Tòa án quận Petrodvortsovy của thành phố St. Petersburg vừa phạt nhà cung cấp dịch vụ di động Megafon 600.000 ruble (gần 7.000 USD) vì đã cho phép thực hiện cuộc gọi từ số điện thoại giả mạo.
Cơ quan công tố quận Lomonosov, tỉnh Leningrad, chiếu theo điều 159 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga về tội lừa đảo qua điện thoại, cáo buộc Megafon không thực hiện nghĩa vụ chấm dứt cung cấp dịch vụ liên lạc và truyền tải lưu lượng vào mạng của mình trong các trường hợp được pháp luật pháp Nga quy định.
Trước đó, một khách hàng 84 tuổi của Megafon đã nhận được cuộc gọi từ Pháp với số thuê bao của nhà cung cấp dịch vụ di động VimpelCom. Tuy nhiên, theo dữ liệu của VimpelCom, không có cuộc gọi nào tới nạn nhân được ghi lại từ số điện thoại này. Đây là bằng chứng cho thấy số điện thoại dùng để gọi đi đã bị giả mạo.
Văn phòng công tố quận Lomonosov đã kiện nhà mạng, yêu cầu nhà điều hành thu hồi số tiền bị bọn lừa đảo đánh cắp và bồi thường thiệt hại tinh thần cho nạn nhân.
Cơ quan giám sát giải thích rằng, khi nhà mạng không hành động và cho phép kẻ lừa đảo thực hiện cuộc gọi, nghĩa là đã cung cấp dịch vụ liên lạc không đúng cách và gây thiệt hại tài sản cho thuê bao.
Trông người mà ngẫm đến ta.
Ở Việt Nam, người dùng điện thoại gặp biết bao nhiêu là phiền toái từ cuộc gọi "rác" (cuộc gọi bán hàng), các cuộc gọi quảng cáo, chào mời đủ thứ dịch vụ trên đời.
Dù sao thì những cuộc gọi này chỉ khiến người nghe mất thời gian, bực mình, nhất là khi đang bận mà phải tiếp những cuộc gọi trời ơi.
Điều đáng nói nhất và khiến nhiều người ngao ngán, lo sợ nhất là các cuộc gọi lừa đảo. Và để đối phó với điều này, nhiều người chọn cách không bắt máy khi thấy số lạ.
Việc không bắt máy khi thấy số lạ tiềm ẩn rất nhiều tai hại. Như những gia đình có người già, trẻ nhỏ, khi ra ngoài bị lạc đường, chẳng may điện thoại hết pin, thậm chí mất điện thoại, họ có thể mượn điện thoại để gọi, nhưng vì gia đình quá "sợ" số điện thoại lạ nên không dám nghe, ai dám chắc hậu quả sẽ là gì.
Đó là chỉ một trong những ví dụ người dùng điện thoại phải chịu thiệt thòi, hệ lụy vì không dám nghe máy từ số lạ, chỉ bởi nỗi sợ bị lừa đảo.
Quay trở lại chuyện vì sao các số điện thoại có thể gọi điện gây phiền toái, lừa đảo. Đó chẳng phải là do cách quản lý của các nhà mạng chưa đủ chặt chẽ hay sao? Đó là vì khi khách hàng "gặp chuyện", nhà mạng chỉ ngó lơ, bỏ mặc, phủi tay, coi như khách... xui thì tự chịu.
Dù các cơ quan chức năng đã thông báo, tuyên truyền, khuyến cáo rất nhiều, nhưng vẫn có không ít người, sau khi nhận được cuộc gọi mạo danh là cán bộ công an, cán bộ ngân hàng, là nhân viên đơn vị này đơn vị kia, rồi yêu cầu cài đặt ứng dụng hoặc nhấp vào đường link, liền bị lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.
Đâu phải ai cũng có thể nhận định đây là cuộc gọi lừa đảo, như những người lớn tuổi, người ít theo dõi tin tức, người không rành công nghệ... để rồi họ răm rắp làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, kể cả khi đã mất sạch tiền trong tài khoản, họ cũng không hề hay biết (họ chỉ biết sau đó, khi đến ngân hàng rút tiền hoặc kiểm tra số dư).
Nạn nhân mất tiền chỉ biết cay đắng ngậm bồ hòn làm ngọt, còn những kẻ lừa đảo qua điện thoại thì vẫn nhởn nhơ và tiếp tục lừa đảo.
|
Nhà mạng yêu cầu khách hàng đăng ký SIM chính chủ, nhưng trên thị trường vẫn tràn ngập SIM rác, và những vụ việc lừa đảo qua các cuộc điện thoại vẫn tiếp diễn - Ảnh minh họa |
Điều đáng nói là trước đó, nhà mạng yêu cầu khách hàng, người dân đăng ký SIM chính chủ. Vậy mà, sau đó vẫn còn nhiều điểm bán SIM rác. Chính kẽ hở này đã tiếp tay cho những kẻ lừa đảo.
Mới đây, tôi bị khóa một SIM điện thoại đã đăng ký chính chủ, khi thắc mắc với nhà mạng thì được yêu cầu đến chi nhánh nhà mạng để mở lại dịch vụ. Tại sao SIM đã đăng ký chính chủ mà vẫn khóa?
Sau đó, tôi tiếp tục bị khóa một SIM điện thoại thứ hai, đây là SIM tôi mua sau khi có yêu cầu đăng ký SIM chính chủ, đại lý bán nói rằng "đã nhờ người đứng tên", dù tôi muốn đăng ký chính chủ để không phải phiền toái về sau. Tại sao có thể mua SIM dễ dàng mà không cần đăng ký chính chủ?
Khi tôi đến chi nhánh nhà mạng đăng ký chính chủ để mở lại số, thì được thông báo rằng "đã đứng tên 3 SIM, đủ số lượng". Khi tôi yêu cầu xem những số tôi đã đứng tên, thì phát hiện chỉ có 1 số của mình, còn 2 số kia lạ hoắc. Tại sao ai đó có thông tin cá nhân của tôi để đứng tên đăng ký SIM?
Như vậy đủ thấy, ngay cả chuyện quản lý SIM chính chủ còn chồng chéo, bất cập, nhiều kẽ hở, SIM không chính chủ vẫn đầy dẫy ngoài thị trường, và nhiều người không hề dùng vẫn có thể "đứng tên SIM".
Tưởng đâu sau chuyện nhà mạng yêu cầu đăng ký chính chủ thì chuyện quản lý SIM sẽ rốt ráo, chặt chẽ hơn, nhưng cho đến giờ, những vụ việc lừa đảo qua điện thoại vẫn còn tiếp diễn?
Nếu những vụ lừa đảo này đến từ số điện thoại không chính chủ, đến từ SIM rác, vậy trách nhiệm của nhà mạng ở đâu?
Chuyện ai ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị lừa đảo, lực lượng chức năng phải vào cuộc điều tra, tốn kém nhân lực, vật lực là chuyện có thể ngăn chặn từ đầu, ngay việc quản lý SIM chính chủ. Sao nhà mạng không chặn từ gốc? Phải chăng là vì chuyện này sẽ khiến họ thất thu?
Rõ ràng, Chính phủ cần có quy định, yêu cầu nhà mạng chặt chẽ hơn trong vấn đề quản lý SIM, để bảo vệ người dân, bảo vệ khách hàng. Nếu xảy ra cuộc gọi lừa đảo đến từ số thuê bao của nhà mạng nào, thì nhà mạng đó bị phạt nặng, như câu chuyện ở Nga, vậy thì có lẽ số nạn nhân bị lừa từ các cuộc gọi điện thoại sẽ giảm rất nhiều.
Nguyễn Thu Đăng - Ngọc Duyên