Cuộc hôn nhân vừa được cứu

19/05/2021 - 06:00

PNO - Thật may là đôi vợ chồng trẻ còn biết lắng nghe nhau, cả hai đều còn thương yêu đối phương và một cuộc hôn nhân đã được cứu vãn.

Loan nói, tụi em ly thân 3 tháng nay rồi, đợi dịch COVID-19 yên yên là về quê gửi đơn.

Tôi giật mình, nhưng biết không ai mang chuyện này ra đùa. Tôi nhìn nét mặt Loan, trông em kém tươi hẳn so với trước, dù Loan mới 26 tuổi.

Vợ chồng Loan lấy nhau mới 4 năm, con gái hơn 2 tuổi. Loan nói vợ chồng luôn không tìm được tiếng nói chung từ ăn uống, chi tiêu, dạy con cái cho đến chuyện nội ngoại.

Chồng Loan còn rặt nông dân nên anh chỉ thích canh cua cà pháo mắm tôm, còn Loan thì hướng tới khỏe và sạch nên ngày nào bàn ăn cũng như chiến trường chia nửa vầng trăng. 

Nhưng của ai người đó ăn thì chẳng có chuyện, chồng Loan thấy vợ "đổ một đống tiền" vào ăn uống thì thỉnh thoảng lại than "giàu quá hóa bệnh", anh cho rằng tiền bạc nên dùng vào chuyện khác.

"Ông bà cha mẹ mình đó giờ ăn uống đạm bạc cũng thành ông này bà nọ, con cái học hành ngon lành kém ai. Tiền đó cho con học trường tốt tốt, đầu tư cho con học thêm các lớp năng khiếu còn hơn", anh nói.

Rồi thêm ông bà nội của con gái Loan vào chơi, ông bà bênh cháu quá đáng nên làm mất lòng hàng xóm, còn xúi cháu đừng cho ai mượn đồ chơi. Loan nói ba mẹ để mặc cho đám nhỏ chơi chung, ông bà quay sang mắng Loan không biết tiếc tiền. 

Hóa ra ông bà biết đồ chơi của con bé toàn có giá cả trăm ngàn đồng nên tiếc của, ông bà xót con trai "nai lưng ra làm để vợ con nó phá".

Chuyện vợ chồng Loan cùng nhau góp tiền mua căn chung cư này, không biết chồng Loan nói gì mà ông bà nói là tiền của mình con trai làm ra, rồi một căn hộ đang trả góp cũng là công sức của riêng con trai ông bà.

Loan nghĩ ông bà nói vậy rồi thôi, ai dè ông bà mang chuyện về quê rêu rao con mình tài giỏi nhưng lại vớ phải cô vợ không biết điều, xài hoang còn cãi bướng.

Chuyện đến tai bố mẹ Loan, thành ầm ĩ. Mẹ Loan mang xấp tờ biên lai chuyển tiền ra, chứng minh con gái cũng đóng góp. Bố mẹ chồng thấy thế, quay sang gọi cho con trai trách móc, mắng mỏ.

Chồng Loan thì nói mẹ vợ quá đáng, có cần phải rõ ràng vậy không. Dù gì thì cái nhà cũng đứng tên hai đứa. 

“Em mệt rồi, phải chia tay thôi”, Loan nói.

Tôi hỏi, ba tháng nay chồng Loan có làm gì cho hai mẹ con không? Loan kể chồng vẫn dậy sớm mua đồ ăn sáng cho hai mẹ con. Tối thấy máy giặt chạy xong vẫn phơi đồ. Cuối tuần vẫn ủi đồ cho cả nhà. Vì Loan không nấu cơm cho chồng nên anh đi ăn ngoài, nhưng có món gì ngon vẫn mang về cho vợ con.

Tôi thở phào. “Cậu ấy còn quan tâm hai mẹ con, thế cô còn muốn gì?”

“Nhưng ảnh vẫn bênh cha mẹ chằm chặp, trong khi đóng góp của em cho cái nhà này đâu ít. Lương ảnh gấp đôi lương em thật, nhưng ảnh còn phải nuôi em trai học đại học, một tháng gửi năm triệu đồng về quê, chưa kể quà cáp này kia”, Loan vẫn ấm ức.

“Cái này em phải nói chuyện lại, em ghi ra giấy những khoản chi tiêu trong nhà, sẽ rõ ai đóng góp bao nhiêu... Có ly hôn cũng phải cho rõ ràng còn chia tài sản chứ cứ vác ấm ức mà ra đi sao?”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bẵng đi mấy tháng không gặp, vài lần thấy hai vợ chồng Loan chở nhau đi làm, tôi biết vợ chồng Loan đã huề.

Chiều nay Loan gọi điện: “Em nghe chị, lên một bảng chi tiêu chi tiết đưa cho ảnh. Ảnh cũng nhận ra mình không phải, ảnh cũng nói chuyện với bố mẹ ảnh. Ông bà nội con bé sang nhà ba mẹ em xin lỗi rồi”.

Nghe Loan ào ào kể, tôi im lặng nghe và cười mừng cho họ. Rõ ràng có một cuộc hôn nhân vừa được cứu.

Bảo Trân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI