Có một sự khác biệt đáng kể khi chỉ trong vòng một buổi sáng, chúng tôi tiếp xúc và trao đổi với những đồng nghiệp của Sputnik, thuộc hãng Thông tấn Nga và tờ Sự thật Côm - xô - môn. Phòng họp, cũng là nơi tiếp khách của Sputnik khá tiện nghi, hiện đại và qua mấy hàng rào an ninh. Trong khi, trưởng ban biên tập của tờ Sự thật Côm - xô - môn ra tận cổng đón chúng tôi, ông ân cần và tường tận nói về những tờ báo giấy, tính hiệu quả tương tác của tờ điện tử.
Sau lưng ông, hình Tổng thống Putin trong dáng dấp của một sĩ quan KGB, trước mặt ông là nơi trưng bày những kỷ vật của các nhà báo cách mạng đã hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại; những bài báo của Thanh niên Côm - xô - môn, những tấm huy chương yêu nước…
|
Đài tưởng niệm chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945 cao 141.8m nhắc nhở về 1.418 ngày đêm chiến đấu của chiến sĩ Hồng quân |
Sự kiện lịch sử 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga hiện diện thế nào trong đời sống nhân dân Nga, trong cách đón dòng thời sự của các đồng nghiệp Nga? Sự thật Côm - xô - môn đã chuẩn bị các tuyến bài từ cả năm nay, lượng bài đổ về không ít, đó không chỉ là ký ức mà còn là sự tiếp nối, sự lựa chọn của một bộ phận dân tộc Nga. Sputnik đặt ngày 7/11 là một trong những sự kiện thông tấn đang diễn ra, đó là một phần của lịch sử nước Nga.
Chúng tôi xác tín với đồng nghiệp Nga: Đó cũng là một dấu nối lịch sử của chúng tôi, không chỉ là ký ức mà là con đường chúng tôi bước tiếp, với tâm thế dân tộc, với vị thế Việt Nam.
Con đường ấy đâu chỉ trăm năm, đất nước này vẫn đang gối đầu trong lòng bách Việt. Cũng như đêm kỳ diệu tại Viện Smolny, những chiến sĩ Bolshevik đâu chỉ tiến hành cuộc cách mạng bão táp cho chính quyền các xô viết, họ thực thi công lý của nhân dân Nga.
|
Phút thư giãn yên bình của du khách bên người cựu binh Nga tại phố đi bộ Arbat |
Trong cuốn Mười ngày rung chuyển thế giới (NXB Tổng hợp TP.HCM - 2017), tác giả người Mỹ, John Reed gọi Cách mạng tháng Mười Nga là “cuộc phiêu lưu tuyệt vời nhất của nhân loại, cuộc phiêu lưu đã mở cửa cho quần chúng lao động bước vào lịch sử, và làm cho từ nay trở đi mọi việc đều phải tùy thuộc vào những nguyện vọng to lớn và tự nhiên của họ”.
Nước Nga, dân tộc Nga đâu chỉ một lần thực hiện “cuộc phiêu lưu tuyệt vời”!
***
Sáng mùa hè, trời trong, chúng tôi cuốc bộ lên ngọn đồi Poklonnaya, từ đây, ngoảnh lại, cúi chào (poklonnaya cũng có nghĩa là cúi chào) thành phố Moskva và đại lộ Kutuzov thênh thang trước mặt. Chẳng phải tình cờ khi hậu thế đặt tên vị nguyên soái Kutuzov cho đại lộ dẫn lên đồi Poklonnaya, bởi ngay tại di chỉ này, năm 1812, Napoléon Bonaparte đã đứng chờ để lấy chiếc chìa khóa mở cổng thành Moskva, tấn công và thôn tính nước Nga. Ngờ đâu, vị tướng Pháp lẫy lừng chinh phạt khắp châu Âu, buộc phải dừng lại và… cúi đầu khuất phục trước vị nguyên soái độc nhãn của nước Nga.
Sức mạnh hiếu chiến, thói ngạo mạn của đội quân chinh phạt bách chiến bách thắng, đến một thời điểm lại là tử huyệt của chính họ. Cả Napoléon lẫn Hiller đều tự kết liễu tham vọng điên cuồng của mình trong chính cái sức mạnh “bão táp” (tên chiến dịch của Đức quốc xã khi tấn công nước Nga) mà họ dựng lên. Hay có một nhựa sống Nga kỳ lạ vẫn âm thầm nung chảy trong bạt ngàn cánh rừng bạch dương, nơi đáy sông Volga hiền hòa mà cuồn cuộn sóng.
|
Cuộc điều quân rời bỏ Moskva về Tarutino và cuộc vây ráp, chặt đứt mọi cánh cửa của đội quân viễn chinh Pháp ngay giữa mùa đông nước Nga được lưu giữ trên những bức tranh mô hình Diorama |
Cuộc đón tiếp người Pháp tại trận chiến Borodino và quyết định rời bỏ Moskva, sau khi cho dời dân chúng và thiêu hủy toàn bộ thành phố, điều quân về Tarutino là “phép thuật” của bậc thiên tài quân sự Kutuzov. Nó không khác mấy kế sách thanh dã - vườn không nhà trống mà tướng quân Trần Hưng Đạo đã áp dụng khi quyết định rời Thăng Long, tránh một cuộc chiến không cân sức, làm mỏi mòn, tiêu hao sinh lực địch, cản bước tiến của quân thù.
Chỉ mỗi phép tính, mất Moskva không có nghĩa là mất nước Nga, nhưng quân đội Nga suy yếu, tan rã thì nước Nga sẽ không còn, Kutuzov điều quân về Tarutino, vừa dưỡng quân, luyện binh, hiệu triệu nhân dân cùng tham gia kháng chiến, vị nguyên soái tài ba ấy đã khơi dậy tinh thần và sức mạnh của cả dân tộc. Chiến thắng tất yếu thuộc về nước Nga của Kutuzov.
Cũng như sức mạnh quyết tử của Hồng quân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của đại nguyên soái I.Stalin ngay tại thủ đô Moskva, chặn bước tiến công của Hiller không phải là để đi đến tử thủ mà làm chậm đội quân hiếu chiến, kéo dài thời gian để lùi dần về mùa đông, nơi đoàn quân viễn chinh ắt sẽ không chống đỡ nổi thời tiết khắc nghiệt, địa hình lẫn tinh thần Hồng quân.
Không tương quan lực lượng, chưa bao giờ tỏ ra hiếu chiến để châm ngòi cho một cuộc chiến tranh, nhân dân Nga bước vào binh biến là để vệ quốc, không gì hơn. Và cả hai cuộc đại chiến nói trên, chính nước Nga là phía chọn ngày chiến thắng. Khi Napoléon cho người sang thương lượng để chấm dứt chiến tranh, Kutuzov đã trả lời: “Chấm dứt chiến tranh ư, chúng tôi chỉ mới bắt đầu”.
Bắt đầu cho cuộc giải phóng toàn thể nhân dân châu Âu khỏi sự chiếm đóng của quân viễn chinh Pháp. Cũng như Hồng quân Liên Xô băng băng tiến về phá bỏ Vòng cung Kursk (1 chiến dịch của Đức) lần lượt giải phóng các nước vùng Baltic, loại khỏi vòng chiến các đồng minh của Đức quốc xã.
Nước Nga chưa bao giờ tham chiến cho riêng họ, mà từ tinh thần giữ nước, bảo vệ nhân dân, họ “phiêu lưu” thực thi nhiệm vụ quốc tế đầy nhân văn và cao cả. Dân tộc ấy không chỉ quyết tử cho tổ quốc họ quyết sinh mà còn vì một phần của nhân loại đang đứng trước nguy cơ hủy diệt của phát xít, của tư tưởng độc tôn vẽ lại bản đồ thế giới.
Đêm 7/11, tại Smolny, V.I Lênin đã kết luận: “Cách mạng ngày 6,7/11 đã mở ra kỷ nguyên cách mạng xã hội. Phong trào công nhân, nhân danh hòa bình và chủ nghĩa xã hội, sẽ thắng và hoàn thành sứ mệnh của nó”. Đó chẳng phải là cuộc “phiêu lưu tuyệt vời” cho các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, cho sự cân bằng hai hay các bên của khu trục trật tự thế giới, cho đến tận ngày nay?
***
Tại Bảo tàng Hermitage, Cung điện mùa Đông, có một bờ tường cao phủ kín tranh chân dung các vị tướng qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, đôi chỗ lại là ô trống. Tôi hỏi người hướng dẫn viên già, bà bảo, đó là những vị tướng chưa tìm thấy ảnh và xác nhận ngày hy sinh nhưng họ xứng đáng có một vị trí vinh danh tại đây.
|
Họ xứng đáng có một vị trí vinh danh tại Bảo tàng Hermitage |
Những đêm trắng ở Saint Petersburg, tôi thích đi dọc những con kênh đào nằm sâu trong thành phố, không phải chỉ để nhìn những đôi tình nhân yêu nhau dưới cái màu sáng bàng bạc về đêm ấy mà là ngắm những bờ tường uy nghi của đền đài, thánh tích.
Nó còn lưu giữ toàn vẹn cả kiến trúc Byzantine hậu kỳ lẫn hội họa tạo dựng từ sau Cách mạng tháng Mười. Bên dưới những mái nhà vòm củ hành đặc trưng, nằm xen lẫn giữa những tượng thần Hy Lạp có phần cô độc giữa bầu trời xám lạnh lại là những khối đá tạc hình búa liềm sao đỏ. Tất cả đã trở thành di sản Nga, như chưa bao giờ bị phế bỏ, bị quên lãng.
Tôi nhớ, danh họa Nga Savrasov, người thầy của họa sĩ tài hoa Levitan đã lấy làm xấu hổ về người bà hành nghề ăn xin của mình, lúc hấp hối, bà cầm tay đứa cháu mà dặn rằng, “cháu hãy học vẽ thế nào để cho cả tâm hồn ta phải khóc vì cái đẹp của đất trời”.
|
Cuộc “phiêu lưu tuyệt vời” của ngày hôm qua đang viết tiếp lịch sử cho thế hệ mai sau |
22 triệu chiến sĩ và thường dân Nga đã ngã xuống cho cuộc chiến chống phát xít, bảo vệ nền hòa bình thế giới. Nước mắt của người Nga đã rơi vì “cái đẹp của đất trời”, nơi con người cần được yêu thương và bảo vệ, nơi mãi mãi “Hòa bình - ruộng đất - bánh mì” là chân lý của cuộc “phiêu lưu tuyệt vời” của triệu triệu cần lao…
Lê Huyền Ái Mỹ