Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở châu Phi ngày càng trầm trọng

29/05/2022 - 13:42

PNO - Al Jazeea dẫn chứng, thị trấn Djibo (tỉnh Soum, Burkina Faso) hiện đang là một trong những nơi cần được viện trợ khẩn cấp.

 

Bạo lực, bất ổn, nạn đói... khiến hàng triệu người châu Phi phải rời bỏ nhà cửa
Bạo lực, bất ổn, nạn đói... khiến hàng triệu người châu Phi phải rời bỏ nhà cửa

Ngày 27/5, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tập trung tại một hội nghị thượng đỉnh tại Malabo, Guinea Xích đạo, để giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ngày càng tăng của các nước trong khu vực này, nơi có hơn 280 triệu người suy dinh dưỡng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Theo tờ Al Jazeera, châu Phi cũng là nơi cũng đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia tăng, những thách thức do biến đổi khí hậu, và hàng loạt các cuộc đảo chính quân sự.

Al Jazeea dẫn chứng, thị trấn Djibo (tỉnh Soum, Burkina Faso) hiện đang là một trong những nơi cần được viện trợ khẩn cấp. Nơi đây - nằm ở Sahel, một khu vực rộng lớn phía dưới sa mạc Sahara - đã bị cô lập từ tháng Hai, khi các chiến binh ngăn cản người và hàng hóa ra vào, và cắt nguồn cung cấp nước.

Rất ít tài xế xe tải chở hàng muốn đối đầu các nhóm vũ trang này. Vì vậy, người dân của thị trấn đang khốn khổ vì không có thức ăn hoặc nước uống, động vật thì chết dần, và giá ngũ cốc tăng đột biến.

“Hàng hóa không về được đến đây nữa. Nhiều người dân không thể chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, vì họ không trở về làng của mình được. Nếu không có giải pháp, tình trạng này sẽ thực sự là một thảm kịch cho toàn bộ những người dân tại đây”, Barbara Manzi - một cư dân của Djibo, và hiện là điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) - cho hãng tin Associated Press biết mới đây.

“Hiện nay, bạn không thể mua được bất cứ thứ gì ở đây, dù cho bạn có tiền. Chúng tôi đến đây với 4 con lừa và dê, nhưng vài con đã chết vì đói. Chúng tôi buộc phải bán những con còn lại, nhưng thật không may, giá động vật đã giảm”, Mamoudou Oumarou, 53 tuổi, than thở.

Oumarou đã bỏ trốn khỏi làng của mình vào tháng Hai, và cho biết việc phong tỏa ở Djibo đã khiến mọi người không thể đến chợ để mua và bán gia súc, làm nhu cầu và giá bán động vật giảm một nửa.

Trước khi xảy ra bạo lực, thị trấn Djibo có một trong những chợ gia súc lớn nhất và quan trọng nhất ở Sahel, và là một trung tâm kinh tế nhộn nhịp. Alpha Ousmane Dao - Giám đốc của Seracom, một tổ chức viện trợ địa phương ở Djibo - cho biết, thị trấn này đã từng có khoảng 600 xe tải ra vào hàng tháng, nhưng hiện chỉ còn dưới 70 chiếc.

Burkina Faso đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đói tồi tệ
Burkina Faso đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đói tồi tệ

Kể từ tháng 11/2021, tình trạng mất an ninh trong khu vực đã gia tăng. Người dân địa phương cho biết các nhóm vũ trang đã phá hủy cơ sở hạ tầng cấp nước trong thị trấn, và đặt thuốc nổ xung quanh Djibo để phong tỏa thị trấn này.

Dân số của thị trấn đã tăng từ 60.000 lên 300.000 trong vài năm qua khi mọi người chạy trốn khỏi vùng nông thôn để thoát khỏi bạo lực.

Burkina Faso đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đói tồi tệ nhất trong 6 năm, hơn 630.000 người đang trên bờ vực của nạn đói, theo LHQ.

Antoine Renard - Giám đốc quốc gia của Chương trình Lương thực thế giới ở Burkina Faso - cho biết, do Djibo bị phong tỏa, Chương trình Lương thực Thế giới đã không thể giao thực phẩm đến thị trấn kể từ tháng 12/2021, và các kho dự trữ tại đây đang cạn kiệt.

Djibo cũng là tâm điểm của cuộc bạo lực liên quan đến al-Qaeda và nhóm ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông) khiến hàng ngàn người thiệt mạng và gần 2 triệu người phải di tản. Mặc dù Djibo và tỉnh Soum đã trải qua những giai đoạn yên bình, chẳng hạn như thời gian ngừng bắn tạm thời giữa các chiến binh và chính phủ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, nhưng thỏa thuận ngừng bắn đã không kéo dài.

Laith Alkhouri - Giám đốc điều hành của Intelonyx Intelligence Advisory, một tổ chức cung cấp phân tích thông tin tình báo, cho biết phong tỏa các thị trấn và thành phố là một chiến thuật được các nhóm vũ trang sử dụng để khẳng định sự thống trị, và cũng có thể là một cách để khiến chính phủ quân sự mới của Burkina Faso, đã nắm quyền vào tháng Một, phải quay lại lời hứa giải tán các lực lượng chiến đấu.

Nhất Nguyên (theo Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI