Cuộc hôn nhân ngục tù

04/03/2021 - 05:59

PNO - Một mình nuôi con, chồng cũ không gửi tiền cấp dưỡng, nhưng chị Ba thấy thoải mái, hạnh phúc. Ai nhắc đến chuyện tái hôn, chị lắc đầu vì quá ám ảnh.

Thu Ba là một người nhan sắc nổi bật. Chị từng làm việc cho doanh nghiệp lớn của Nhật, chị có bằng thạc sĩ và hiện là giảng viên đại học ở Hà Nội. Nhìn chị trẻ trung, hiểu biết, học thức cao, không ai ngờ chị từng bị chồng đánh đập, chửi rửa, kiểm soát như tù nhân.

Lúc Ba đang học cao học, một người bạn cùng lớp nhiệt tình mai mối Ba với em trai chị ấy. Đó là năm 2007, Ba mới 23 tuổi, còn thích bay nhảy, chưa tính đến chuyện kết hôn. 

Tuy nhiên, do "bà mai" khéo léo, cộng thêm sự đeo bám sát rạt của người con trai ấy, là một giảng viên đại học, nên Ba xiêu lòng. Và, cũng bởi do Ba thấy gia đình anh là một gia đình trí thức, kinh tế thuộc loại trung lưu, bố anh là một vị cục trưởng, mẹ là giáo viên về hưu, chị gái và em trai anh ta đều có học thức.

Sau hơn 3 tháng anh “tấn công” quyết liệt, Ba đã đồng ý lên xe hoa.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Về sống trong ngôi nhà 6 tầng cùng chồng và bố mẹ chồng, Ba lập tức bị sốc vì sự khác biệt. Nhà có máy giặt, nhưng mẹ chồng ép chị giặt tay toàn bộ quần áo của gia đình, chỉ được cho vào máy để vắt khô. Việc nấu nướng, thu dọn 6 tầng nhà cũng là của con dâu, mặc cho Ba ngày đi làm ở công ty, tối tới lớp cao học.

10g đêm mới về đến nhà, chị vẫn phải quần quật với "núi" việc không tên, kể cả lúc đang có bầu. Làm việc quá sức, Ba bị động thai.

Nhưng với Ba, làm việc vất vả bao nhiêu cũng không cực nhọc cho bằng bị mẹ chồng, chị chồng nhiếc móc và chồng ghen tuông.

Có hôm đang cùng ăn sáng dở ở quán, chồng Ba đã đùng đùng bắt chị về vì “mày ngồi ăn với tao mà còn liếc giai bàn bên cạnh”. Hôm khác, Ba ra khỏi nhà chừng 700m, tới tiệm may lấy đồ, lúc về chồng chị hỏi có đi đâu không, chị đáp "không đi đâu" thì đột ngột bị chồng tát lệch mặt. Anh ta cho rằng chị nói dối, vì trước đó, anh ta đã xem đồng hồ công-tơ-mét trên xe máy.

Khi nào ra khỏi nhà là Ba phải xin phép mẹ chồng hoặc chồng. Lúc chồng gọi điện thì dù đang làm gì, chị cũng phải cầm máy ngay, nếu không, anh ta sẽ truy vấn chị ở đâu, làm gì, với ai…

Anh ta cũng luôn tra hỏi quá khứ của chị, từng yêu ai, đã ngủ với người ta bao lần. Chị nói không thì anh ta cũng không tin và luôn hành hạ, khủng bố tinh thần vợ.

Dù rất khổ tâm nhưng Ba chỉ khóc thầm, không dám chia sẻ với ai, kể cả với bố mẹ đẻ, hay anh chị ruột. Ba không ngờ chồng và những người trong gia đình chồng đều là trí thức, mà cách cư xử lại hạ đẳng như vậy.

Luôn sống trong tình trạng căng thẳng tâm lý, áp lực nặng nề, Ba đi khám thai thì được bác sĩ cảnh báo chị bị stress nặng. Con gái đầu lòng chào đời, sau đó phát triển không bình thường, còi cọc, hai mắt lác xệch. Bác sĩ kết luận con bị khuyết tật thần kinh.

Lúc này, chồng Ba chửi Ba thậm tệ, coi chị là người mang lại vận rủi cho gia đình anh ta. Anh ta "tổng kết" 5 năm sống với chị, gặp vận rủi gì thì đều do chị mà ra cả. Làm vợ thì phải có số "vượng phu ích tử", còn Ba chỉ mang lại xui xẻo. Anh ta càng hành hạ, đánh đập, ghen tuông dữ dằn hơn. Không ngày nào Ba không khóc.

Cho đến một ngày, chồng Ba gọi anh chị ruột Ba sang để kể tội người vợ mang xui xẻo cho gia đình, đẻ ra một đứa trẻ thần kinh, thì anh chị ruột Ba mới vỡ lẽ ra rằng, em gái mình đang sống trong địa ngục. Họ khuyên Ba bỏ người chồng vũ phu.

Lúc ấy, Ba như bừng tỉnh cơn mê. Chị muốn ly hôn. Nhưng để đổi lấy tự do, chị phải nhắm mắt ký vào giấy vay nợ bạn mà chồng chị đưa ra như một điều kiện. Nào ngờ đó là một cái bẫy, bởi sau khi ly hôn, lấy cớ chị vay nợ, chồng chị đã xua chị và con gái ra khỏi nhà, không được chia tài sản, không được chồng chu cấp nuôi con, dù trước đó, bao nhiêu tiền lương, Ba đều đưa chồng quản lý.

9 năm thoát khỏi hôn nhân bi kịch cũng là hành trình đơn độc chị đưa con gái đi chữa bệnh. Chị vừa dạy học, vừa tranh thủ bán hàng online kiếm thêm thu nhập lo cho hai mẹ con.

Giờ đây, chị đã mua được nhà riêng; làm mẹ đơn thân, chị sinh thêm một đứa con nhỏ và thuê được người giúp việc. Một mình chị làm được tất cả những việc đó, độc lập, tự chủ, không cần người đàn ông nào bên cạnh.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Sống một mình nuôi con, hoàn toàn không được chồng cũ gửi tiền hỗ trợ, nhưng Ba thấy thoải mái, hạnh phúc. Ai nhắc đến chuyện tái hôn, chị đều lắc đầu vì quá ám ảnh.

Có trải qua quãng đời đen tối ấy, mới thấy được sống tự do, tự chủ, tự quyết thật sung sướng biết bao. Chị đã cởi được sợi dây trói đưa mình ra khỏi một cuộc hôn nhân ngục tù.

Kiều Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI