Cuộc gặp Trump - Putin sẽ thay đổi trật tự thế giới?

17/07/2018 - 13:46

PNO - Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin là bước ngoặt hướng đến tương lai tươi sáng hơn.

Nhưng cộng đồng quốc tế đánh giá đó là dấu hiệu mong muốn thể hiện một trật tự thế giới mới.

Thông điệp sau “những lời có cánh”

Ngay trước cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Trump đã có chuyến thăm đến bốn quốc gia châu Âu. Những quốc gia này vốn là đồng minh của Mỹ từ trước đến nay, nhưng chuyến công du của Tổng thống Trump tạo nên sắc thái đối đầu rõ ràng.

Cuoc gap Trump - Putin se thay doi trat tu the gioi?
Tổng thống Nga Putin tặng Tổng thống Trump quả bóng World Cup 2018 trong cuộc họp báo chung ngày 16/7.

Trong khi đó, với Tổng thống Nga Putin, ông Trump dành những lời “có cánh” và khẳng định vị thế nước Nga đủ quan trọng để so kè cùng Mỹ. Những diễn biến này xảy ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức xấu nhất từ thời Chiến tranh Lạnh, sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Trong buổi họp báo chung sau hơn hai giờ gặp riêng tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga, Tổng thống Trump luôn tỏ thái độ chiều theo ý của ông Putin. Ông Trump liên tục phản bác những lời chỉ trích hướng đến lãnh đạo Nga. 

Chỉ mới ngày 13/7 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ công bố kết luận điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Đồng thời, cơ quan này cáo buộc 12 công dân Nga dính líu tới “một nỗ lực lâu dài nhằm xâm nhập các hệ thống máy tính của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ” và hộp thư điện tử của ứng cử viên Hillary Clinton thời điểm tranh cử.

Tổng thống Mỹ Trump đã bênh vực ông Putin trước báo giới khi trả lời câu hỏi từ phóng viên: “Tổng thống Nga Putin là người có sức mạnh và quyền uy khi phủ nhận cáo buộc trên”.

Thái độ mà ông Trump dành cho ông Putin khác hẳn với khi ông gặp lãnh đạo châu Âu gần đây. Điều này khiến nhiều người mơ hồ nhận ra khả năng thay đổi về trật tự thế giới. Ở thời điểm ông Putin bày tỏ sự ủng hộ ông Trump khi thắng cử cuối năm 2016, có lẽ suy nghĩ này chưa rõ như bây giờ.

Góc nhìn này không khác là mấy so với việc Tổng thống Mỹ Trump rời hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada rất sớm, trong tâm thế chẳng mấy thoải mái để vội vã đến Singapore. Đây là nơi ngay sau đó diễn ra cuộc gặp lịch sử, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông Trump lúc ấy đã mô tả ông Kim là người rất thông minh và gai góc.

Tổng thống Mỹ Trump và trò chơi "một mất một còn"

Cuoc gap Trump - Putin se thay doi trat tu the gioi?
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói: “Chúng tôi không thể nào tin cậy hoàn toàn vào Nhà Trắng nữa”.

Ôn Thomas Wright, Giám đốc Trung tâm về Mỹ và châu Âu tại viện Brookings (ở Mỹ) cho rằng điều này vô cùng ấn tượng. Ông Thomas nói: “Tôi cho rằng điều đó cho thấy ông ấy cảm thấy dễ chịu với những lãnh đạo quyền uy từ các nước đối thủ hơn là những đồng minh dân chủ”.  

Theo chuyên gia Thomas Wright, với ông Trump thì kinh tế và thương mại chỉ là một trò chơi một mất một còn, tức là một bên được lợi thì bên kia sẽ bất lợi. Việc xem là bạn hay thù đối với Tổng thống Trump thường dựa vào việc đối phương có đe dọa kinh tế đến Mỹ hay không.

Điều này được thể hiện rõ ràng trong những tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Bỉ, ông Trump gây bất ngờ khi thẳng thắn yêu cầu các quốc gia đồng minh thuộc NATO tăng chi ngân sách quốc phòng từ 2% trên tổng GDP lên 4%. Ông không muốn Mỹ “gánh” phần quá lớn chi phí cho NATO thêm nữa.

Khi trả lời phỏng vấn đài CBS, Tổng thống Trump nói rằng EU là kẻ thù lớn nhất. Ông gọi Nga là kẻ thù, nhưng có sự tôn trọng nhất định, còn Trung Quốc là kẻ thù trong kinh tế.

Trước thực tế đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trả lời truyền thông, thẳng thừng nói rằng: “Chúng tôi không thể nào tin cậy hoàn toàn vào Nhà Trắng nữa”. Theo ông Heiko, để duy trì quan hệ với Mỹ, các quốc gia châu Âu buộc phải điều chỉnh lại và chú trọng hơn về quan hệ nội khối.

Anh Thông (Theo Politico)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI