Cuộc khủng hoảng nhân đạo không có lối thoát ở Tigray

26/02/2021 - 13:46

PNO - Nhiều tháng sau khi nổ ra cuộc xung đột vũ trang ở vùng Tigray của Ethiopia, những nạn nhân thực sự của chiến sự - những người tị nạn cùng quẫn hàng ngày phải đối phó với tình trạng cướp bóc và bạo lực tình dục, khiến hàng ngàn người phải bỏ trốn – không nhận được bất kỳ sự cứu trợ nào từ các quốc gia và tổ chức quốc tế.

LHQ mô tả cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Tigray là một “tình huống cực kỳ nghiêm trọng” - Ảnh: DW/Getty Images
LHQ mô tả cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Tigray là một “tình huống cực kỳ nghiêm trọng” - Ảnh: DW/Getty Images

Cuộc khủng hoảng nhân đạo

Mặc dù đã 3 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, các tổ chức viện trợ đến nay vẫn chưa thể tiếp cận các vùng chiến sự tại khu vực Tigray. Thông tin có được “nhỏ giọt” do liên lạc bị gián đoạn. Các đảng đối lập ở Ethiopia cho rằng ít nhất 52.000 người đã chết ở Tigray kể từ tháng 11/2020, còn theo Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR), khoảng 60.000 người đã chạy trốn khỏi vùng chiến sự đến Sudan - một phần ba trong số đó là trẻ em.

Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU), Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto, tuần này đưa ra cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng ở khu vực Tigray đã "hoàn toàn ngoài nằm tầm kiểm soát về mặt quân sự, nhân quyền và nhân đạo”.

Ông Haavisto cho biết chính phủ Ethiopia phải khẩn cấp cung cấp quyền tiếp cận nhân đạo đầy đủ cho khoảng 6 triệu cư dân ở Tigray. Hồi tháng 12, EU thông báo đã giữ lại khoảng 90 triệu euro (110 triệu USD) viện trợ cho Ethiopia, vì nước này không cấp phép tiếp cận nhân đạo đầy đủ đến Tigray.

Không viện trợ, không thông tin

Chris Melzer, nhân viên UNHCR ở Ethiopia, nói với DW rằng họ “rất lo ngại về tình hình nhân đạo ở Tigray, khi biết rằng hàng trăm ngàn người, thậm chí có thể đến hơn một triệu người, đang cần được giúp đỡ”. Trong khi đó, UNHCR chỉ có quyền tiếp cận đến khu vực phía Nam Tigray, nhiều trường hợp liên lạc chỉ có thể thực hiện được qua điện thoại vệ tinh. Ông Melzer cũng cho biết UNHCR đang trong quá trình khôi phục các phòng khám tại các trại tị nạn, vì các bệnh viện ở phía Bắc Tigray đã bị phá hủy hoặc hư hại, hoặc không có nguồn cung cấp để giúp đỡ người bệnh.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã phát động các chiến dịch quân sự chống lại Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) vào đầu tháng 11/2020. Ông Abiy ra lệnh tấn công sau một cuộc tấn công được cho là của các chiến binh TPLF (được binh lính Eritrea hậu thuẫn) vào trại quân đội liên bang. Cuối tháng 11, Thủ tướng Abiy tuyên bố chiến thắng sau khi quân chính phủ chiếm được thủ phủ Mekelle của vùng Tigray, nhưng các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn trong khu vực này.

Hàng triệu người không được bảo vệ

"Trong suốt những năm làm nhân viên cứu trợ, tôi hiếm khi thấy hoạt động cứu trợ nhân đạo bị cản trở và không thể giúp được nhiều người có nhu cầu cấp bách trong một thời gian dài như vậy", ông Jan Egeland, Tổng thư ký Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC), tuyên bố như vậy vào đầu tháng này.

Mô tả tình hình “thảm khốc" ở Tigray, Fisseha Tekle, một chuyên gia Ethiopia tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, trả lời phỏng vấn của DW cho biết, người dân ở Tigray “ít có khả năng tiếp cận thực phẩm, thuốc men và các dịch vụ tài chính trong bối cảnh cướp bóc, mùa màng bị phá hoại, gia súc bị giết tràn lan”.

Hàng chục ngàn người đã chạy trốn khỏi vùng chiến sự ở Tigray - Ảnh: DW/Getty Images
Hàng chục ngàn người đã chạy trốn khỏi vùng chiến sự ở Tigray - Ảnh: DW/Getty Images

Trong khi đó, chính phủ Ethiopia hôm 24/2 vẫn tuyên bố rằng các tổ chức quốc tế và địa phương “đang nỗ lực phục vụ 3,1 triệu người ở khu vực Tigray”. Tuyên bố của Ethiopia cho biết hiện có 29 tổ chức quốc tế đang hoạt động ở khu vực này.

Hành quyết, hãm hiếp và cướp bóc

Đầu năm 2021, Đại diện đặc biệt của LHQ Pramila Patten cho biết bà "rất lo ngại khi nghe những cáo buộc nghiêm trọng về bạo lực tình dục" ở Tigray. Bà nói rằng nhiều người buộc phải quan hệ tình dục với các thành viên quân đội để đổi lấy nhu yếu phẩm.

Tình trạng cùng quẫn của những người dân sống trong trại tị nạn ở Tigray - Ảnh: DW/Getty Images
Tình trạng cùng quẫn của những người dân sống trong trại tị nạn ở Tigray - Ảnh: DW/Getty Images

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết lần đầu tiên họ thu được bằng chứng cho thấy quân đội Eritrea - hậu thuẫn cho TPLF - đã giết hại hàng trăm dân thường ở thị trấn Axum trong khu vực Tigray. Tuy nhiên chính quyền Eritrea cũng như Ethiopia đều phủ nhận sự việc này.

Hòa Ninh (theo DW)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI