Với những tiêu chuẩn thông thường về thời gian mà người ta thường đưa ra cho việc tìm hiểu để kết hôn thì chuyện chị Thúy gật đầu đồng ý dường như có gì đó hết sức phiêu lưu, hết sức… may rủi.
Thế nhưng tới nay, sau nhiều mâu thuẫn, xung đột, va chạm… họ đã sống với nhau được 13 năm. 13 năm để anh Oshio xây dựng một gia đình nhỏ rất Nhật bản trên đất nước Việt Nam và để chị Thủy có được những nụ cười hết sức bình yên, dịu dàng, nhẹ nhõm khi kể về gia đình hạnh phúc của mình.
|
Oshio và Kim Thủy |
Hai mảnh ghép đối lập tạo thành một cặp đôi
Họ biết nhau trong Trung tâm dạy tiếng Hoa cho người nước ngoài. Chị là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, đi làm được 3 năm và quyết định đi du học. Anh đã đi và làm việc trên hàng chục quốc gia, nhưng chưa từng đến và chưa từng biết một người Việt Nam nào.
Họ cách nhau tới 12 tuổi. Anh thì cao, chị thì thấp, họ ngồi ở hai đầu lớp trên dưới, nên trong giờ học chỉ nghe thấy tiếng nhau nói chứ không hề quen biết. Ngày cuối cùng chia tay lớp học mọi người mới trao đổi contact với nhau. Và thế là họ có 2 tháng quen nhau.
“Chúng tôi không biết ngôn ngữ của nhau, anh không biết tiếng Việt, tôi không biết tiếng Nhật. Chỉ nói với nhau bằng tiếng Anh. Có thể với nhiều người, đó là một rào cản. Còn với chung tôi điều đó lại là một thuận lợi khác: chúng tôi cảm nhận nhau qua thái độ, cách cư xử, cách thể hiện tình cảm”.
Anh là người hết sức thật thà, thẳng thắn và tế nhị, đó là điều chị cảm nhận được trong hai tháng quen nhau. Khi chị gặp một khó khăn, nó lớn so với chị, cô gái một mình đi học xa nhà, nó nhỏ so với anh, một người đàn ông bản lĩnh, trách nhiệm, anh lập tức cảm nhận ra trên nét mặt của chị để mà quan tâm và giúp đỡ ngay lập tức.
Còn anh, anh nhận ra ở chị một cô gái tươi tắn, đầy sức sống, vui vẻ… điều mà anh còn đang thiếu trong cuộc sống của mình, một cuộc sống rất tiết chế những niềm vui, những bay bổng, lãng mạn, những hoa lá rườm ra, chỉ có công viêc, trách nhiệm và kỷ luật.
Họ ghép đôi lại với nhau vừa đúng những điều thiếu và thừa của ca hai người. Hai mảnh ghép tưởng như vừa khít, hoàn hảo, nhưng cũng đã mất rất nhiều thời gian, để có thể trở thành một gia đình bình yên và hạnh phúc như họ đang có sau 13 năm bên nhau.
|
Thủy đã từng muốn phá vỡ cuộc hôn nhân |
Những răng cưa… nhọn hoắt
Có thể nói như vậy về những điều khác biệt mà họ tìm thấy ở nhau sau khi ghép thành đôi. Và điều khác biệt đó có lẽ bắt đầu rất sâu sa từ nền giáo dục, từ văn hóa của hai con người rất đại diện cho hai đất nước Nhật và Việt Nam.
Cưới nhau sau hai tháng quen biết, lập tức có bầu và cùng lúc đó là chồng phải chuyển công tác tới một đất nước khác theo như yêu cầu của tập đoàn. Bao thay đổi môi trường, hoàn cảnh, đời sống không gây sốc với chị Thủy bằng những phát hiện đầu tiên về một nề nếp gia đình mà chồng chị đặt ra một cách rõ ràng, rành mạch, thẳng thắn: với gia đình, anh là trụ cột, là người sẽ chịu trách nhiệm về kinh tế tài chính, còn em là người chăm sóc con cái, cơm nước nhà cửa.
Ở trong nhà, anh sẽ là người làm chủ, người lãnh đạo, người quyết định chính, mọi việc anh nói anh quyết định là vợ phải nghe theo, không được trả treo, không được cãi lại. Vợ chỉ là người thứ hai, là người coi sóc giữ gìn những nề nếp mà anh đưa ra.
Tất cả những điều ấy quá bất ngờ, quá xa lạ với những hình dung thơ trẻ của cô gái về một gia đình. Và suốt 3, 4 năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân, chẳng biết bao nhiêu lần Thủy muốn vùng lên, muốn thay đổi, muốn… thậm chí là phá vỡ cuộc hôn nhân của mình.
Những cú sốc còn đến từ việc anh không bao giờ để gia đình hai bên, dù là gia đình vợ mà anh rất yêu quý, hay gia đình anh mà anh rất gắn bó có thể can thiệt vào đời sống của chính gia đình mình. Những cú sốc khi anh quyết định buộc bà vú nghỉ việc sau 8 năm gắn bó, đề những đứa con của anh không ỷ lại vào sự chiều chuộng của người khác.
Thế nhưng rồi bấy nhiêu lần ấy suy nghĩ, Thủy dần hiều được chồng mình và những điều anh mong muốn: tất cả những gì anh làm, anh đặt ra, anh yêu cầu, không phải là để cho sự an nhàn, dễ chịu hay tự do của anh. Mà đó hoàn toàn vì gia đình, vì sự ấm no, vì sự bình yên, vì sự dạy dỗ nế nếp cho các con và cả gia đình mà anh coi là trách nhiệm chính trong cuộc đời mình.
Cũng như điều anh nói khi chị đòi chia tay: tôi sẽ không bao giờ yêu cầu ly hôn, vì tôi không bao giờ đẩy gia đình vào những bất an, nguy hiểm. Còn nếu em làm thế, tôi đồng ý, nhưng em hãy suy nghĩ xem em sẽ thay đổi cuộc đời của ba con người, sau này em hãy trả lời cho các con về điều đó. Sự điềm đạm, tỉnh táo, chừng mực của anh luôn đủ sức khiến chị thay đổi tư duy và cảm xúc của mình.
|
Thúy dần hiểu được ông xã |
Những thắm thiết ẩn sau trong một con người gai góc
Thủy kể, đã từng có thời cô là cô gái trẻ trung, sôi nổi, thậm chí thích mặc áo hai dây, quần sooc khi đi chơi. Cũng vì yêu tự do, yêu công việc, sự nghiệp mà cô bằng mọi cách vươn ra nước ngoài đi làm. Ấy thế nên khi bị chồng đưa ra những kỷ luật sắt cho gia đình, cô không khỏi tránh được khoảng thời gian vô cùng “khó ở”.
Thế nhưng ngay khi cô có những tư tưởng “đào thoát” trẻ con thì có những điều khiến chị phải nghĩ lại: anh ấy là người luôn nghĩ cho chị. Đó chính là quyết định của anh khi rời bỏ một tập đoàn lớn, về Việt Nam, bắt đầu sự nghiệp lại từ đầu.
Lý do của lựa chọn vô cùng can đảm ấy của chồng chỉ là niềm vui của vợ mình, là sự thoải mái, tự do, hạnh phúc khi cô được sống cùng những người thân, để được nhìn thấy nụ cười và vẻ rạng rỡ của vợ khi còn là một cô gái anh chọn. Nhưng hy sinh mà anh chấp nhận lớn hơn nhiều những vụn vặt đời thường mà chị phài thay đồi.
Ngay cả việc đồng ý cho chị đi làm, lý do duy nhất với anh cũng là niềm vui được gặp gỡ bè bạn, được giao lưu với cuộc sống và được trong một giới hạn nào đó làm những công việc mà chị yêu thích, ngoài việc chăm sóc gia đình.
Và dù vậy, rất rõ ràng như tính cách của mình, khi chấp nhận cho chị đi làm, anh đưa ra những điều kiện về công việc hết sức rõ ràng, để chị vẫn luôn là người tiễn chồng đi làm, tiễn con đi học và chăm lo cho các con sau giờ học, đón chồng đi làm về, để chị không mang việc về nhà, không mang căng thẳng nặng nề, stress vào mái ấm mà chị là người có trách nhiệm chăm sóc, như anh đề ra từ đầu.
|
Gia đình bình yên |
Kể lại cho tôi nghe về những điều đó, chị cười nhẹ nhàng, dịu dàng và bình yên: 13 năm chung sống để hiểu và chấp nhận nhau, mình và anh ngày càng hòa hợp và gắn bó hơn. Mình hoàn toàn hiểu được và bình yên trong những nề nếp mà anh đưa ra, các con ngoan, tự lập và rất kỷ luật, còn anh, anh ngày càng hay cười, hay đùa, hay trò chuyện nhiều hơn so với người đàn ông thời trẻ chưa có mình.
Song Văn