Cuộc sát hạch cho giải Cánh diều 2019

15/05/2020 - 07:42

PNO - Đại dịch, quy định giãn cách xã hội khiến Cánh diều phải thu hẹp quy mô tổ chức, nhưng điều này tương thích với thực trạng chất lượng của giải thưởng năm nay.

Trao giải chậm gần hai tháng so với dự tính, giải Cánh diều 2019 công bố ngày 12/5 vừa qua, vô tình thành một cuộc sát hạch tại rạp về tác động tích cực của giải, khi trùng hợp một số phim đoạt giải được trình chiếu lại hoặc sắp ra rạp. Cánh diều liệu có tạo ra cú hích cho phim Việt, hay cũng chỉ là cuộc chơi nội bộ ngành như bấy lâu? Câu hỏi này vẻ như sắp có lời đáp.

Giải thưởng sẽ là giá trị cộng thêm?

Ngày 16/5 tới, lễ trao giải Cánh diều 2019 cho các nhà làm phim phía Nam sẽ diễn ra tại trụ sở Hội Điện ảnh TP.HCM. Cũng như mùa giải năm trước, ở mảng phim truyện điện ảnh, giới làm phim phía Nam thắng gần như tuyệt đối khi ẵm trọn các hạng mục tác phẩm, cá nhân quan trọng. 

Phim Truyền thuyết về Quán Tiên ra rạp ngày 22/5 tới là dịp để khán giả “kiểm tra” chất lượng của hạng mục Cánh diều Bạc 2019
Phim Truyền thuyết về Quán Tiên ra rạp ngày 22/5 tới là dịp để khán giả “kiểm tra” chất lượng của hạng mục Cánh diều Bạc 2019

Riêng phim Hạnh phúc của mẹ chiếm đến 7/12 giải, trong đó có hạng mục “đinh” Cánh diều Vàng Phim truyện xuất sắc. Còn lại các phim đã ra rạp trong năm qua như Hai Phượng, Anh trai yêu quái, Nắng 3, Gái già lắm chiêu 3, Mắt biếc đều nhận từ một đến ba giải thưởng. 

Tác phẩm duy nhất đến từ phía Bắc được tôn vinh là Truyền thuyết về Quán Tiên với giải Cánh diều Bạc và giải Âm nhạc xuất sắc. Đây cũng là phim duy nhất chưa chiếu thương mại, vì vậy, việc tác phẩm mới nhất này của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ được chính thức phát hành từ ngày 22/5 tới sẽ trở thành một cuộc sát hạch cho cả bộ phim lẫn giải Cánh diều.

Chuyện một phim chưa phát hành ở rạp nhưng vẫn dự thi và có khi chiến thắng, vốn rất quen thuộc ở khuôn khổ giải Cánh diều và cũng là một trong những lý do khiến Cánh diều luôn gây tranh cãi. Năm nay, ngoài Truyền thuyết về Quán Tiên, còn có hai phim dự thi khác là Lính chiếnGiã từ cô đơn chưa ra mắt công chúng rộng rãi. 

Phim đoạt giải xong mất hút trên thị trường vốn dĩ cũng là chuyện không mới ở Việt Nam. Thêm vào đó, giải Cánh diều vốn dĩ là cuộc tổng kết ngành điện ảnh trong năm, khi các tác phẩm đoạt giải cũng là lúc phim đã xong vòng đời tại các rạp, nên khán giả cũng khó có điều kiện kiểm chứng tính thuyết phục của giải thưởng.

Gái già lắm chiêu 3 sẽ tái chiếu sau giải cánh diều vàng
Gái già lắm chiêu 3 sẽ tái chiếu sau giải cánh diều vàng

Nhìn ra thế giới, các giải Oscar, Cành cọ vàng… luôn là đòn bẩy giúp phim thêm hút khách, nhưng ở Việt Nam các giải thưởng chuyên môn chưa bao giờ phát huy tác dụng phụ đó. Vì vậy, sự kiện nhiều phim đoạt giải như Nắng 3, Anh trai yêu quái, Gái già lắm chiêu 3 tái chiếu trong dịp này, và phim Truyền thuyết về Quán Tiên sắp ra rạp có thể xem là cơ hội hiếm có để Cánh diều chứng minh uy tín của giải, thông qua việc tạo ra giá trị cộng thêm cho phim, cụ thể là doanh thu. 

Riêng với trường hợp Truyền thuyết về Quán Tiên, đây còn là dịp để người xem thẩm định hiệu quả đầu tư của Nhà nước vào việc làm phim, bởi tác phẩm này được Nhà nước trợ vốn. 

Đưa diều bay về đúng quỹ đạo

Khác với những mùa giải trước được tổ chức luân phiên thường niên tại Hà Nội và TP.HCM cùng với cả truyền hình trực tiếp, dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ trao giải Cánh diều năm nay diễn ra riêng rẽ ở Hà Nội ngày 12/5 và ở TP.HCM ngày 16/5. Không có truyền hình trực tiếp, phạm vi tổ chức cũng chỉ ở trụ sở Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Điện ảnh TP.HCM, giải Cánh diều trở về đúng nghĩa với một cuộc tổng kết hoạt động ngành, như các ngành nghề nghệ thuật khác. 

phim Mắt biếc
Phim Mắt biếc

Đại dịch, quy định giãn cách xã hội khiến Cánh diều phải thu hẹp quy mô tổ chức, nhưng điều này tương thích với thực trạng chất lượng của giải thưởng năm nay. 16 phim truyện điện ảnh dự thi tuy nhiều hơn mùa giải năm ngoái (2018 có 13 phim), nhưng cũng là một con số quá ít ỏi so với hơn 40 phim ra rạp năm 2019.

Lượng phim tranh giải không nhiều, trong đó có cả những tác phẩm “thảm họa” như Tiền nhiều để làm gì phần nào nói lên thực trạng bẽ bàng là ngay cả người trong nghề cũng không mấy thiết tha với Cánh diều để gửi phim dự thi. Không có nhiều phim để chọn, dòng phim phần lớn chỉ là phim giải trí, nên việc chọn lựa giải Vàng, Bạc cũng chỉ mang tính “so bó đũa chọn cột cờ”, chưa thuyết phục được ngay với người trong nghề, nói chi đến người ngoài là khán giả. 

Nguyễn Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI