Cuộc gặp gỡ vun đắp tình hữu nghị

01/11/2024 - 13:08

PNO - Sáng 1/11, Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam đã có buổi gặp gỡ, giao lưu thắm tình hữu nghị với những người bạn Liên Xô.

Những cựu cán bộ Đoàn Liên Xô dõi theo
Các cựu cán bộ Đoàn Liên Xô dõi theo những câu chuyện nhắc nhớ kỷ niệm

Sáng 1/11, Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với chủ đề “Giữ lửa ân tình” cùng bà Natasa - nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lê-nin của Liên Xô và các thành viên Đoàn Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Trường Đoàn cao cấp Mat-xcơ-va Liên Xô trong chuyến công tác tại TPHCM nhân dịp kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Chia sẻ về ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này, tiến sĩ Lê Hồng Liêm - Trưởng Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam - cho biết, với mục đích “Nhớ ơn liệt sĩ - Đáp nghĩa đồng bào - Chăm lo đồng đội - Truyền tiếp lửa cho thanh niên”, hoạt động của Ban liên lạc Cựu cán bộ Đoàn hướng đến việc nhắc nhở thế hệ sau rằng, đất nước hôm nay đi lên, ngoài sức mạnh tự thân, còn có sự giúp đỡ của bè bạn năm châu. Trong đó, sự hỗ trợ, chia sẻ, thậm chí hy sinh của nhân dân và chiến sĩ Liên Xô trước đây (nước Nga hiện nay) dành cho Việt Nam không thể nào đo đếm được.

Cuộc găp gỡ, giao lưu là cơ hội để những cựu cán bộ Đoàn TPHCM cũng như Liên Xô sống lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ
Cuộc gặp gỡ, giao lưu là cơ hội để những cựu cán bộ Đoàn TPHCM cũng như Liên Xô sống lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ

Riêng tiến sĩ Lê Hồng Liêm cũng có rất nhiều kỷ niệm với Liên Xô bởi ông là lứa học sinh đầu tiên của Trường Đoàn cao cấp Mat-xcơ-va sau những năm đất nước thống nhất.

Ông kể, thời điểm đó, đất nước còn nhiều khó khăn, do đó, những du học sinh Việt Nam khi sang Liên Xô học tập đã được bà Natasa, các bạn, các thầy cô hỗ trợ, giúp đỡ. "Là thương binh trong chiến tranh, nên dưới cái rét Mat-xcơ-va, có những lúc tôi tưởng mình không qua khỏi. Nhưng những bạn Nga luôn sát cánh, hỗ trợ, từng bước giúp mình thích nghi dần điều kiện sống cũng như nếp sống mới. Dù mấy chục năm đã qua nhưng tôi nhớ hoài những cánh đồng Nga, những bà mẹ Nga, những ngày trời đông rét lạnh và nhớ sự sát cánh, giúp đỡ, động viên của người dân Nga đối với con em Việt Nam mỗi khi khó khăn. Tôi nhớ để nhắc mình sống một cách tử tế, đóng góp cho đất nước cũng như đóng góp, vun đắp nhiều hơn cho tình đoàn kết, hữu nghị này".

Ông cũng nhắn nhủ các bạn trẻ rằng, đất nước đang quá trình đi lên, phát triển, đổi mới và thanh niên đang góp sức trẻ của mình để xây dựng đất nước bằng những công trình “số hóa”, “xanh hóa”,… nhưng đừng bao giờ quên cội nguồn, hồn cốt của dân tộc và những người bạn đã cùng đất nước vượt qua giai đoạn gian khổ.

Ông Nguyễn Hữu Châu - nguyên là thành viên thường trực HĐND TPHCM - cũng kể lại nhiều kỷ niệm đối với đất nước Liên Xô. Năm 1987, ông được Thường vụ Thành ủy TPHCM cử sang Nga để học tập, rút kinh nghiệm về công cuộc đổi mới ở đất nước này.

Sang Liên Xô, ông vừa học chính trị, vừa học tiếng Nga tại Trường Đảng Cao cấp Mat-xcơ-va.

Ông Nguyễn Hữu Châu tay bắt mặt mừng khi gặp lại những người bạn Đoàn ở Liên Xô
Ông Nguyễn Hữu Châu tay bắt mặt mừng khi gặp lại những người bạn Đoàn ở Liên Xô

Trong một lần đến Liên Xô thăm những cán bộ Việt Nam đang theo học, bà Nguyễn Thị Định (cô Ba Định) - Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước - đã gặp ông Nguyễn Hữu Châu. Hỏi thăm hỏi tình hình gia đình, bà mới biết vợ ông bị ung thư.

“Bà Nguyễn Thị Định sau đó đã sắp xếp và đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô lúc đó đã đến gặp tôi, báo rằng trong nước đã đồng ý để vợ tôi sang Liên Xô chữa trị. Liên Xô khi ấy có 1 trung tâm nghiên cứu và chữa trị ung thư rất nổi tiếng. Nhờ đó, vợ tôi được điều trị và tiếp tục sống khỏe mạnh hơn 30 năm nay. Đó là kỷ niệm khiến tôi luôn biết ơn cả hai đất nước. Sau khi về nước, tôi luôn dặn lòng phải cố gắng đóng góp để xây dựng thành phố” - ông Nguyễn Hữu Châu bày tỏ.

Ông Nguyễn Hữu Châu cho biết, ông thấy may mắn và tự hào khi được học tập ở Liên Xô. Trong cảm nhận của ông người Liên Xô rất tốt, rất chân tình, cởi mở với người dân Việt Nam.

Có mặt tại sự kiện, xem lại những thước phim về hình ảnh của Trường Đoàn cao cấp Mat-xcơ-va được các cựu cán bộ Đoàn trong Ban liên lạc trình chiếu, bà Natasa - nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Lê-nin - bộc bạch, bà rất vui khi gặp lại những người bạn Việt Nam vào những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười đã thay đổi lịch sử của toàn thế giới, cũng là ngày thể hiện tình đoàn kết, tình hữu nghị.

Cuộc gặp gỡ thắm tình hữu nghị
Cuộc gặp gỡ thắm tình hữu nghị

Bà nói: “Cuộc gặp này khiến chúng tôi sống lại một thời tuổi trẻ không bao giờ quên. Trường Đoàn cao cấp Mat-xcơ-va của Trung ương Đoàn Liên Xô khi đó có sinh viên của hơn 50 nước trên thế giới theo học. Rất nhiều sự kiện đã xảy ra ở thời điểm đó nhưng tôi nhớ nhất sự kiện liên quan đến Việt Nam nhiều. Khi nghe tin về cuộc chiến tranh biên giới của Việt Nam năm 1979, không ai mời, không ai tổ chức, nhưng các bạn học sinh Trường Đoàn đã tổ chức 1 cuộc mít tinh bất ngờ. Các bạn đoàn viên Tây Ban Nha, các bạn châu Mỹ La tinh đã phát biểu ủng hộ Việt Nam. Có mặt trong buổi mít tinh đó, tôi rất cảm động. Sau đó, có nhiều cuộc mít tinh khác đã nổ ra, nhưng cuộc mít tinh đầu tiên này cảm động nhất trong cuộc đời tôi”.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI