Cuộc gặp xúc động của những nữ anh hùng

02/06/2018 - 21:04

PNO - Chiều 2/6, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu các nữ anh hùng, nữ điển hình tiêu biểu nhân kỉ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).

Buổi gặp mặt có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới dự buổi lễ. 

Cuoc gap xuc dong cua nhung nu anh hung
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Phát biểu tại buổi giao lưu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: "Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân đã ghi dấu ấn trên mọi mặt trận, lĩnh vực của đời sống xã hội và trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp phụ nữ.

Chúng ta vô cùng khâm phục, biết ơn tinh thần chiến đấu anh dũng, hi sinh quên mình góp phần thống nhất non sông đất nước, sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kiến thiết đất nước của biết bao người bà, người mẹ, người chị, người vợ, người con trên khắp mọi miền đất nước. Hy vọng các chị, các mẹ sẽ là những người truyền cảm hứng, lan tỏa tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ trong thời gian tới".

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, câu chuyện về “Đội quân tóc dài” huyền thoại, với phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, phong trào “5 tốt”, phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; đồng thời, chia sẻ những bài học kinh nghiệm để truyền ngọn lửa, đam mê, cống hiến với cộng đồng và thế hệ trẻ trong các phong trào thi đua yêu nước. 

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Tám (phường Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, cô bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, 16 tuổi được đưa ra Đà Nẵng hoạt động bí mật, phụ trách công tác giao liên, đào hầm bí mật và cùng đồng đội vượt qua nhiều thử thách trong những tháng năm chiến tranh khốc liệt đó. 

Cô Nguyễn Thị Tám kể lại những kỉ niệm về năm tháng khói lửa đó, về mẹ Nhu, một người mẹ thân thương đã nuôi giấu bộ đội trong nhà mình và cho tới khi bị địch vây nhà, đánh đập để hỏi hầm bí mật, mẹ Nhu vẫn không khai.

Cuoc gap xuc dong cua nhung nu anh hung
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Tám kể lại kỉ niệm của mình

Sau này khi chiến tranh kết thúc, dù cuộc sống khó khăn nhưng cô vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động của đoàn thể, hội phụ nữ để tuyên truyền về truyền thống cách mạng của quê hương. Cô là Ủy viên mặt trận của ba cấp phường, quận và thành phố Đà Nẵng, là Bí thư chi bộ trong 20 năm và Chủ tịch hội tù yêu nước. 

Trong buổi giao lưu này, còn có Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng Kotam, tỉnh Đắk Lắk đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Anh. Công ty của chị đã tạo việc làm cho gần 100 người dân địa phương, trong đó 2/3 là nữ, 62% là người dân tộc Êđê với mức thu nhập ổn định; 100% công nhân được bảo đảm các chế độ bảo hiểm; được trang bị quần áo bảo hộ lao động, được đi du lịch ngoài tỉnh hàng năm. Trong ba năm trở lại đây, công ty của chị đã đóng thuế mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Được mời lên chia sẻ tại buổi giao lưu, dịch giả Nguyễn Bích Lan, một người đã bất chấp nỗi đau của căn bệnh loạn dưỡng cơ để trở thành một dịch giả, nhà văn chuyên nghiệp với hơn 30 tác phẩm được bạn đọc yêu thích. Trong đó có tự truyện "Không gục ngã" đã truyền đi ý chí, nghị lực đến những người gặp nghịch cảnh.

Chị Lan chia sẻ: "Tôi cũng làm việc như mọi người, làm 9 tiếng một ngày và tôi cảm thấy khó khăn của minh không phải là một thứ đáng ghét, nó chính là cơ hội. Tôi đại diện cho những người phụ nữ coi khó khăn là cơ hội, những người đang không có mặt ở hội trường này.

Không giống như một số dịch giả đợi nhà xuất bản đặt hàng, tôi trực tiếp đi tìm những cuốn sách hữu ích cho cộng đồng để dịch, để cho họ thêm một món ăn cho tâm hồn", chị Lan cũng là một trong 8 người phụ nữ đương đại được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tôn vinh.

Cuoc gap xuc dong cua nhung nu anh hung
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng hoa cho các đại biểu

Buổi giao lưu có 124 đại biểu nữ, trong đó có 2 nữ Anh hùng lực lượng vũ trang, 12 nữ Anh hùng Lao động và 110 nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cao tuổi nhất là bác Phạm Thị Vách 78 tuổi, tỉnh Hưng Yên, là kiện tướng trên công trường Bắc - Hưng - Hải, là Anh hùng Lao động trước đổi mới, hai lần được Bác Hồ tặng Huy hiệu. 

Đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Lê Cẩm Huyền, 11 tuổi, vận động viên môn Cờ vua tỉnh Quảng Ninh, với 6 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc trong các giải thi đấu Cờ vua Thế giới, châu Á và toàn quốc, trong đó có 1 Huy chương Vàng thế giới.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI