Con giun xéo lắm cũng quằn
Nhưng một tuần rồi hai tuần, chẳng thấy anh đả động gì đến tờ đơn oan nghiệt kia. Nghe tôi thúc giục, anh nổi đóa: “Bà điên rồi hả? Đang yên đang lành bà đốt nhà làm chi. Giờ đàn ông có ai không nhậu mà bà cấm tôi?”.
Tôi không dằn lòng được, hét lại: “Tôi đâu cấm ông nhậu, nhưng tôi đã nói rồi, mỗi tuần vài lần là quá lắm rồi. Con ngày càng lớn, tôi không muốn nó nhìn thấy hình ảnh người cha suốt tuần đêm nào cũng lấy “rượu bia làm bạn, lấy quán nhậu làm nhà”. Giờ ông đâu còn trẻ, sức khỏe có hạn mà cứ phung phí như vậy. Sau này tôi không hầu cái xác con ma men đâu nhe!”.
Thấy tôi gầm gừ, anh ở nhà được đúng hai tối, rồi lại kiếm cớ lừa tôi để tung tăng với bạn nhậu. Tỉnh ra, lại xin lỗi: “Anh không ra nhậu tụi nó chửi em đó còn nói anh sợ vợ”. Cứ thế, hình ảnh người chồng, người cha bợm nhậu tiếp tục diễn ra trong nhà của tôi - một hình ảnh mà tôi không thể quen mắt khi tôi lớn lên trong gia đình mà cha và anh trai đều là những ông Phật sống.
“Con giun xéo lắm cũng quằn”, một đêm nọ, tôi cương quyết không cho anh vào nhà sau chầu nhậu bí tỉ. Anh đập cửa, tè ra trước nhà rồi bắt đầu chửi thề và hét lớn: “Có mở cửa cho tao vô không? Muốn tao đốt nhà để mẹ con mày thành chuột chết cháy hả?”.
Anh khuấy động cả khu xóm vốn ít có đàn ông nhậu bằng vở diễn hết sức trần trụi. Tôi mắc cỡ đến không biết chui vào đâu.
Biết máu điên của anh, tôi đành nhịn nhục mở cửa trong ấm ức và nhắc đến tờ đơn ly hôn. “Thằng say” trong anh đến lúc này mới chịu ký cái rẹt! Anh chắc vẫn nghĩ tôi dọa thôi. Cho đến khi tòa án gửi giấy mời lên hòa giải anh mới giật mình, tin rằng tôi dám làm thật sau thời gian dài “cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm”.
Có trăm cung bậc cảm xúc
Ngày lên tòa, anh vẫn ra khỏi nhà từ sớm theo thói quen rồi điện thoại hỏi tôi mấy giờ bắt đầu từ nhà đi và có cần anh quay về chở không? Tôi từ chối: “Em quen đi một mình nhiều năm rồi anh”. Đến tòa, thấy tôi cà nhắc lê từng bước lên bậc cầu thang do thoái hóa khớp gối, anh đi sau, liền mau mắn như “thuở mới yêu”: “Có cần anh cõng lên cầu thang không?”.
Tôi lạnh toát mồ hôi, định thần lại xem phải người vừa thốt lên những câu đường mật ấy là người mà tôi đã phải mất cả năm cân nhắc hơn thiệt đủ đường để quyết định nộp đơn chấm dứt chiến tranh lạnh hay không? Một thoáng vụt qua trong đầu tôi: “Ông này đúng diễn hay? Nếu trong cuộc sống hằng ngày ông nói đều đặn những câu tử tế kiểu này thì chắc gì có ngày hôm nay?”.
Tôi bình tĩnh dặn lòng: chớ để bị lừa một lần nữa nhe! Dù tôi lắc đầu từ chối lời đề nghị nhưng anh vẫn đưa tay đỡ tôi lên lầu 2 của tòa - nơi có những người “ngoài cuộc” sáng suốt phán xét cuộc hôn nhân của chúng tôi.
Thấy chúng tôi vui vẻ cùng bước vào phòng trình diện, cách trao đổi và trả lời những câu hỏi của thư ký tòa án hết sức lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, người cầm cân nảy mực nói đùa: “Tôi làm ở tòa khá lâu, xử không biết bao nhiêu vụ ly hôn, nhưng ít thấy cặp nào đến tòa mà vẫn lịch sự, văn minh như anh chị. Tôi hỏi thật, hai người có muốn rút đơn lại không, vẫn còn kịp đó”. Anh quay sang nhìn tôi. Tôi lắc đầu cương quyết. Vị thẩm phán tiếp tục: “Anh chị nên suy nghĩ cho kỹ. Chị cũng 50 tuổi rồi, không dễ dàng tìm được hạnh phúc mới đâu”. Tôi im lặng, nghĩ chắc vị thẩm phán nhầm ý định của tôi. Tôi muốn được giải thoát vì con tôi không thể lấy hình ảnh “bợm nhậu” của cha làm tấm gương cho nó; tôi không thể tiếp tục chịu đựng mùi hôi hèm và tiếng ngáy như sấm sau những chầu li bì của chồng. Đơn giản vậy thôi. Còn anh có “tiểu tam” hay không, thật lòng tôi đã không quan tâm từ lâu.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Sau hàn gắn bất thành, tòa ra quyết định cho chúng tôi thuận tình ly hôn. Tài sản chung chúng tôi tự thương lượng vì không muốn biến tòa án thành nơi “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” còn bao nhiêu để chia đôi? Chúng tôi bằng tuổi này mà ngồi để các bạn đáng tuổi con em phán xét mình thế này cũng đủ nhục lắm rồi.
Tôi và anh rời khỏi tòa trong “hòa bình”. Lời cuối tôi nói với anh tại bãi xe: “Anh giữ gìn sức khỏe, bớt nhậu lại”. Anh cũng dặn tôi: “Em một mình nuôi hai thằng con trai, phải hết sức nghiêm khắc, đừng để tụi nó ăn hiếp em”.
Dù cố giữ cho lòng dạ sắt đá trước “người lạ” ở tòa, nhưng vừa rồ ga, nước mắt tôi đã tuôn thành dòng. Hả hê. Hờn trách. Buồn bã. Lo lắng… Hàng trăm cung bậc cảm xúc đang giằng xé nội tâm của tôi. Tôi không biết cung bậc nào dành cho mình lúc ấy là chính xác nhất. Chỉ thấy mình chơ vơ. Đau vì thất bại. Đau vì mất mát, dù tôi là người chủ động đưa đơn; dù anh đã chục lần hỏi đi hỏi lại: “Em suy nghĩ kỹ chưa?”.
Giữ hình ảnh trong mắt nhau
Năm đầu, dù chưa đến nỗi “không ai nhìn mặt ai” nhưng tôi khó dễ, không muốn anh gặp con nhiều. Nhưng sau đó, mỗi dịp hè, anh lại sang đón con đi chơi cùng anh và đám bạn bè anh. Tôi buộc phải cho con đi với ba của nó, vì đó là quyền và nghĩa vụ của anh đã được pháp luật công nhận.
Tôi chỉ lo con lại ăn nhậu như ba nó. Lúc nào nó sang nhà ba nó dự đám giỗ hay tiệc tùng gì cũng gặp “bạn gái” của ba. Cậu con trai cũng tế nhị, chẳng bao giờ về “méc” mẹ. Mãi đến khi tôi hỏi xa xa kiểu “đại bác bắn bảy ngày chưa tới” thì nó mới “bật mí” là có cô A., cô B., cô C… gì đó. Nhưng cái kiểu “mỗi lần một cô” như thế khiến tôi hiểu ba nó chỉ chơi cho khuây khỏa chứ thật sự thì chưa có ai “nâng khăn sửa túi”. Nhưng với tôi, hỏi là cho có chuyện, chứ trong lòng tôi luôn cầu mong cho ba nó sớm yên bề gia thất. Thôi kệ, chuyện của anh, tôi không quan tâm. Còn tôi, chỉ âm thầm nỗ lực làm việc để nuôi con.
Dù chúng tôi đã đường ai nấy đi, nhưng ít nhất một năm vài lần, trong dịp sinh nhật chồng tôi, con tôi, kể cả tôi; chồng cũ tôi đều nhớ và chủ động rủ mấy mẹ con tôi cùng đi ăn với anh cho có không khí gia đình. Ban đầu tôi cũng thấy ngại nên hay hỏi đùa: “Anh đi chung với mẹ con em có sao không? “Người ấy” của anh có gào lên không đó? Ông cũng úp mở: “Ối dào, bà cứ lo bò trắng răng; cứ đi bình thường như hồi xưa; chừng nào có gì tôi nói”. Vô bàn ăn, anh vẫn nhớ đúng khẩu vị từng thành viên trong nhà chúng tôi: con trai nhỏ thích cay, hơi ngọt; cậu lớn thích chua; tôi thích nhạt, hơi chua, ít cay… Có lần, mấy người bạn quen của cả hai bắt gặp chúng tôi ăn cùng nhau tại một quán quen; họ đều sang bàn chúc mừng vì nghĩ gia đình chúng tôi sum họp trở lại. Chúng tôi cũng chẳng thanh minh thanh nga làm chi cho hổ ai.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Dần dần những việc “xích lại gần nhau” đã giúp chúng tôi lấy lại hình ảnh trong mắt nhau, trở về thành những người bạn, người đồng nghiệp như một thời đã từng. Thời gian đầu qua lại cũng hơi thấy sượng; nhưng giờ mọi rào cản đã được khai phá. Những lúc nhà hư điện nước hay một vài thứ lặt vặt mà thằng con trai chưa thể khéo tay để sửa được, tôi lại điện thoại nhờ anh thu xếp qua sửa. Mỗi lần như thế anh lại đùa: bà trả cho tôi một chầu nhậu đó nhe. Dĩ nhiên tôi không dại gì đãi anh bia bọt - cái thứ mà tôi cố gắng kéo anh ra khỏi nhưng bất thành.
Thôi đành vậy, qua lại vui vẻ để ít nhất con tôi còn có cha, tôi đỡ mang mối hận nặng lòng. Quan trọng là con trai tôi đôi khi có chỗ tin tưởng để gửi gắm tâm sự khi mà nó không thể nói được với mẹ những chuyện “phòng the” mang tính đàn ông như làm cách nào “cua” được cô bé xinh nhất lớp đó hay làm sao tạo ấn tượng, tăng tính hấp dẫn của đàn ông trước một đám đông con gái?
Việc thỉnh thoảng có ba đến chơi cũng giúp nó một số kỹ năng cần thiết phải có của đàn ông mà tôi không dạy được như tập cho con đi xe máy, dạy con đóng cây đinh, sửa những lỗi nhỏ của ống nước, bếp điện, quạt…
Nhưng dù sao tôi luôn dặn lòng: cứ như thế thôi nhe, quay về lại có ngày bị anh chồng cũ làm cho xấu mặt nữa đó!
Xuân Hòa