Cuộc hôn nhân trái luật

20/06/2015 - 16:30

PNO - PN - Phiên xử bế mạc, bà vui đến mức huyên thuyên cười nói cả với những người… lạ mặt: “Hóa ra, tôi với ông ấy lâu nay đâu phải là vợ chồng!”. Thực tế, bà và ông đã có gần hai mươi năm chung sống.

edf40wrjww2tblPage:Content

Cuoc hon nhan trai luat

“Tập hai”… đổ vỡ

Bà tên Thanh Mai(*), ông tên Nguyễn Hiếu; cùng ngụ huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Quan hệ tình cảm của hai người bắt đầu từ năm 1992. Chung cảnh ngộ từng đổ vỡ hôn nhân, lại đều một nách hai con; nên ngoài tình yêu, ông bà còn dành cho nhau sự đồng cảm, sẻ chia đặc biệt.

Vì thế, cuộc chung sống với “con anh”, “con em” chẳng những không hề gặp trắc trở mà còn khiến họ thêm yêu thương nhau. Rồi ba “con chúng ta” lần lượt chào đời năm 1993, 1995, 1997; càng khiến ngôi nhà chung ngập tràn hạnh phúc. Năm 2001, khi trong lòng đã tan biến hết những nghi ngại, lo lắng kiểu “chim sợ cành cong”, ông đưa bà đi đăng ký kết hôn, chính thức thành chồng vợ.

Thuở đầu ông bà chung sống, dù nghèo khổ nhưng không thiếu tiếng cười. Điều đó tạo tin tưởng cho người chị ruột của bà từ nước ngoài về thăm năm 1996, không mảy may nghi ngại khi trao 25 ngàn bảng Anh cho ông bà để tính chuyện làm ăn. Theo đó, người chị nhờ bà đứng tên mua hai thửa đất cao su (tạm gọi A và B); thỏa thuận vợ chồng bà có nhiệm vụ chăm sóc, hoa lợi sau này khi trừ hết các chi phí sẽ chia đôi giữa bên góp công, người góp của. Vài năm sau, vợ chồng bà đem bán thửa A; lấy tiền làm vốn chuyển đổi đầu tư; theo thời gian tạo được khối tài sản gồm năm thửa đất và một lò mổ gia súc…

Nào ngờ, cuộc sống dần khấm khá cũng là lúc ông bắt đầu nảy sinh nhiều thói tật. Chẳng những cờ bạc, ông còn rượu chè rồi về đánh đập vợ. Yêu thương ông, sợ gia đình ly tán; bà cố gắng chịu đựng mấy năm trời nhưng đến 2011, bà quá chán ngán nên đành bỏ đi. Hai người ly thân. Không lâu sau, bà trở về viết đơn ly hôn.

Do kết hợp tranh chấp tài sản chung có yếu tố nước ngoài nên thụ lý xét xử thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh Bình Phước. Trong quá trình kéo dài hơn hai năm chờ hoàn tất các thủ tục, bà thường mang chuyện đời mình ra kể. Rồi người ta mách, theo những gì bà nói, thực tế bấy lâu giữa ông bà không tồn tại quan hệ vợ chồng. Bà vỡ lẽ, tức tốc đến tòa, xin bổ sung yêu cầu hủy bỏ cuộc hôn nhân trái luật.

Bà kể với mọi người: “Ngày đó, tôi kết hôn, sống với chồng cũ ở tỉnh Quảng Ninh. Hai con chào đời cũng là lúc vợ chồng có những hục hặc không hàn gắn được. Tôi gửi đơn cho TAND huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh xin ly hôn. Vụ việc chưa kịp xét xử thì chồng cũ chịu án tù do vượt biên trái phép”. Chồng cũ đi tù một thời gian, bà rời quê vào Bình Phước lập nghiệp, gặp ông - người hiện tại…

Cuoc hon nhan trai luat

“Tập một”… chưa xong

TAND tỉnh Bình Phước phải tiến hành ủy thác thu thập chứng cứ cho TAND huyện Đông Triều - nơi chồng cũ của bà cư ngụ. Quá trình thu thập khó khăn, kéo dài nhưng kết quả cho thấy bà và chồng cũ vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân. Tháng 11/2014, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên sơ thẩm. Tại đây, ông Hiếu phản biện, sau gần hai mươi năm gắn bó, quan hệ vợ chồng giữa cả hai có biết bao người chứng giám; lại ràng buộc bởi tờ hôn thú thì lẽ nào… trái luật.

Từ đó, ông chỉ… chịu ly hôn đúng nghĩa như bao cặp vợ chồng đến hồi tan vỡ; chứ không phải “định danh” bằng một cuộc hôn nhân trái luật, cần phải hủy bỏ. Song song, khi tranh chấp tài sản chung, ông phủ nhận bà được chị ruột nhờ đứng tên hai thửa A và B; mà số tiền 25 ngàn bảng Anh là do vợ chồng cùng mượn để mua A và B; nay ông đã hoàn trả hết cho chị của bà. Bởi thế, theo ông, mọi tài sản phải được xếp vào tài sản chung của vợ chồng, ly hôn là chia đôi.

Từ những chứng cứ “tập một”, tòa tuyên hủy cuộc hôn nhân “tập hai” trái pháp luật của bà. Phần tài sản, ông không chứng minh được các lý lẽ của mình; bà thì ngược lại. Là người liên quan, chị bà yêu cầu các em phải hoàn trả toàn bộ đất cao su cùng hoa lợi đi kèm (sau khi đã chia đôi) bằng giá trị tiền mặt.

Tòa tuyên buộc bà và ông phải trả hơn 10 tỷ đồng cho chị bà. Do quá trình chuyển đổi, thửa A đã thành năm thửa đất khác cùng một số tài sản có giá trị như lò giết mổ gia súc; tòa tuyên số tài sản này sau khi quy đổi bằng giá trị tiền mặt và khấu trừ cho chị bà (để cộng với giá trị tài sản từ thửa B đủ hơn 10 tỷ đồng), phần dôi ra sẽ là tài sản chung của ông bà và chia đôi.

Ông kháng cáo toàn bộ bản án. Phiên phúc thẩm diễn ra sáng 14/5/2015 ở TAND tối cao tại TP.HCM, ông đến rồi đột nhiên… bỏ về. Tòa nhận định việc ông tự ý bỏ về là hành vi không ý thức chấp hành pháp luật nên tiến hành xử vắng mặt. Tòa xét rằng, không có điểm mới phát sinh nên giữ nguyên bản án của tòa sơ thẩm…

 PHONG VÂN

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi

Luật Hôn nhân - gia đình hiện hành quy định việc cấm kết hôn giữa người đang có vợ, có chồng theo điểm c, khoản 2, điều 5: Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng.

Do đó, cuộc hôn nhân “tập hai” giữa bà Mai - ông Hiếu là trái pháp luật nên tòa buộc phải tuyên hủy. Đối với quan hệ tài sản là hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật, điều 16 quy định giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trường hợp không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác có liên quan.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Khai lại

“Tháng 3/2014, khi cán bộ TAND huyện Đông Triều đến nhà lấy lời khai để thu thập chứng cứ đối với việc giữa tôi và bà Mai có còn tồn tại quan hệ hôn nhân? Do lúc ấy có… vợ sau của tôi nên tôi khai rằng tôi và bà Mai đã ly hôn; nếu khai khác đi, tôi sợ cuộc sống giữa tôi với vợ sau nảy sinh mâu thuẫn. Nhưng rồi thấy sự việc nghiêm trọng, nghĩ mình phải lên tiếng nên tôi… khai lại: giữa tôi và bà Mai chưa từng ly hôn. Tuy nhiên, sau phiên xử này, cho thấy cuộc hôn nhân của tôi và vợ sau cũng… trái pháp luật” - chồng cũ của bà Mai nói.

Chẳng hiểu

“Hồi đó, ông Hiếu đưa tôi đến UBND xã, chẳng biết ông nói gì với cán bộ mà họ cho chúng tôi đăng ký kết hôn. Thông thường, ai muốn đăng ký kết hôn phải cung cấp giấy chứng nhận độc thân, chẳng hiểu sao hồi đó cán bộ không bắt tôi cung cấp!” - bà Mai kể.

Tranh nhau từng… đồng!

“Nói thêm để thấy ổng “lật” lọng. Cái gì của mình là của mình, của người ta thì đừng tham lam. Ngoài chuyện 25 ngàn bảng Anh chị tôi nhờ đứng tên mua đất, tôi kể thêm chuyện lò giết mổ gia súc để mọi người hiểu. Tôi bỏ đi năm 2011 đến thời điểm có tranh chấp là năm 2014. Thời gian ấy ổng quản lý lò mổ, tổng số gia súc giết mổ là 5.680 con.

Tôi quá rành giá giết mổ luôn luôn là 25.000đ/con; vậy mà ổng cãi, tùy người mang gia súc đến mổ mà ông lấy chỉ 20.000 hay 10.000đ/con. Hay những chi phí để lò mổ hoạt động; như tiền điện - nghĩ sao mà ổng nói mỗi tháng một triệu đồng trong khi thực tế chỉ 369.000đ. Còn tiền mua củi đun nước sôi chỉ 300.000đ mà ổng “hét” 1,5 triệu đồng/tháng… May mà tòa “điều tra” và đưa ra những con số thực tế đúng như tôi trình bày chứ không như ổng khai gian” - bà Mai.

TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI