Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ - Bài 3: Cống Bà Xếp “thay da, đổi thịt”

21/10/2024 - 06:49

PNO - Cống Bà Xếp (phường 11, quận 3) là khu vực từng một thời xảy ra những vụ cướp bóc táo tợn, những cuộc thanh toán nhau đẫm máu trong giới giang hồ. Đến nỗi, nơi đây dù đã bình yên bao năm, nhưng nhiều người vẫn chưa thể quên một thời đất dữ…

Xưa đánh, chém nhau như cơm bữa

Chiều hôm đó, Sài Gòn mưa tầm tã, nước xối trắng đất, trắng trời nhưng tôi vẫn không hủy cuộc hẹn với ông Võ Thành Ngôn - 72 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 11, quận 3. Bởi lẽ, tôi không ngăn được sự tò mò: vì sao khu Cống Bà Xếp từng khét tiếng về tệ nạn xã hội và tội phạm, nay lại bình yên không một vết tích? Chính tôi đã qua lại khu vực này cả trăm lần trong nhiều năm, lê la đủ quán cóc, cũng không mảy may “nghe mùi” đất dữ.

Không ít lần, trong cuộc trò chuyện với ông Ngôn, tôi ớn lạnh khi nghe ông tả chi tiết những vụ đánh đấm đẫm máu: “Khu Cống Bà Xếp xưa là chốn tệ nạn thuộc hàng ớn ăn của Sài Gòn. Khu này bao quanh ga, lại sình lầy, nhà dân xây tạm bợ ven kênh, dân trí thấp, kinh tế nghèo, cư dân vô cùng manh động, sẵn sàng đánh đấm, đâm chém nhau. Ngay như gia đình tôi cũng phải đánh nhau với giang hồ, mới được yên ổn làm ăn, sinh sống”.

Đoạn đường sắt ngay nút giao Trần Văn Đang - Đỗ Thị Lời trước đây từng là “điểm hẹn”  ưa thích của giới giang hồ
Đoạn đường sắt ngay nút giao Trần Văn Đang - Đỗ Thị Lời trước đây từng là “điểm hẹn” ưa thích của giới giang hồ

Ông Ngôn theo mẹ về khu Cống Bà Xếp từ năm 1958, khi lên 6 tuổi. Khi đó, cha mẹ ông làm đại lý than củi lớn. Bấy giờ, chiến sự căng thẳng, dân đi mua than củi theo sổ gia đình, ai mua thì xếp hàng, đặt sổ, mỗi người được mua 10kg than/lần, củi thì 1-2 bó. Dân “anh chị” trong khu tới gây hấn, vào sau mà đặt sổ lên hàng đầu, người nhà không chịu bán thì lao vào đánh.

“Ba tôi dữ, lại quen với đám “anh chị” bên đường sắt; người làm thuê rất đông, toàn thanh niên lực lưỡng nên chấp nhận đánh. 2 bên đánh nhau cả tháng trời. Hồi đó tôi đi học, cứ 1 đứa trẻ thì 2 người lớn đi theo, còn nếu đi một mình thì chắc chắn bị đánh. Người chở củi đi giao cũng phải thủ “đồ chơi”. Sau này, bên tôi bắt được một đứa, thu cái búa. Sợ mất người, nhóm đàn anh cử đại ca ra thương lượng xin chuộc, từ đó đại lý của ba tôi mới yên” - ông Ngôn kể.

Giang hồ khu Cống Bà Xếp có 2 nhóm chính và nhiều nhóm nhỏ, thường đụng độ nhau do tranh giành địa bàn, quyền lợi. Nhóm nhỏ về thưa, đàn anh 2 nhóm lớn giáp mặt, nói chuyện, nếu thương lượng không thành thì đánh nhau để phân thắng bại.

Ông Phan Hoàng Vũ - 60 tuổi, nguyên cán bộ công an đồn trật tự ga Sài Gòn - còn nhớ, vùng đất này những năm 1980 hẻm nhà chằng chịt như hang, lại có xí nghiệp đầu máy bao quanh ga. Hàng buôn lậu được tập kết ở đây để tuồn đi các ngả nên cứ đêm trở về sáng, tiếng la hét, chửi nhau inh ỏi. Một số tay giang hồ cộm cán như tướng cướp Điền Khắc Kim, băng nhóm Bảy Xi - đàn em của Năm Cam, Chín “cẳng bò” đều trụ lại và khuếch trương quyền lực của mình ở vùng đất này.

Ông kể: “Một số băng nhóm ở đường 436 chuyên hành nghề giật giỏ trong các chợ. Chúng đi theo nhóm, nếu bị phát hiện là thẳng tay đánh giải vây. Hẻm Hỏa Xa hay còn gọi là “quá xá quà xa” (hẻm 436/59 ngày nay) cũng có đông giang hồ trú ngụ, manh động cực kỳ”.

Bây giờ là bình yên

Ông Võ Thành Ngôn nhớ lại, năm 1983, ông Phan Thanh Đạm - bấy giờ là Ủy viên Ban Chấp hành Quận ủy quận 3 - được điều về làm Bí thư Đảng ủy phường 20 (nay là phường 11) để thiết lập lại trật tự. Ông Phan Thanh Đạm cho rằng, do dân trí thấp nên tình hình xã hội mới phức tạp; muốn xã hội tốt lên, phải đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nâng cao dân trí.

“Lúc đó, tôi phụ trách công tác văn hóa - xã hội của UBND phường nên đã thành lập các nhóm, câu lạc bộ ca khúc chính trị, kịch, vận động các tay giang hồ trẻ tham gia. Hễ ai muốn học viết, học diễn kịch, học hát, tôi đều gửi đi học, cỡ 1 tuần lễ thì họ diễn được, viết được. Nói chung, mình tiếp nhận mọi thành phần, tạo điều kiện. Chẳng hạn, ai muốn may thì tôi mua máy may cho làm. Anh em phấn khởi lắm.

Đồng chí Phan Thanh Đạm chủ trương tiếp nhận tất cả anh em nhưng ra điều kiện không được “chơi đồ” trên địa bàn phường” - ông Võ Thành Ngôn kể về quá trình làm trong sạch hóa địa bàn.

Ông kể, hồi đó, giang hồ Phước “rốn” chích xì ke nhưng có tài đờn rất hay, sáng tác nhạc được. Khi vào nhóm văn nghệ, anh ta thèm thuốc nhưng vì muốn thể hiện ngón đờn của mình mà ráng nhịn, không chơi ma túy.

Kênh Nhiêu Lộc làm thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị cũng như đời sống của người dân khu Cống Bà Xếp - Ảnh: Nguyễn Quang
Kênh Nhiêu Lộc làm thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị cũng như đời sống của người dân khu Cống Bà Xếp - Ảnh: Nguyễn Quang

“Trước khi lên sân khấu, Phước “rốn” lén chơi bồ đà, tôi biết nhưng im. Mình khuyên từ từ rồi 2-3 năm sau thì anh ta bỏ hẳn. Đám đàn anh bệnh chết, đám đàn em như rắn mất đầu, bơ vơ nên không còn manh động, những kẻ lang bạt cũng có việc làm nên đất dữ dần dần hóa yên” - ông Ngôn nhớ lại.

Cũng theo ông Ngôn, những năm từ 1983 đến 1988, UBND phường kết hợp đan xen các biện pháp rắn, mềm, như lập đội văn nghệ, xây trường học, kéo điện về, làm đường… nhưng cũng sẵn sàng “chặt” tận gốc tệ nạn.

Khi đó, Cống Bà Xếp có 13 hộ bán ma túy, vận động, khuyên nhủ hoài mà không ăn thua. Ông Phan Thanh Đạm chỉ đạo tổ chức vây bắt từ nửa đêm về sáng, hốt trọn ổ, đưa người già vào nhà dưỡng lão, đưa con nít vào trung tâm bảo trợ, chăm sóc trẻ em, đưa người trong tuổi lao động đi nông trường, cải tạo về thì nhận lại nhà.

Ông Phan Hoàng Vũ cho hay, năm 1994, UBND TPHCM thực hiện dự án cải tạo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau đó mở đường Đỗ Thị Lời. Việc cải tạo kênh đã giải quyết được tình trạng nhà xập xệ ven và trên kênh. Ông nhận xét: “Một phần các đối tượng bị trấn áp, một phần hoàn lương, một phần do điều kiện kinh tế gia đình khá lên nên ý thức của người dân thay đổi”.

Ông Vũ, ông Ngôn đều nói, nhìn bằng mắt thường cũng thấy Cống Bà Xếp bây giờ rất bình yên: người dân tu chí làm ăn, đường sá đẹp, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo đều giảm. Hơn 10 năm qua, khu này không phát sinh nhóm cướp giật hay ổ nhóm tệ nạn mới nào.

Hiện nay, rẽ từ đường Đỗ Thị Lời vào đường Trần Văn Đang ngay đường ray xe lửa, vẫn còn dấu tích của miệng cống nổi lên. Theo các vị cao niên, ngày xưa, vợ của một ông sếp người Tây ở ga Sài Gòn có nhà ở đây, thấy hễ mưa là ngập nên bỏ tiền làm cống. Ban đầu, người ta gọi khu này là Cống Bà Sếp nhưng theo thời gian, người ta nói trại rồi viết trật, thành Cống Bà Xếp.

Diễm Mi

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI