|
Vợ chồng chị Lô Thị Cúc - bệnh nhân suy thận, ở trọ gần cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, tỉnh Nghệ An - ngồi ngoài cửa phòng hóng gió cho bớt nóng - Ảnh: Phan Ngọc |
Buổi trưa một ngày giữa tháng Sáu, căn phòng trọ chừng 10m2 kế bên cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh của vợ chồng chị Lô Thị Cúc - 35 tuổi, quê ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An - ngột ngạt dưới tiết trời oi bức, nắng nóng. Chị nói: “Nhiều lúc, nó như phòng xông hơi, nóng kinh khủng”.
Chị Cúc bị suy thận giai đoạn cuối. Nhiều năm qua, họ phải ở trọ sát bệnh viện để tiện cho việc lọc máu, chạy thận. Sức khỏe vốn đã yếu, gặp những ngày nắng nóng đỉnh điểm, bệnh nhân suy thận bị bào mòn sức lực. Chồng chị phải nhúng ướt khăn, lau mát cho chị Cúc. Theo chị Cúc, khi có điện, các cư dân xóm trọ có thể lau nhà, đặt các chậu nước quanh quạt rồi nằm trên nền nhà ngủ tạm. Những hôm bị cắt điện, phần lớn bệnh nhân chạy thận đều không thể trụ lại trong phòng trọ, phải ra vỉa hè ngồi hóng gió hoặc vô bệnh viện tá túc.
Chị Đặng Thị Thủy - 35 tuổi, ở trọ trong khu này để tiện chạy thận - than: “Cũng may, bữa nay chưa bị cắt điện nên còn bật quạt, ngồi được trong phòng. Nhiều đêm, tụi tôi đang ngủ thì mất điện, trằn trọc mãi không ngủ được, phải ôm gối lên bệnh viện nằm ké. Bác sĩ cũng hiểu, ngày nào ít bệnh nhân thì cho vào phòng có máy điều hòa nhiệt độ ngủ nhờ”.
Nhớ lại những ngày luôn sống trong nỗi lo “nơm nớp”, chị Nguyễn Thị Vân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) kể lại, chị vừa sinh con đầu lòng được 3 tháng mà phải đối diện với tình huống cắt điện không được thông báo trước. “Khi bị cắt điện đột ngột, chúng tôi không có cách nào để đối phó với cái nóng. Dù đã cho mặc đồ thoáng, quạt tay nhưng bé vẫn khó chịu, đỏ lựng cả người, khóc quấy mãi. Bất đắc dĩ, mẹ con tôi cùng bà ngoại cháu phải đi thuê nhà nghỉ để ở tạm trong 5 giờ với giá 500.000 đồng”. Do các khu lân cận cũng bị cắt điện nên để tìm được nhà nghỉ có máy điều hòa nhiệt độ, chị phải thuê taxi chạy lòng vòng tìm.
Chị Thu Trang (quận Long Biên, TP Hà Nội) cũng vẫn ám ảnh về việc từng bị cắt điện 2 lần chỉ trong 1 tuần khiến cuộc sống của cả gia đình bị xáo trộn. Chị Trang đi làm cách nhà 12km, công ty chưa bị cắt điện nên vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, trường mầm non nơi con gái 3 tuổi của chị đang theo học gửi thông báo cho trẻ nghỉ học 1 ngày do bị cắt điện. Do không có ông bà hỗ trợ, con gái lại hay khóc nhè, nghịch ngợm, không thể đưa tới công ty nên chị đành viết đơn xin nghỉ việc để ở nhà trông con. Do nhà chị nằm trong khu vực thường xuyên bị cắt điện nên 2 mẹ con phải đưa nhau vào siêu thị từ sớm.
“Lượn mãi trong siêu thị cũng mỏi chân, 2 mẹ con phải ghé quán cà phê rồi đưa nhau đi ăn trưa. Tới 14g, buồn ngủ rũ rượi mà gọi điện về hỏi thăm thì hàng xóm báo vẫn chưa có điện” - chị Trang ngao ngán.
|
Nắng nóng, mất điện, nhiều chủ trang trại gà ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bán hết gà, bỏ trống chuồng - Ảnh: Phan Ngọc |
Mất điện cũng khiến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Anh Nguyễn Hạnh - chủ xưởng may có 20 công nhân ở huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội - cho hay, đúng lúc cao điểm hoàn thành các đơn hàng theo hợp đồng mà điện cứ phập phù. Nếu vận hành máy phát điện thì chi phí thâm vào các đơn hàng gia công giá rẻ. Trong 2 tuần qua, công nhân của xưởng đã phải nghỉ việc 2 ngày do lịch cắt điện.
“Nhận được thông báo cắt điện, chúng tôi cho công nhân nghỉ theo lịch. Nhưng tới đúng ngày đó, ngành điện lại hoãn cắt điện, nhiều người đã bố trí việc riêng nên không thể vào làm. Việc thay đổi lịch cắt điện khiến chúng tôi vô cùng bị động” - anh Hạnh nhăn nhó. Đưa chúng tôi xem thông báo cắt điện từ 13g30 đến 23g cùng ngày, anh cho hay, rút kinh nghiệm các lần trước, anh đã thông báo với công nhân rằng, nếu 14g mà không bị cắt điện thì xưởng vẫn hoạt động bình thường.
Lo gà chết hàng loạt nếu bị cắt điện liên tục, chị Lê Thị Nga - chủ một trang trại chăn nuôi gà ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An - đành phải chi gần 20 triệu đồng để mua máy phát điện. Theo chị, để chống nóng cho đàn gà, chủ các trang trại phải lắp đặt hệ thống phun sương trên mái chuồng trại, lắp đặt hệ thống quạt hoặc giàn mát bên trong chuồng gà. Nếu mất điện, gà sẽ chết ngay. Mấy hôm nay, máy phát điện cũ bị trục trặc nên gà chết lác đác hoặc không chịu đẻ trứng.
Từ 10.000 con gà thịt và gà đẻ trứng, chị phải bán tháo 7.000 con.
Chị Nga than: “Năm nay, người nuôi gà lỗ nặng do giá thức ăn chăn nuôi tăng nhưng giá gà lại giảm. Giờ lại mất điện thường xuyên, mỗi đêm, người nuôi phải tốn thêm vài trăm ngàn đồng tiền dầu để chạy máy phát điện. Đợt này, tôi bán hết gà rồi đóng cửa chuồng chứ càng nuôi chỉ càng thua lỗ”.
Theo ông Nguyễn Đức Thuận - chủ một khu nghỉ dưỡng (resort) ở biển Quỳnh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - chưa bao giờ tình trạng mất điện lại dày đặc và kéo dài như trong mùa hè năm nay. Từ cuối tháng Năm đến nay, khu resort của ông liên tục nhận được thông báo cắt điện, có hôm bị cắt vài giờ, có hôm bị cắt nguyên ngày. Mất điện kéo dài, ông Thuận không dám mở cửa đón khách, thậm chí xin trả lại tiền cọc cho các đoàn khách đã đặt phòng từ trước do sợ mất uy tín. Mới đây, do bị cúp điện đột ngột, ông phải trả lại tiền cọc cho đoàn khách 400 người từ TP Hà Nội vào, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng tiền phòng và hơn 400 triệu đồng tiền mua hải sản.
Ông Đặng Việt Dũng - quản lý một công ty may có 1.400 công nhân ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - cho biết, do điện lưới bị cắt thường xuyên, công ty buộc phải chi thêm 40 triệu đồng tiền dầu mỗi ngày để chạy phát điện công suất lớn nhằm bảo đảm việc giao hàng đúng hẹn. Ông Nguyễn Trung Hải - giám đốc một công ty chuyên sản xuất bột đá siêu mịn ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An - thông tin, việc cắt điện liên tục trong thời gian qua khiến sản lượng của công ty giảm 30 - 40%.
Phan Ngọc - Huyền Anh