Nhà làm phim có tên tuổi Charlie Nguyễn kể câu chuyện hiện đại về cuộc sống phụ nữ thời nay qua Chàng vợ của em, khởi chiếu ngày 24/8. Đạo diễn trẻ lần đầu làm phim truyện dài - Leon Quang Lê - lại chọn đề tài truyền thống với câu chuyện về tình yêu cải lương của hai chàng trai trong Song lang, khởi chiếu ngày 17/8.
|
Chàng vợ của em và Song lang tương phản về đề tài lẫn nhân vật trung tâm |
Chàng vợ của em đập tan định kiến “một nửa hoàn hảo”
Sau thất bại của Fan cuồng, bộ đôi Charlie Nguyễn - Thái Hòa đã trở lại với vai trò cũ: đạo diễn - diễn viên trong Chàng vợ của em, chuyển thể từ cuốn sách ăn khách Busy woman seeks wife của Anh.
Với kinh nghiệm trong thể loại tình cảm, hài của Charlie Nguyễn, Chàng vợ của em dễ dàng chinh phục khán giả qua cách kể duyên dáng về chuyện tình giữa một cô gái “giỏi việc nước” và một chàng trai “đảm việc nhà”.
Nhân vật Mai trong phim là một cô nàng công sở bận rộn, những tưởng đã tìm được Ngọc - một cô giúp việc hoàn hảo, nào ngờ người lau dọn nhà cửa, nấu cho cô những món ăn ngon hằng ngày không phải Ngọc mà là anh trai Ngọc - Hùng - chàng trai khó ưa mà cô hay chạm mặt mỗi sáng chạy bộ ở công viên.
Thường nghe, “phía sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của phụ nữ”. Liệu sẽ có điều ngược lại? Có phải hình mẫu phụ nữ hoàn hảo là tề gia nội trợ còn đàn ông là kiếm tiền? Góc nhìn mới mẻ này đã tạo nên sức hút của phim.
Ai cũng khao khát kiếm tìm “một nửa hoàn hảo”, nhưng tình yêu chính là sự bù đắp. Điểm tựa của một cô gái không nhất thiết phải là một chàng trai thành đạt mà đơn giản là người biết chia sẻ, chăm sóc mình từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Sở hữu cốt truyện hợp thời, mạch phim nhịp nhàng, cài cắm một số tình huống hài vừa phải, không phô (dù nam chính Thái Hòa có cảnh khỏa thân 100%) là những điểm cộng sáng giá cho Chàng vợ của em, được dự báo sẽ thắng lớn về doanh thu.
Song lang - một trời hoài niệm
Sau cú “lừa” nhẹ khán giả về hình ảnh một Sài Gòn xưa trong Cô Ba Sài Gòn, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã “tạ lỗi” người xem bằng 100 phút phim tái hiện hoàn hảo một Sài Gòn thập niên 1980.
Chuyện phim xoay quanh tình yêu cải lương của hai chàng trai: kép hát Linh Phụng và gã giang hồ Dũng thiên lôi. Phim không có một cốt truyện mà đơn thuần là những lát cắt về cuộc đời của hai con người tưởng chừng như chẳng bao giờ chạm mặt lại va phải nhau, rồi lưu luyến bằng một thứ tình cảm khó gọi tên, qua mối dây cải lương.
Chọn tên phim Song lang, biên kịch - đạo diễn Leon Quang Lê cài vào đó nhiều ẩn ý: song lang là nhạc cụ cầm canh tiết tấu quan trọng nhất trong dàn nhạc cải lương và từ song lang cũng là hai chàng trai.
Ấn tượng đầu tiên của Song lang là phim tái hiện đủ, đúng và đẹp không khí Sài Gòn thập niên 1980. Màu thời gian xưa cũ nhuốm lên từng góc phố, rạp hát, nhà cửa, quần áo, tóc tai, vật dụng và cả cách trang điểm của nhân vật.
Những khán giả từng sống ở thập niên 1980 đã bồi hồi cảm xúc khi nhìn thấy bảng hiệu đoàn cải lương Thiên Lý, những tấm áp-phích vẽ hình đào kép, những chiếc ti vi hay radio to tướng, dòng chữ quảng cáo Sinco lừng lững trên nóc nhà, nhân vật uống nước ngọt trong bịch ni-lông có cắm ống hút, sử dụng bếp dầu hôi…
Không chỉ mở mắt, khán giả còn căng tai lắng nghe từng hơi thở của Sài Gòn xưa qua tiếng loa phường phát những ca khúc về Hà Nội, tiếng radio vang lên những bản cải lương hoặc tiếng ca boléro ảo não của những người mù ăn xin, bán vé số ngoài đường. Cũng hiếm có phim nào có những phân cảnh diễn cải lương nhiều mà không gây nhàm chám như Song lang.
Thành công trong việc “tắm” khán giả vào không khí quá khứ, Song lang còn chạm đến trái tim công chúng bằng câu chuyện ám ảnh về cuộc đời của Linh Phụng và Dũng thiên lôi.
Linh Phụng không sinh ra trong gia đình nghệ thuật, nhưng lại từ bỏ gia đình để theo nghệ thuật; còn Dũng thiên lôi lớn lên trong gia đình có cha là thầy đờn, mẹ là đào hát, nhưng lại rũ bỏ truyền thống gia đình để ra giang hồ, trở thành một kẻ đòi nợ thuê.
Hai con người cô đơn trong cuộc sống bỗng gặp nhau và nhận ra giữa họ có chung đam mê, đồng cảm. Một người phân vân giữa đam mê nghệ thuật và thực tế mưu sinh nghiệt ngã; một kẻ băn khoăn giữa ranh giới thiện lương.
Phim không hề có cảnh nào miêu tả hay gợi ý đến mối tình giữa Linh Phụng và Dũng thiên lôi, nhưng người xem vẫn ý nhị nhận ra cảm xúc mà họ dành cho nhau. Kết phim mở có thể khiến khán giả có chút hụt hẫng, nhưng là cái kết hợp lý, bởi nhiều thứ tình cảm không nhất thiết phải gọi tên, chỉ cần người trong cuộc cảm nhận, thấu hiểu là đủ.
Hương Nhu