Cuộc hồi sinh trên những vùng đất dữ - Bài 1: Nhắc quận 4, nhớ “đặc sản” giang hồ

07/10/2024 - 06:17

PNO - Ở quận 4, những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có cha mẹ thuộc thành phần du côn, du đãng thì khó mà sống đàng hoàng. Chúng không đến trường, không được dạy dỗ...

Ngồi trước khoảng sân nhỏ trong con hẻm hơn 2 lần xuyệt của quận 4, TPHCM, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (75 tuổi) nhớ như in những lời bạn mình: “Mày chuyển nhà ngay đi, đừng ở khu phức tạp này nữa. Ở đây, con sinh ra rồi cũng thành dân du côn, du đãng”. Bà Hạnh thú thật, ngày đó, bà có chần chừ nhưng rồi vẫn ở nơi này hơn nửa thế kỷ qua.

Rùng mình nhắc chuyện hẻm xưa

Cuối cuộc điện thoại, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Tổ trưởng tổ dân phố 14, phường 8, quận 4 - ngập ngừng khi tôi hỏi địa chỉ nhà: “Khó lắm, cô cứ đến đường lớn rồi gọi tôi ra đón, dễ hơn”. Sau vài khúc quanh chẻ ngang dọc, tôi được bà mời vào nhà, kể cho nghe về quận 4 thời còn lấm lem, chưa khang trang, trật tự như bây giờ.

Thuở nhỏ, bà Hạnh sống cùng cha mẹ ở phường 9, quận 4, khi lấy chồng thì được mua cho căn nhà ở phường 8 để gần cha mẹ. Thừa biết vùng này là đất dữ vì có trùm giang hồ Năm Cam hoạt động (hẻm 148 Tôn Đản, phường 10) nhưng tiền bạc chưa dư dả, nghĩ chỉ ở tạm vài năm, có tiền thì chuyển đi nơi khác nên đôi vợ chồng trẻ dọn về.

“Tưởng không ở cặp vách với ông trùm khét tiếng Năm Cam thì sẽ yên thân, nào ngờ lại ở gần kho hàng cảng Sài Gòn. Mỗi đêm, khi xe ra vào, nhóm thanh niên manh động cực kỳ, hàng gì cũng lấy. Ngày đó nghèo, thấy xe chở bo bo là trai gái chạy như ma rượt, phi lên cầm nón vợt hàng rồi hất xuống, người ở dưới cầm chổi quét, gom về nấu ăn. Chủ xe tức điên nhưng bất lực” - bà kể.

Một con hẻm bình yên ở phường 8, quận 4
Một con hẻm bình yên ở phường 8, quận 4

Miên man trong câu chuyện dài, không ít lần, bà Hạnh xoa mặt, nheo trán: “Công nhận quận 4 ngày xưa toàn dân thứ dữ”. Có lần, chạy xe đón con ở trường mầm non trên đường Tôn Đản, ngang qua con hẻm, bà thấy người đàn ông chết trên vũng máu cùng con dao găm. Hỏi ra mới biết, người này nghiện rượu nhưng không có tiền, mua chịu vài ngàn bạc lẻ mà lên giọng thách thức nên bị con trai của chủ tiệm tạp hóa thị uy bằng một nhát đâm.

Dữ nhất phải kể đến hẻm 122 và 148 Tôn Đản - nơi ở của dân đâm thuê chém mướn, cờ bạc, ma túy khét tiếng. Hẻm nhỏ hun hút, nhà chật ních, người dân ngồi tràn ra hẻm. Có nhà làm đám tang, quan tài cũng phải đặt nửa trong, nửa ngoài vì thiếu chỗ.

Bà Hà Thị Tuyết Hòa - 62 tuổi, Trưởng ban điều hành khu phố 2, phường 10, quận 4 - kể, trước đây, buổi tối, không ai dám đi đường Tôn Đản vì không biết bị chặn lại “hỏi thăm” lúc nào: “Quận 4 hồi đó như cù lao nhỏ có kênh rạch bao quanh, lau sậy um tùm, toàn nhà tôn, nhà lá lụp xụp, các ngõ bít rịt, không thông ra đường Hoàng Diệu như bây giờ.

Nhà tôi ở đường Vĩnh Khánh vốn trước kia là khu “ổ chuột”. Năm 1994-1995, tôi làm việc chính quyền mà vào hẻm 148 còn bị chặn. Đàn em của Năm Cam thấy tôi, hỏi “chị Hòa đi đâu, kiếm ai, để em kêu người ta ra cho”. Họ không cho mình đi sâu vô trong hẻm. Mà thú thật, vô rồi cũng khó biết đường ra vì khu này như lòng chảo”.

Ở quận 4, những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có cha mẹ thuộc thành phần du côn, du đãng thì khó mà sống đàng hoàng. Chúng không đến trường, không được dạy dỗ, lại thấy cảnh bạo lực quen mắt rồi làm theo. An ninh trật tự càng phức tạp do dân lao động các nơi cứ đổ về, men theo kênh rạch mà dựng nhà, đổ rác rưới xuống sông, sống tạm bợ theo con nước. Chưa kể cái nghèo, cái khổ buộc người ta giữ mồm giữ miệng, sống nhịn nhục.

Không dễ cho cuộc hồi sinh

Chênh lệch giữa nguồn lợi từ việc buôn bán ma túy và lao động chân tay lương thiện quá lớn nên không gã giang hồ nào chịu buông, cho tới khi chính quyền vào cuộc. Ngay cả cư dân ven kênh rạch cũng vậy, họ không chịu dọn đi nếu cơ quan chức năng không quyết liệt di dời.

Bà Hà Thị Tuyết Hòa nhớ lại, có 2 cột mốc giúp quận 4 “thay da, đổi thịt”. Cột mốc đầu tiên là năm 1992, khi chính quyền thành phố và quận 4 giải tỏa khu “ổ chuột” ven sông, lập nên đường Vĩnh Khánh và sửa sang, cải tạo nhiều tuyến đường lân cận. Cột mốc thứ hai là đầu những năm 2000, khi Năm Cam và đồng bọn bị bắt, giúp an ninh trật tự của quận ổn định.

“Khi quận 4 nổi lên nạn cờ bạc, ma túy, chính quyền thành phố và quận đã theo dõi, lên các phương án trấn áp, xử lý. Do hẻm hóc phức tạp nên khi vây bắt, lực lượng an ninh chốt chặn rất nghiêm, trấn áp quyết liệt để tránh tẩu thoát. Sau vụ Năm Cam, các băng nhóm nhỏ lẻ còn lại cũng được công an quận và phường theo dõi, xử lý mạnh tay” - bà Tuyết Hòa kể.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đọc sách trong khoảng sân nhỏ nhà mình
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đọc sách trong khoảng sân nhỏ nhà mình

Theo bà, nước đi khôn ngoan nhất của chính quyền là xây dựng được lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Những người này là “tay trong”, chỉ có công an và họ biết với nhau. Nhưng muốn chọn đúng người, cũng phải có tầm nhìn để chắc chắn họ không phản bội. Điều này đòi hỏi phải có chính sách chăm lo, khôn khéo. Thông tin từ lực lượng “nằm vùng” này góp công rất lớn vào quá trình triệt phá đường dây ma túy lớn đầu những năm 2000.

Còn công cuộc giải tỏa nhà là kết quả của rất nhiều cuộc vận động, tuyên truyền, chỉ ra những mặt lợi, hại. Bà Tuyết Hoa nói: “Không có cuộc đổi thay nào dễ dàng nếu không đánh đổi bằng nhiều thứ”. Nhiều đời cán bộ của quận 4 đã góp công vào việc thay đổi bộ mặt của vùng đất này. Từ năm 1999, khi làm Bí thư Quận ủy quận 4, ông Trương Minh Nhựt (Ba Vũ) đã đề ra nhiều chính sách để đưa guồng máy đi theo đúng định hướng.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hương - 70 tuổi, giáo viên về hưu, sống ở phường 8, quận 4 - mọi thứ trong quận chuyển biến dần trong mấy chục năm qua, như nâng cấp, mở rộng đường, xây cầu nối với các quận, giới thiệu việc làm cho những thanh niên nghiện ngập, trộm cướp trở về từ trường, trại…

Bà gật gù: “Mấy chục năm sống ở hẻm này, tôi mừng là nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh, hơn phân nửa có máy lạnh. Nhiều khi mình cũng không rõ người trong xóm họ tên gì, làm công việc gì nhưng gặp mặt thì chào nhau, có chuyện cần thì họ giúp. Dân xăm trổ nhìn thấy sợ nhưng nếu nhà họ hát hò inh ỏi, mình bước sang nhắc nhẹ một tiếng, họ cũng vui vẻ tắt karaoke. Thế là sống có văn hóa”.

Giờ đây, nhiều con hẻm ở quận 4 đã được lắp camera và hệ thống báo cháy từ tiền đóng góp của dân sau khi được chính quyền triển khai, vận động. Đương nhiên, cũng có những điểm cần tiếp tục cải thiện, nhưng có được như hôm nay đã là sự đổi thay rất lớn. “So với 20 năm trước, quận 4 thay đổi đến 80 - 90%” - bà Mỹ Hạnh nhận xét.

Ngày nay, đi vào con hẻm 148 Tôn Đản cũng dễ bị lạc như xưa, nhưng lạc trong mê cung này lúc đói lòng thì đã có xe bún riêu, quán nước nhỏ mời gọi dừng chân, giá mềm mà ăn cũng được lắm.

Kỳ tới: Ở Cây Da Sà, “cái chết trắng” chỉ còn trong dĩ vãng

Diễm Mi

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI