ôm con trốn viện về rừng, nhưng y bác sĩ đã phát hiện và giữ lại. Họ tận tình giúp đỡ và cấp cho cô suất cơm từ thiện. Một bé trai sơ sinh èo uột ra đời trong hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn thiếu thốn, liệu bé sẽ tồn tại thế nào?

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch xã Cát Lâm, nói: “Xã rất quan tâm đến hoàn cảnh của cặp đôi này. Các đoàn thể của xã nhiều lần vận động để cặp đôi này về làng. Tuy nhiên, vì họ làm trái tập tục, vi phạm thuần phong đạo đức hôn nhân của người Ba Na, nên dân làng không đồng ý để họ quay về. Cuộc sống của cặp đôi này rất khó khăn nên chính quyền xã vẫn tiếp tục hỗ trợ cặp đôi này về tinh thần và vật chất”. 

Phương Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI