Cuộc hội ngộ xúc động của những nữ du kích năm xưa

26/07/2023 - 06:10

PNO - Ngày 24/7, Hội LHPN quận 6 tổ chức họp mặt, giao lưu giữa cán bộ hội, nữ thanh với các dì là nữ du kích, nữ giao liên trong những năm tháng kháng chiến nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Gặp lại nữ giao liên, du kích năm xưa

Kể lại câu chuyện đời mình, bà Hồ Thị Dùm cho biết bà được sinh ra và lớn lên tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi - quê hương giàu truyền thống cách mạng. Gia đình bà là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng nên mới 8 tuổi bà đã được giao nhiệm vụ giao liên. Lớn lên, có chút nhan sắc cộng với tài ăn nói, bà được giao thêm nhiệm vụ binh vận để vận động, lôi kéo người của địch quay trở lại làm việc cho ta. 

Bà Dùm nhớ, năm 1968 là giai đoạn khó khăn khi vùng Phú Hòa Đông thường xuyên bị địch càn quét và bà đã bị bắt khi đang làm nhiệm vụ. Để hủy bỏ vật chứng, bà đã nhai rồi cố nuốt hết lá thư. Vào tù, bị tra tấn đến chết đi sống lại, nhưng với ý chí kiên cường, bà quyết không khai nhận. Sau hơn 1 năm bị giam giữ, bà Dùm được trả tự do.

Trở về, bà tiếp tục tham gia cách mạng tại Sài Gòn. Bà không nhớ nổi đã bao lần bị bắt để điều tra, xét hỏi, nhưng địch đều phải thả bà vì không lấy được lời khai và không có chứng cứ buộc tội. 

Sau ngày giải phóng, bà Dùm vào làm hãng dệt, lập gia đình rồi sinh con, sống cuộc sống bình thường như bao nhiêu người phụ nữ khác. 

Hội LHPN quận 6 tặng hoa cảm ơn các dì tại buổi giao lưu (thứ hai từ trái sang: dì Hồ Thị Dùm, dì Nguyễn Thị Thảo  và dì Phạm Thúy Hưởng)
Hội LHPN quận 6 tặng hoa cảm ơn các dì tại buổi giao lưu (thứ hai từ trái sang: dì Hồ Thị Dùm, dì Nguyễn Thị Thảo và dì Phạm Thúy Hưởng)

Ngồi cạnh bà Dùm là bà Nguyễn Thị Thảo. Bà Thảo kể lại rành rọt từng giai đoạn của đời mình. 18 tuổi, bà vào dân quân du kích xã Quỳnh Kim, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (nay thuộc thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) với vai trò tiểu đội trưởng, cùng bao thanh niên, phụ nữ hăng hái khuân vác, chuyển hàng vào miền Nam.

Khi địch phát hiện điểm tập kết, phá cầu Hoàng Mai, bà Thảo lại cùng anh em làm cầu phao để nối liền tuyến đường vận chuyển quân lương, vũ khí vào chiến trường. 

Sau 4 năm tham gia dân quân du kích, bà Thảo chuyển sang thanh niên xung phong và làm việc tại Công trường 4, Đường sắt C407 (thuộc đơn vị xây dựng đường sắt Thanh Hóa - Vinh), đi gánh đất, đắp đường không kể ngày, đêm. Bà chia sẻ: “Trong những năm tháng ấy, tôi không thấy có gì là khó khăn. Dáng tôi nhỏ choắt nhưng nhanh nhẹn, xốc vác, lại có tài ca hát, khéo động viên nên hễ tôi hô hào chuyện gì cũng được anh em ủng hộ”.

Vài năm sau đó, bà được chuyển đi học y tá, lấy chồng bộ đội rồi về Hà Giang sinh sống. Năm 1978, gia đình bà vào TPHCM sinh sống, bà làm cán bộ phường. Năm 1990 nghỉ hưu, bà tiếp tục tham gia nhiều công tác tại địa phương.

Hội trưởng Phụ nữ sau ngày giải phóng

Bà Phạm Thúy Hưởng cũng tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, làm giao liên ở chiến trường Tây Ninh. Năm 1965, bà về tham gia hoạt động tại Sài Gòn, từng bị địch bắt bớ, giam cầm, tra tấn đến nội thương, phải điều trị dài ngày. Bà kể, trong giây phút sinh tử, bà vẫn kiên định trong tư tưởng: “Nhất lý, nhì lì, ba làm thinh, dù bị tra tấn vẫn cắn răng chịu đựng”. 

Sau giải phóng, bà Hưởng được phân công làm Hội trưởng Phụ nữ quận 6. “Ngày tiếp quản, nơi đây ngổn ngang súng ống. Nhiệm vụ được giao lúc bấy giờ là tập hợp chị em phụ nữ đạt 1/2 dân số, phục vụ đời sống cho dân, nhưng đâu có dễ dàng” - bà nhớ. Ban đầu, nhiều gia đình còn e dè, đóng kín cửa, không muốn tham gia. Trong khi, để trở thành hội viên phụ nữ lại phải đáp ứng nhiều tiêu chí.

Để gỡ khó, bà nghĩ ra cách thành lập nhóm phụ nữ đoàn kết để ai cũng có thể tham gia. Hội phụ nữ lúc bấy giờ làm hết các công việc từ nhà ra phố. Thấy phong trào có khí thế, chị em vui vẻ, người dân mới bắt đầu tham gia. Vài năm sau đó, bà Hưởng được phân công làm bí thư phường. 

Sau khi về hưu, bà Hưởng được mời làm Hội phó Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến quận 6 thực hiện công tác đền ơn, thăm hỏi gia đình chính sách, hỗ trợ công tác xây dựng nhà tình nghĩa… Một lần đến thăm mẹ của người đồng đội năm xưa, biết bà đau đáu nỗi nhớ thương con gái, bà Hưởng tình nguyện đi tìm hài cốt con gái cho bà.

Sau nhiều cố gắng trở lại “vùng trắng” trong chiến tranh (huyện Bình Chánh, TPHCM) để tìm kiếm, bà đã mang được hài cốt người đồng đội trở về. Ôm hũ tro cốt, người mẹ già khóc mừng như được hội ngộ cùng con gái.

Xúc động trước giây phút ấy, bà Hưởng thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với những đồng đội đã hy sinh, để rồi tiếp tục những ngày tháng dài trở lại chiến trường tìm và bốc hài cốt các liệt sĩ, đưa họ về với gia đình. 

Bà Trần Thị Thắm - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 6 - cho biết, quận 6 hiện còn 41 dì là thương binh, 17 dì là bệnh binh. Tiếp nối truyền thống tri ân, đền ơn đáp nghĩa, nhiều ngày qua, các cấp hội ở quận phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, chăm lo và đặc biệt là tổ chức buổi họp mặt, gặp lại các nhân chứng lịch sử, nghe các dì kể lại khoảng thời gian đầy khó khăn, ác liệt của chiến tranh để khơi gợi tinh thần dấn thân, phục vụ của thế hệ phụ nữ hôm nay. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI