Cuộc đua Tổng thống Mỹ tiến gần về đích với hơn 70 triệu người đã bỏ phiếu sớm

28/10/2020 - 12:48

PNO - Khi ngày bầu cử chính thức đến gần, hơn 70 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, con số này chiếm hơn một nửa tổng số cử tri tại cuộc bầu cử năm 2016.

Theo tổ chức Dự án Bầu cử Mỹ, cuộc kiểm phiếu ban đầu cho thấy tốc độ bầu cử tăng kỷ lục có thể dẫn đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất trong hơn một thế kỷ, là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ đến cuộc cạnh tranh giữa Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Những con số cũng nêu bật mong muốn của các cử tri trong việc giảm nguy cơ phơi nhiễm COVID-19 khi đại dịch tăng nhanh và thời tiết chuyển sang mùa đông.

Đảng Dân chủ hiện nắm lợi thế đáng kể trong việc bỏ phiếu sớm do khuyến khích bỏ phiếu qua thư, giữa lúc cử tri đảng Cộng hòa e ngại trong bối cảnh các cuộc cáo buộc lặp đi lặp lại và thiếu căn cứ của Tổng thống Trump rằng hệ thống dễ bị gian lận rộng rãi.

Nhìn chung, đảng Dân chủ gần như có lợi thế hai chọi một về số phiếu bầu sớm. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy đảng Cộng hòa trong những tuần gần đây đã thu hẹp khoảng cách về việc bỏ phiếu trực tiếp sớm, hơn nữa, họ có truyền thống dồn phiếu theo đợt với số lượng lớn.

Người dân chờ đợi bỏ phiếu sớm khi cơn bão nhiệt đới Zeta tiếp cận Bờ Vịnh ở New Orleans, bang Louisiana, hôm 27/10.
Người dân chờ đợi bỏ phiếu sớm khi cơn bão nhiệt đới Zeta tiếp cận Bờ Vịnh ở New Orleans, bang Louisiana, hôm 27/10

Mức độ bỏ phiếu sớm cao đã khiến Michael McDonald, giáo sư Đại học Florida, người quản lý Dự án Bầu cử Mỹ, dự đoán số cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục tại Mỹ vào khoảng 150 triệu người, chiếm 65% số người đủ điều kiện bỏ phiếu, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1908.

Các cử tri Mỹ đã bỏ phiếu sớm hơn nhiều trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 so với cả năm 2016, khi họ vượt qua mốc 47 triệu vào đầu tháng Mười.

Hôm 27/10, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden cam kết rằng nếu được bầu, ông sẽ hành động ngay lập tức về một loạt vấn đề, bao gồm kiểm soát dịch COVID-19 và mở rộng khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Ông đã tổ chức hai sự kiện ở Georgia - bang mà đảng Cộng hòa chiếm mọi ưu thế trong Cuộc đua vào Nhà Trắng từ năm 1996.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã tổ chức các cuộc vận động ở ba bang - Michigan, Wisconsin và Nebraska, tăng cường nỗ lực kêu gọi đối với nhóm cử tri nữ sống ở vùng ngoại ô, nói rằng ông sẽ đưa chồng của họ quay lại làm việc.

Các đồng sự tranh cử của cả hai ứng cử viên - Phó Tổng thống Mike Pence và Thượng nghị sĩ Kamala D. Harris - đã chạm trán nhau ở các bang chiến trường. Riêng cựu tổng thống Barack Obama hỗ trợ vận động cho ông Biden ở bang Florida.

Một trang web thuộc chiến dịch tranh cử của ông Trump đã bị tấn công, với phần "Giới thiệu" được thay thế bằng bảng cảnh báo với nội dung ghi rằng FBI đã chiếm quyền kiểm soát trang web, và đe dọa tiết lộ thông tin gây tổn hại về Tổng thống Trump cùng gia đình ông.

Tại cuộc bầu cử ngày 3 /11, còn một vấn đề khác khá quan trọng chính là tương lai của Thượng viện Mỹ, dự kiến sẽ có 35 vị trí thay đổi. 23 ghế hiện do đảng Cộng hòa nắm giữ, đảng Dân chủ có 12. Điều xảy ra vào đêm bầu cử, có thể ảnh hưởng đến tương lai của Thượng viện.

Jessica Taylor nói với Báo cáo Chính trị Cook: “Lần này đến lượt đảng Cộng hòa bảo vệ vị trí của mình”, và cho biết thêm trên toàn bản đồ nước Mỹ - 12 chiếc ghế của Đảng Cộng hòa đang lung lay, đặc biệt tại bang Arizona và Colorado. Lý do vì các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện phải chịu trách nhiệm về những gì người dân coi là thiếu sót trong phản ứng trước dịch COVID-19.

Tấn Vĩ (theo Reuters, Washington Post, News Nation Now)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI