Cuộc sống đảo lộn vì nóng bức

27/04/2024 - 06:00

PNO - Thời tiết nóng bức sẽ tiếp tục duy trì trên khắp thế giới, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của nhiều triệu người. Tình trạng này cho thấy sự cấp thiết của các giải pháp thích ứng với tình trạng nhiệt độ tăng trên toàn cầu.

Sức khỏe bị tác động xấu

Khi các thành phố trên khắp thế giới ấm lên, tác động tiêu cực đầu tiên là mọi người đều cảm thấy quá nóng. Satchit Balsari - trợ lý giáo sư về sức khỏe và dân số toàn cầu tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, Mỹ - giải thích: với cá nhân, môi trường vi mô quan trọng hơn nhiều so với bức tranh khí hậu toàn cầu. Đó là vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và công việc của mỗi người.

Người đi đường ở khu dân cư Clementi, Singapore dùng dù che nắng trong thời tiết oi bức - Nguồn ảnh: CNA
Người đi đường ở khu dân cư Clementi, Singapore dùng dù che nắng trong thời tiết oi bức - Nguồn ảnh: CNA

Báo cáo mới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến sự an toàn và sức khỏe của người lao động khắp thế giới. Theo số liệu gần nhất (năm 2020), ILO ước tính hơn 2,4 tỉ người (trong tổng số 3,4 tỉ người tham gia lực lượng lao động toàn cầu) có khả năng phải tiếp xúc với nhiệt độ quá cao tại một số thời điểm trong quá trình làm việc. Ước tính thế giới mất đi 18.970 sinh mạng hằng năm do 22,87 triệu ca chấn thương nghề nghiệp vì nhiệt độ cao. Báo cáo lưu ý, nhiều tình trạng sức khỏe nguy hiểm ở người lao động có liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, rối loạn chức năng thận lẫn sức khỏe tâm thần.

Trong một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Nature Climate Change, nhóm nghiên cứu liên kết các sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu hoặc “các yếu tố gây căng thẳng về khí hậu” với kết quả giáo dục của trẻ em. Một trong những mối liên hệ rõ ràng nhất là việc tiếp xúc với nhiệt độ cao khiến kết quả học tập giảm sút. Ở Mỹ, điểm toán của thanh thiếu niên giảm đáng kể vào những ngày nhiệt độ trên 26 độ C. Ở Trung Quốc, nhiệt độ trong ngày thi nóng hơn có liên quan đến việc giảm kết quả thi. Tại Ấn Độ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, nhiệt độ tăng gây mất mùa, suy dinh dưỡng khiến điểm kiểm tra của học sinh thấp hơn.

Thích nghi như thế nào?

Các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều loài động vật giảm hoạt động ban ngày, tăng hoạt động về đêm khi thời tiết quá nóng. Đó là cách mà con người có thể học tập. Lisa White - giám đốc chiến lược tại công ty dự báo xu hướng WGSN (Mỹ) - cho biết thị trường đang chuyển sang cuộc sống về đêm, với số lượng thuê xe tay ga và đặt chỗ nhà hàng vào tối muộn đều tăng lên. Ở Dubai, các bãi biển đã mở cửa cho người dân tắm đêm trong những tháng hè ngột ngạt. Các sự kiện thể thao như chạy bộ hay đua xe Công thức 1 cũng được tổ chức vào ban đêm nhiều hơn.

Tránh nắng nóng từ lâu đã là thói quen ở nhiều quốc gia. Các nước Địa Trung Hải được biết đến với thói quen ngủ trưa. Các quốc gia vùng Vịnh cấm làm việc ngoài trời vào thời điểm giữa ngày trong mùa hè. Vào tháng 4/2023, Ấn Độ đã đóng cửa trường học hoặc điều chỉnh lịch học lên thật sớm vào buổi sáng để trẻ em có thể về nhà trước khi nhiệt độ tăng lên mức nguy hiểm. Khi các đợt nắng nóng bao trùm miền Nam châu Âu vào tháng 7/2023, các bác sĩ ở Đức đã kêu gọi ngủ trưa để giúp người lao động duy trì năng suất.

Tuy nhiên, ngay cả khi có thể sắp xếp hoạt động hoàn toàn về đêm, nhịp sinh học vẫn sẽ đặt ra một rào cản không thể thay đổi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, làm việc ca đêm thường đi kèm với một loạt vấn đề về sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và thậm chí là ung thư.

Tại Singapore, Bộ Nhân lực yêu cầu người sử dụng lao động theo dõi nhiệt độ và cung cấp thời gian nghỉ giải lao thường xuyên cho những người lao động ngoài trời. Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) ước tính đến năm 2035, nhiệt độ tăng sẽ khiến nền kinh tế thiệt hại 1,6 tỉ USD/năm. Hiện ngày càng nhiều tòa nhà ở Singapore được chú trọng thiết kế để giảm thiểu tác động nóng lên ở đô thị, chẳng hạn như xây dựng khu vườn trên mái hoặc dùng sơn phản quang. Người dân cũng dành thời gian đến những không gian thú vị, đẹp hoặc tự nhiên để tránh nóng. Dù vậy, Jean Liu - trợ lý giáo sư tại Đại học Yale - NUS - nhận xét: “Một người bình thường vẫn có thể chọn bật điều hòa hết công suất, điều này góp phần làm trái đất nóng lên về lâu dài. Vì vậy, chúng ta cần những giải pháp phản ánh sự hiểu biết sâu sắc về hành vi và tâm lý con người”.

Ngọc Hạ (theo CNA, ILO, Fast Company, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI