Chị Hạnh Dung kính mến,
Vợ chồng em cưới nhau được 3 năm, chưa có em bé. Thời gian đầu trong hôn nhân em luôn nghe và làm theo quyết định của anh ấy. Dần thành thói quen của em. Mãi sau này khi em không nghe theo anh ấy nhiều như xưa thì chúng em đã có nhiều lần cãi nhau. Em và anh ấy hay cãi nhau về tài chính.
Vì trước khi cưới nhau, anh ấy đã có khoảng thời gian dài là người lo tài chính cho gia đình và gánh vác rất nhiều hậu quả từ gia đình để lại cho anh ấy. Em hiểu được vấn đề anh ấy nên em không đòi hỏi anh ấy bất cứ thứ gì, ngay cả tiền anh ấy đi làm em cũng không hỏi đến, không giữ tiền chồng như các chị em hay làm. Nhưng khi em quyết định hoặc làm một việc gì đó liên quan đến tiền hoặc lời nói em nói ra không hợp ý thì anh ấy lại nói rất nhiều, có nhiều lần xúc phạm đến em.
Em đã cố gắng nhiều lần nói chuyện với anh ấy để 2 đứa hiểu nhau hơn, thật là cả 2 cũng có thay đổi được một thời gian nhưng sau vẫn về lại như cũ. Lúc đầu em nghe, em còn nói lại nhưng hiện tại em không còn thiết tha để nói lại anh ấy nữa.
Em làm theo ý của anh ấy, nghe theo anh ấy thì mọi việc êm xuôi nhưng anh ấy không coi em là người không chính kiến, không có lập trường. Còn em làm theo ý em thì em bị nghe lời chỉ trích của anh ấy khi anh ấy thấy không hợp lý (chỉ theo ý kiến riêng của anh ấy)
Hiện em đang rất bế tắc trong cuộc hôn nhân này. Mong chị cho em lời khuyên ạ! Em cám ơn ạ.
Tú Trần
Em Tú Trần thân mến,
Quả thật là khó phải không em. Không nói gì thì bảo không chính kiến, còn nói thì bị chỉ trích, rồi thành chuyện cãi cọ nhau. Thế nhưng điều đáng sợ nhất không phải là thái độ của chồng em với chuyện em nói hay im lặng, mà đáng sợ nhất là tình trạng hôn nhân mà em cảm thấy là bế tắc.
Tựa câu hỏi em đặt ra cho Hạnh Dung là "Vợ chồng không thường xuyên nói chuyện với nhau". Nghe có vẻ đơn giản và bình thường, nhưng thật ra đây luôn là vấn đề lớn của hôn nhân. Giao tiếp vợ chồng là điều vô cùng quan trọng với nhau. Giao tiếp vợ chồng giúp gắn kết, chia sẻ, hiểu nhau và đây là một trong những điều làm nên hạnh phúc gia đình.
Chính vì thế kỹ năng giao tiếp vợ chồng là vô cùng quan trọng và nó phải được xây dựng trong một thời gian rất dài và luôn luôn được cả hai cùng điều chỉnh với nhau. Khi nói về một thời gian rất dài thì nó cũng luôn có điểm đầu tiên, điểm bắt đầu, sao cho đúng và phù hợp thì nó mới có thể có được quãng đường sau đó dễ chịu.
Và dường như là em và chồng đã không có điểm đầu tiên quan trọng đó. Khi mà em ngay trong thời gian đầu đã không tạo lập được sự giao tiếp với chồng một cách đúng đắn mà chỉ là "em luôn nghe và làm theo quyết định của anh ấy. Dần thành thói quen của em". Mà Hạnh Dung nghĩ rằng không chỉ là thói quen của em đâu, mà nó thành thói quen được em nghe lời và phục tùng của anh ấy.
Có lẽ nó bắt đầu từ những vấn đề nho nhỏ mà em thấy rằng nghe và làm theo cho đơn giản, cho đến khi trong cuộc sống gia đình không thể không có những vấn đề lớn hơn và thói quen đó của cả hai không còn thích hợp để giải quyết những vấn đề lớn, như là tài chính gia đình.
Đến lúc này thì em không thể thường xuyên nghe và làm theo, còn anh ấy thì không thể chấp nhận sự riêng tư của em dù em đã không động tới vấn đề của anh ấy. Và từ đó mà các cuộc tranh cãi bùng nổ, trở nên nặng nề và khó chịu khi anh ấy mang thói quen giao tiếp cũ vào việc giải quyết những vấn đề mới.
Bây giờ đây thay vì phài tìm cách giải quyết triệt để vấn đề của hai người thì em lại im lặng. Nhưng sự im lặng đó có giúp gì cho đời sống hôn nhân của em hay không, tự em cũng nhìn thấy. Em chỉ cảm thấy ức chế và chán nản hơn. Sự ức chế và chán nản ngày càng kéo dài đó sẽ được chịu đựng đến bao nhiêu?
Nếu còn tha thiết với cuộc hôn nhân này và còn cảm thấy cả hai có những ước mong hạnh phúc cùng nhau xây dựng thì em và chồng nên tìm mọi cách để có thể nói với nhau về những vấn đề của cuộc hôn nhân của hai người mà trong đó quan trọng nhất là cách trò chuyện và giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống chung với nhau. Đặc biệt lúc này là vấn đề tài chính của vợ chồng.
Đừng e ngại mâu thuẫn, căng thẳng, mệt mỏi. Cuộc đấu tranh nào cũng sẽ có những sự mệt mỏi khó chịu của nó. Chỉ có điều, em và chồng phải xác định với nhau rằng đấu tranh này không phải là cuộc đấu tranh để triệt hạ nhau, đối đầu nhau, mà để nhìn ra cả hai còn bao nhiêu yêu thương dành cho nhau, và tìm ra tiếng nói chung để có thể trò chuyện với nhau, con đường chung để đi chung.
Nói chuyện, có thể cũng không chỉ mang ý nghĩa là ngồi xuống và trò chuyện. Nếu quá khó khăn để tập trung trí óc và ngôn ngữ khi nói thì em và chồng cũng có thể viết cho nhau, nhắn tin cho nhau... Cách nào cũng được, miễn là cả hai cùng có thiện chí để tìm ra được tiếng nói chung với nhau.
Lúc này các em còn chưa có con, đây là một điểm hết sức thuận lợi để các em còn có thể giải quyết rốt ráo mọi vấn đề của hôn nhân nếu các em cùng nhìn thấy rằng nó đang có vấn đề và vấn đề rất lớn nữa là khác. Em đừng im lặng nữa mà hãy cố gắng thêm một lần nữa để cả hai có thể cùng nói và cùng nghe nhau.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn