Cuộc sống đâu chỉ có ba màu

09/05/2022 - 14:51

PNO - 27/6/2021, rất nhiều người đã ngạc nhiên khi mở trang tìm kiếm Google và phát hiện cái tên Krzysztof Kieślowski được Google Doodle chúc mừng sinh nhật. Với chúng ta, nhà biên kịch kiêm đạo diễn nổi tiếng người Ba Lan Krzysztof Kieślowski dường như vẫn là một cái tên xa lạ nhưng với giới điện ảnh, ông thực sự là quái kiệt.

Chất quái kiệt đó được thể hiện rất rõ trong Three colors trilogy - chùm ba bộ phim Blue (1993), White (1994), Red (1994) có tựa tiếng Việt là Xanh, Trắng, Đỏ. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ tạp chí tại Đại học Oxford, ông nói các từ khóa liberté, egalité, fraternité (tự do, bình đẳng, bác ái) đại diện cho ba màu sắc trên lá cờ Pháp là vì nước Pháp đã tài trợ cho ông để sản xuất phim. 

Cuộc sống đâu chỉ có ba màu

Nhiều năm trước, Thầy lang - một bộ phim của Ba Lan - đã gây tiếng vang lớn với nhiều khán giả Việt, dù thời đó truyền thông không rầm rộ như bây giờ. Phim châu Âu nhiều cảm xúc, đơn giản, gợi hình và chậm rãi vốn không phải là những bộ phim có tính thương mại cao. Three colors trilogy cũng là dòng phim mang đậm tính châu Âu như thế - giàu hình ảnh, đặc biệt kén người xem... Mỗi màu trong một tập phim là những câu chuyện thường ngày của một châu Âu đương đại, câu chuyện ở đâu đó được Krzysztof Kieślowski chuyển tải bằng ngôn ngữ điện ảnh theo kiểu riêng của ông.

Chùm phim Ba màu chính là một điển hình tiêu biểu của điện ảnh châu Âu
Chùm phim Ba màu chính là một điển hình tiêu biểu của điện ảnh châu Âu

Đó là câu chuyện về những con người khác nhau, sống ở những thành phố khác nhau với những trăn trở đời thường. Cuộc sống đó đâu chỉ riêng ở châu Âu mà chúng ta có thể bắt gặp ở khắp nơi trên thế giới này. Ở đó, có những góc khuất của tình yêu, sự cô đơn và cả sự mất mát. Ở đó, có nhiều người phải vật lộn với những cuộc chiến nội tâm riêng mình, với những tổn thương tâm lý riêng mình. Mỗi chi tiết trong phim là một câu chuyện nhỏ góp phần tạo nên một chuyển điệu đa sắc về cuộc sống tại châu Âu đầu thập niên 1990 và có thể là chính chúng ta hiện tại. 

Ba màu là chùm phim được Chính phủ Pháp tài trợ, lấy ba màu trên lá cờ Pháp để nói về phim. Mỗi màu là một câu chuyện “rất” châu Âu thời điểm ấy. Trắng (White) ra mắt năm 1994, kể về một người Ba Lan đang sống ở Pháp, chuyện hôn nhân của anh ta, chuyện anh ta quyết tâm làm giàu để trả thù vợ mình. Nhưng, làm sao trở về quê nhà Ba Lan chỉ với 2 xu trong túi? Anh bèn chọn đi về bằng cách… trốn vào một chiếc vali. Rồi chiếc vali bị trộm và khi mở ra, những tên trộm chỉ nhìn thấy một người đàn ông nhỏ con nằm trong đó. Nhân vật vừa khóc vừa cười nói “home at last” (Cuối cùng cũng về đến nhà - NV). Bộ phim hài hước nhưng vẫn chất chứa một nỗi buồn. Trắng chính là nỗi đau của một người đàn ông được thể hiện bằng sự hài hước. Phim khiến ta cười mà cay đắng.

Xanh (Blue) ra mắt năm 1993. Cả bộ phim bàng bạc một màu xanh lam ảm đạm. Nữ chính của phim, do diễn viên Juliette Binoche thủ vai, là một nhân vật bị tê liệt cảm xúc sau tai nạn của gia đình. Trạng thái cảm xúc bị tê liệt dường như là một câu chuyện mang tính thời đại. Đặc biệt, ở những xã hội càng hiện đại, nhiều người đã vô cùng khổ sở khi nhìn thấy chính mình cứ trơ ra đó, không vui chẳng buồn. Gần 30 năm đã qua nhưng Krzysztof Kieślowski đã gióng lên được thông điệp về một xã hội dần trở nên vô cảm. 

Đạo diễn Krzysztof Kieślowski
Đạo diễn Krzysztof Kieślowski

Năm 1994, phim Đỏ (Red) được giới thiệu đến người xem. Đây là bộ phim theo trường phái phản lãng mạn (anti-romance), đậm chất Krzysztof Kieślowski nhất. Phim giành tới ba đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất (đều cho Krzysztof Kieślowski) và Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất trao cho Thụy Sĩ vì phim có bối cảnh chính ở đây. Phim nói về mối quan hệ rất kỳ lạ giữa một nữ người mẫu đang là sinh viên và một ông thẩm phán già. Đỏ có nhiều lớp lang khá độc đáo, khó xem và “rặt” châu Âu, được giới nghệ thuật đánh giá cao. 

Với chùm phim Ba màu, Kieślowski đã nhận được ba đề cử giải Oscar, bao gồm Đạo diễn xuất sắc nhất năm 1994 cho Three colors: Red - phần cuối cùng trong bộ ba phim mang tính biểu tượng của ông. Cũng vào năm đó, ông từ giã sự nghiệp và chọn nghiệp văn học như một cách chuyển tải những thông điệp truyền cảm hứng của mình đến với số đông.

Ba cuộc sống, ba màu sắc như những câu chuyện đời thường đâu đó quanh chúng ta, xảy ra ở ba địa điểm khác nhau trong lòng châu Âu những năm 1990 như những màu sắc vốn đa dạng của cuộc sống này, có u buồn, có giằng xé, có tươi sáng... Cuộc sống đâu chỉ có trắng - xanh - đỏ mà là một phức hợp của màu sắc. Với chùm phim Ba màu, dù cấu trúc đơn giản, mạch phim không dễ xem nhưng đó là một kiểu nghệ thuật rất đặc trưng của châu Âu được Krzysztof Kieślowski trình diễn lại. Mỗi phim một màu, một kiểu.

White hài hước như chính con người thật của ông nên có lẽ là phim dễ xem nhất trong chùm ba bộ phim. Red thì đậm chất nghệ thuật, đi sâu vào tâm lý nhân vật, khiến người xem phải tự lý giải và cảm theo góc độ riêng của mỗi người. Xanh lại là một bộ phim u ám, giằng xé tâm lý người xem đến cực cùng. Sau phim cuối cùng - Red, Kieślowski cũng chính thức kết thúc nghiệp đạo diễn và qua đời hai năm sau đó. Ông là người có đời sống cá nhân nhiều đau khổ vì trải qua bệnh tật và nhiều mất mát.

Chùm phim Ba màu của Kieślowski đã thực sự tạo một dấu ấn cho nghệ thuật điện ảnh của châu Âu hiện đại
Chùm phim Ba màu của Kieślowski đã thực sự tạo một dấu ấn cho nghệ thuật điện ảnh của châu Âu hiện đại

Tinh thần châu Âu và tinh thần Krzysztof KieŚlowski 

Khác biệt hoàn toàn với kinh đô điện ảnh Hollywood, phim châu Âu mang đậm nét nghệ thuật vị nghệ thuật. Điện ảnh Mỹ dù có làm vì nghệ thuật nhưng tham vọng giải trí và lợi nhuận vẫn là những ưu tiên không thể chối bỏ. Điện ảnh châu Âu thì không cần phải mang lại lợi nhuận và cũng không nhất thiết phải là phim giải trí. Quá nhiều điều đặc biệt khiến điện ảnh châu Âu thực sự khó xem và kén khán giả. 

Nhà biên kịch Mỹ Syd Field, giảng viên môn viết kịch bản ở Mỹ, châu Âu và một số nước khác đã có nhận xét về Ba màu: “Trong mỗi câu chuyện đều bao hàm một chủ đề xác định, ví dụ như chủ đề chính nghĩa. Chủ đề này được nhận biết thông qua thị giác của bạn, tâm tư của nhân vật cùng với những sắc màu của bối cảnh, đạo cụ, trang phục. Màu sắc phản ánh khái niệm, chủ đề và trở thành một yếu tố quan trọng của mỗi câu chuyện”.

Ông còn nói thêm: “Các nhà biên kịch châu Âu xuất phát từ tư tưởng của câu chuyện để xử lý kịch bản. Tức là chủ đề đã thúc đẩy câu chuyện tiến lên phía trước, kịch hóa nó khiến nó trở thành một dạng so sánh thị giác”. Chùm phim Ba màu chính là một điển hình tiêu biểu của điện ảnh châu Âu, một phong cách làm phim đậm nghệ thuật - một bộ phim đi sâu vào tính vĩ mô của xã hội nhưng cũng khai thác triệt để tâm lý nhân vật. Phim thâm trầm, sâu lắng, không nhiều cao trào mà vẫn khiến người xem cảm động vì sự tinh tế. 

Trailer phim Ba màu: 

 

 

 Trong cuộc đời làm nghệ thuật, Kieślowski đã nhận được hàng chục giải thưởng danh giá: Giải của ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes (1988), giải FIPRESCI (1988, 1991), giải FIPRESCI của Liên hoan phim Venezia (1989), giải Sư tử vàng (1993), giải OCIC (1993) và Gấu bạc của Liên hoan phim quốc tế Berlin (1994)… Năm 1995, ông nhận các đề cử giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất và kịch bản xuất sắc nhất. Năm 2002, Kieślowsk được Viện Điện ảnh Anh quốc xếp vào vị trí số hai trong danh sách Sight & Sound nhằm tôn vinh top 10 đạo diễn điện ảnh hay nhất thời hiện đại (theo wikipedia).

Ba màu của Kieślowski đã thực sự tạo một dấu ấn cho nghệ thuật điện ảnh của châu Âu hiện đại.

Lan Khôi 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI