Cuộc đua xây dựng hình ảnh Thủ tướng Thái Lan

25/03/2019 - 06:53

PNO - Điều không thể phủ nhận là ông Prayut Chan-O-Cha cùng các cộng sự đã chọn đúng hình ảnh khi nhắm đến nhóm cử tri nhiều khả năng ủng hộ ông. Đó là các phụ nữ trung niên, người già và tầng lớp lao động.

Gần 52 triệu cử tri Thái Lan, ngày 24/3, đã bước vào cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau đảo chính năm 2014, cũng là cuộc bầu cử đầu tiên sau hơn 8 năm. Không chỉ chạy đua chính sách, các ứng viên còn chạy đua hình ảnh, nỗ lực giành những lá phiếu ủng hộ.

Phong cách trẻ trung hiếm thấy ở Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha

Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha, đại diện cho đảng Palang Pracharath (PPRP) ra tranh cử. Trong thời điểm nước rút chuẩn bị cho bầu cử, ông xuất hiện với hàng loạt hình ảnh mới trên truyền thông. Không còn giữ tác phong, hình ảnh đậm màu quân đội, ông Prayut Chan-O-Cha chọn trang phục thời trang, tự nhận: “Thỉnh thoảng tôi muốn trông mình bảnh trai hơn” nhằm gây ấn tượng với cử tri.

Đây có lẽ là chiến lược giúp ông Prayut thay đổi hình ảnh, nhưng người dân Thái Lan vốn quen với một Thủ tướng Prayut quyết đoán, có khí chất của một lãnh đạo quân sự chứ không phải một chính trị gia hoạt ngôn, gần gũi.

Cuoc dua xay dung hinh anh Thu tuong Thai Lan
Ông Abhisit Vejjajiva lấy lòng cử tri bằng phong thái thân thiện kèm “lá thư tình” đặc biệt

Các nhà phân tích chính trị ở Thái Lan người chê, người khen lựa chọn này của ông Prayut, nhưng điều không thể phủ nhận là ông Prayut Chan-O-Cha cùng các cộng sự đã chọn đúng hình ảnh khi nhắm đến nhóm cử tri nhiều khả năng ủng hộ ông. Đó là các phụ nữ trung niên, người già và tầng lớp lao động.

Giới trẻ muốn thay đổi

Trong số gần 52 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu trong bầu cử lần này, có 7 triệu cử tri là những người lần đầu có quyền bỏ phiếu. Choltanutkun Tun-Atiruj là một trong số đó. Ở cuộc bầu cử năm 2011, cô chưa đủ tuổi. Choltanutkun Tun-Atiruj đã quan sát chính trường trong một thời gian và giờ cô đủ nhận thức để đưa ra lựa chọn độc lập. Choltanutkun nói: “Tôi nghĩ, rất nhiều người mệt mỏi với những gì xảy ra với đất nước 5 năm qua và chúng tôi muốn thể hiện tiếng nói, suy nghĩ của mình, để nói rằng chúng tôi cần một nền tảng vững vàng, ổn định hơn”.

Tâm sự của Choltanutkun (cháu ông Abhisit) cũng chính là những điều mà cử tri Thái Lan trẻ tuổi, quan tâm đến đất nước, cần. Những chính trị gia trẻ tuổi đang lắng nghe họ và trong tương lai, người trẻ Thái sẽ có nhiều điều để hy vọng. “Ngôi sao đang lên” của đảng Dân chủ là Parit Wacharasindhu (26 tuổi), từng học Đại học Oxford, đã thành lập nhóm “New Dem”, khuyến khích một thế hệ chính trị gia trẻ tham gia cuộc bầu cử lần này. Việc đảng Dân chủ chuẩn bị một thế hệ kế thừa, cho thấy cuộc đua chính trị của Thái Lan sẽ có những chuyển biến mới. Một trong những gương mặt được giới trẻ chú ý chính là ứng cử viên 40 tuổi - Thanathorn Juangroongruangkit, xuất thân là một doanh nhân. Ông thường xuất hiện với phong thái trẻ trung, năng động và đây chính là những gì mà người trẻ Thái Lan đang tìm kiếm.

Nhiều tuần trước, PPRP đã đưa ra bộ chính sách “7-7-7”, với những bước đi cụ thể nhằm giải quyết, khắc phục tồn đọng trong 7 vấn đề liên quan đến phúc lợi, 7 vấn đề xã hội và 7 vấn đề kinh tế. Đối tượng thụ hưởng từ chính sách chính là người già, người tàn tật, phụ nữ và tầng lớp lao động. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Wilaiwan Chongwilaikasem - phụ trách Khoa báo chí và Truyền thông Đại chúng của Đại học Thammasat - cho rằng: “Trong một chiến lược tranh cử được ví như chiến lược truyền thông tiếp thị thì thủ tướng là một sản phẩm và không nhất thiết phải trưng ra toàn bộ sự thật. Thay vào đó, chỉ nên nhắm vào lợi thế”.

Abhisit Vejjajiva và lá thư tình xoa dịu quá khứ

Một ứng viên nặng ký trong cuộc bầu cử Thái Lan lần này là ông chú trẻ trung, đại diện cho đảng Dân chủ - ông Abhisit Vejjajiva. Hình ảnh gần nhất trên chiến trường của ông Abhisit là vai trò thủ tướng từng bị cáo buộc có liên quan đến chiến dịch dùng lực lượng an ninh để trấn áp đẫm máu các cuộc biểu tình của phe áo đỏ năm 2011. Dù ông Abhisit thoát khỏi những cáo buộc pháp lý, vì hành động theo sắc lệnh khẩn cấp, nhưng ông Abhisit cũng phải thay đổi hình ảnh để quay trở lại chính trường.

Ông Abhisit từng gây ấn tượng với phong thái lịch thiệp, nhận được sự ủng hộ của cử tri từ miền Nam Thái Lan, tầng lớp trung lưu, doanh nhân. Giờ đây, ông Abhisit đã nỗ lực “trẻ hóa” hình ảnh: thân thiện hơn, thay vì một hình ảnh quá chuẩn mực, bóng loáng. Trong cuộc đua lần này, ông thường xuất hiện trên đường phố với chiếc áo phông trắng, ân cần chào hỏi những người ủng hộ, như muốn củng cố niềm tin trong họ, rằng bấy lâu nay ông vẫn ở đấy, quan sát, chờ đợi cơ hội và giờ đã sẵn sàng quay lại.

Cuoc dua xay dung hinh anh Thu tuong Thai Lan
Hình ảnh năng động, mới mẻ của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha

Những dòng ông Abhisit viết cho cử tri ủng hộ mới đây được ví như lá thư tình xoa dịu những gì đã xảy ra 5 năm trước. Nó được ví như “lá thư tình”, bởi ngôn từ khiến bất cứ ai cũng có thể hình dung đến một mối quan hệ lãng mạn hơn là một bức thư chính trị:

“Anh có thể trông ôn tồn, chẳng hung hãn, cũng không hấp dẫn và cũng không có gì đặc biệt. Nhưng anh ở đây, vững vàng như anh đã từng. Anh sẽ không làm em tổn thương, cũng chẳng bao giờ rời xa em. Anh vẫn lắng nghe những tranh luận của em, yêu nụ cười và yêu cả cách ở bên cạnh em mỗi lúc. Thời gian khiến anh mạnh mẽ hơn. Hôm nay, anh đã sẵn sàng ở bên chăm sóc em, lên kế hoạch cho một cuộc sống tốt hơn, cho chúng ta và con cháu của chúng ta, để có một gia đình ấm áp, an toàn, trong bầu không khí chân thành, trung thực. Hãy chọn anh. Anh yêu em”.

Cách viết của ông Abhisit đã nhắm trúng mục tiêu những ai thích khám phá những tầng lớp sâu từ bức thư, chấp nhận một “trò chơi cảm xúc” thay vì quá đau đầu khi nghĩ đến chính trị với những tính toán cân não. 

Giành thắng lợi chưa chắc giành quyền thành lập chính phủ

Sát giờ bầu cử, vua Maha Vajirusongkorn bất ngờ kêu gọi người dân bầu cử cho người tốt. “Người tốt” trong cách nói này được hiểu là lực lượng thân cận Hoàng gia và trong bối cảnh hiện tại, chính là lực lượng quân đội. Động thái này được cho là đi ngược lại tinh thần một cuộc bầu cử dân chủ, vì từ trước đến nay, Hoàng gia Thái Lan có nguyên tắc là không can dự vào chính trị, cũng như không thể hiện sự chi phối đến người dân nước này trong các cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử lần này được đánh giá là cuộc chạy đua giữa ba bên: quân đội thông qua đảng Palang Pracharath, đảng Pheu Thai (thắng trong bầu cử năm 2011) là đảng đối lập lớn nhất của Thái Lan và thân với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra với nữ ứng cử viên là bà Sudarat Keyuraphan, đảng Dân chủ với đại diện là cựu Thủ tướng Abhisit.

Quốc hội Thái Lan gồm 750 thành viên, với 500 ghế ở Hạ viện và 250 ở Thượng viện. Theo Hiến pháp mới ban hành, người dân chỉ bầu cho các thành viên trong Hạ viện. 250 ghế ở Thượng viện sẽ được bổ nhiệm bởi các tướng lĩnh quân đội, những người đang kiểm soát đất nước thông qua Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO). Cũng theo Hiến pháp mới, Thủ tướng đắc cử sẽ phải giành được hơn một nửa (376 phiếu) từ Quốc hội. Nghĩa là bất cứ bên nào giành được phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử vẫn chưa chắc giành được quyền thành lập chính phủ. Kết quả bầu cử sẽ được công bố chính thức vào ngày 9/5 và đến khi ấy mới rõ ràng về việc ai là người có quyền thành lập chính phủ.

Khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Mở Sukhothai Thammathirat Yutthaporn dự đoán ông Prayut có 50% cơ hội, nhưng khuyến nghị ông nên kết hợp cùng đảng Dân chủ để thành lập chính phủ. Ông Abhisit, trong trả lời báo chí mới đây, đã khẳng định sẽ nói không với quân đội, vì ông không muốn xung đột xảy ra. Chính trường Thái Lan sẽ không ổn định lập tức ngay sau cuộc bầu cử dân chủ và giới quan sát sẽ phải mất thêm nhiều thời gian mới nhìn thấy rõ tương lai của đất nước Đông Nam Á này.

Anh Thông 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI